Bảo hiểm y tế: Gần 90% hộ cận nghèo vẫn thờ ơ?

Hiện cả nước có khoảng 6 triệu người thuộc hộ cận nghèo,  nhưng chỉ có 692.000 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 11,5% Ảnh: Trần ViệtLuật Bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống từ hai năm nay nhưng người nghèo (cận nghèo) – đối tượng chính cần được sự hỗ trợ nhất từ Luật này lại không mấy mặn mà với chính sách bảo hiểm y tế. Điều đó được thể hiện ở con số gần 90% số hộ cận nghèo chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).Chỉ 11,5% người cận nghèo tham gia BHYT.Theo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), mặc dù được Nhà nước hỗ trợ một nửa số tiền đóng bảo hiểm y tế, thậm chí nhiều địa phương hỗ trợ đến 80% nhưng đối tượng cận nghèo tham gia BHYT vẫn thấp. Theo tiêu chí áp dụng cho giai đoạn năm 2010 -2015, những người ở nông thôn có mức thu nhập từ 401.000 đồng đến dưới 520.000 đồng/tháng và ở thành thị có mức thu nhập từ 501.000 đồng đến dưới 650.000 đồng/tháng được xếp là cận nghèo.

Căn cứ tiêu chí trên, hiện cả nước có khoảng 6 triệu người thuộc hộ cận nghèo, nhưng chỉ có 692.000 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 11,5%.

Gia đình chị Hoàng Thị Làn ở thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) là hộ thuộc diện thu nhập cận nghèo. Dù biết tham gia BHYT là rất cần thiết nhưng chị Làn vẫn băn khoăn, nếu được hỗ trợ 50% số tiền BHYT thì gia đình chị cũng phải đóng mất đứt gần 200.000 đồng/người/năm. Cả nhà chị có 3 người, vị chi mỗi năm mất 600.000 đồng. Số tiền này với một hộ thu nhập được xếp vào loại cận nghèo như gia đình chị Làn không phải là con số nhỏ. Đây là lý do khiến gia đình chị Làn cũng như nhiều gia đình khác ở Điện Biên không mặn mà với việc tham gia đóng BHYT.

Theo số liệu của Sở Y tế Điện Biên, năm 2010 có 4.374 hộ cận nghèo nhưng mới có 150 người tham gia BHYT. Năm 2011, với chuẩn nghèo mới, hiện Điện Biên có 8.617 hộ cận nghèo nhưng 6 tháng đầu năm cũng chỉ có 150 người tham gia mua BHYT. Tương tự, với chuẩn nghèo mới, toàn tỉnh Bắc Giang có chừng 35.385 hộ cận nghèo nhưng số lượng người tham gia BHYT chỉ đạt khoảng 1%.

Đánh giá về thực trạng này, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chính là bởi nhiều địa phương không lập được danh sách hộ cận nghèo mà chỉ tập trung bình xét và lập danh sách hộ nghèo. Mặt khác, nhóm đối tượng này đa số là người có thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên không có khả năng tham gia BHYT mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng, thậm chí có nơi được hỗ trợ tới 80% như Bắc Ninh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…

Nhà nước cần có chính sách hợp lý hơn

Ông Trương Kỳ Phong – Trưởng phòng Nghiệp vụ y tế (Sở Y tế tỉnh Điện Biên) cho biết, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng đối tượng cận nghèo không tham gia BHYT là do khó khăn về kinh tế và hạn chế về nhận thức. Nhiều người thuộc hộ cận nghèo vẫn luôn băn khoăn khi sự chênh lệch giữa hai đối tượng nghèo và cận nghèo chỉ một khoảng cách rất ngắn. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào vùng cao như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… chỉ có một người bị ốm, hay một vụ mùa bị thất thu… là đã trở thành đối tượng nghèo.

Ngoài nguyên nhân nói trên, ở nhiều địa phương dù người dân có điều kiện nhưng do chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT còn nhiều bất cập nên chỉ những người biết mình có bệnh nặng mới tham gia mua BHYT. Bà Trần thị Hường, ở Lục Yên, Bắc Giang là một ví dụ. Bà Hường cho biết, trước đây, bà cũng tham gia đóng BHYT nhưng mỗi lần bị ốm mang thẻ BHYT đến khám, thấy thái độ phục vụ của các bác sĩ có vẻ thiếu quan tâm, rồi đến khi được phát thuốc về uống cũng không khỏi ốm nên đã 4 năm nay, bà Hường không tham gia đóng BHYT nữa.

Thiết nghĩ, để người cận nghèo thực sự quan tâm và thiết tha hơn với BHYT, Nhà nước cần có sự hỗ trợ cao hơn nữa trong lĩnh vực này, nhất là các tỉnh vùng sâu vùng xa để không chỉ người nghèo mà cả người cận nghèo cũng có điều kiện được hưởng thụ chính sách ưu tiên của Nhà nước.

Duy Phương
Báo Đại Đoàn Kết

Comments are closed.