Bảo hiểm y tế: Chưa khả thi với đối tượng cận nghèo

altLuật Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã đi vào cuộc sống từ hơn một năm qua và được coi là chính sách giúp cho người nghèo đỡ hơn một phần khó khăn của cuộc sống khi giúp họ tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Mục tiêu của BHYT là đến 2014, sẽ thực hiện BHYT toàn dân, song lại đang xảy ra một thực trạng là số người cận nghèo không được tham gia BHYT đang chiếm một số lượng lớn.

90% người cận nghèo không có BHYT
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, từ tháng 7-2009 đến nay (tính từ thời điểm Luật BHYT đi vào cuộc sống),  cả nước vẫn còn 53/63 tỉnh, thành chưa triển khai được BHYT cho người cận nghèo. Trong khi số người ở ngưỡng cận nghèo chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu dân số trên toàn quốc (hàng chục triệu người) lại chỉ có khoảng hơn 10% số này (1 triệu người) có tham gia BHYT.

Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy,  Hà Nội với khoảng 400.000 người thuộc hộ cận nghèo nhưng đến nay mới chỉ có hơn 500 người tham gia BHYT. Tại Yên Bái, đến nay cũng mới chỉ có trên 3000 đối tượng là người cận nghèo tham gia. Tương tự  tại Điện Biên, số người cận nghèo quan tâm đến BHYT cũng chỉ là con số hàng chục khi năm 2010 vừa qua, tính đến ngày 24-12-2010, chỉ có thêm khoảng hơn 20 thẻ BHYT được phát ra cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Nam Định cũng không có gì khả quan hơn, số liệu thống kê của BHXH tỉnh cho thấy, tính đến hết tháng 9-2010 mới chỉ có 1487 người tham gia, chiếm trên 1% so với tổng số đối tượng cận nghèo toàn tỉnh. Như vậy, điểm qua, có thể thấy, tại nhiều địa phương, tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT chỉ đạt 1,2-1,5%.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng đối tượng cận nghèo không tham gia BHYT là do khó khăn về kinh tế và hạn chế về nhận thức. Theo ông Trương Kỳ Phong – Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y tế (Sở Y tế tỉnh Điện Biên) hơn một năm qua, Nhà nước đã dành nhiều ưu đãi cho người cận nghèo, tuy nhiên do nhận thức, đặc biệt là kinh tế còn khó khăn nên người cận nghèo không mặn mà với vấn đề này lắm. Ông Phong cho biết, với đặc thù là một tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, dân số có tới 80% là người dân tộc thiểu số nên phần lớn người dân ở tỉnh vẫn thuộc đối tượng nghèo. Bởi vậy, sau một năm thực hiện Luật BHYT đến nay, 95% dân số của tỉnh đã được cấp BHYT. Tuy nhiên, chính 5% số dân chưa có thẻ BHYT lại thuộc vào đối tượng cận nghèo của tỉnh. Ông Phong cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là bởi, nhiều người thuộc hộ cận nghèo vẫn luôn băn khoăn khi sự chênh lệch giữa hai đối tượng nghèo và cận nghèo chỉ là một “khoảng cách rất nhỏ”. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào vùng cao như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… chỉ có một người bị ốm, hay một vụ mùa bị thất thu… là đã trở thành đối tượng nghèo. Vậy nên, mức hỗ trợ của Nhà nước 50% đối với đối tượng cận nghèo là chưa hợp lý. Với mức hỗ trợ này, một năm người cận nghèo vẫn phải đóng tới 1 triệu đồng cho BHYT. Đây là một  số tiền không hề nhỏ đối với người dân thuộc diện cận nghèo, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa.

Chưa khả thi vì thiếu hợp lý

Đây cũng là ý kiến của nhiều  chuyên gia trong ngành. Theo các chuyên gia, người cận nghèo thực ra cũng nghèo, nếu không nói rằng, gia đình có chuyện gì xảy ra “dính dáng” đến kinh tế là lập tức họ trở thành nghèo. Thêm vào đó nhận thức về bệnh tật, sức khoẻ, BHYT của họ còn hạn chế nên không tham gia BHYT cho dù chỉ phải đóng thêm vài chục phần trăm, thậm chí chỉ là 10% mệnh giá thẻ.  Đấy là còn chưa nói, ở những địa phương không có hỗ trợ dự án hoặc tổ chức nhân đạo, mỗi năm một thẻ 379.000 đồng, nếu được nhà nước hỗ trợ 50% thì một gia đình 5 người phải bỏ ra cả triệu bạc nên họ không có điều kiện. Ngoài ra còn có tâm lý, đợi chuẩn nghèo mới để họ trở thành người nghèo sẽ được hỗ trợ 100%.
Trước thực trạng trên, với mong muốn tất cả người cận nghèo có BHYT, một số tỉnh đã linh động vận dụng nhiều cách như tạm ứng tiền từ Quỹ vì người nghèo do UBMTTQ tỉnh quản lý để hỗ trợ cho những đối tượng này. Tuy nhiên, kết quả cũng không được như mong muốn.

Để người cận nghèo “mặn mà” hơn với BHYT, theo ông Phong, chính sách này cần thiết thực hơn đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa, chẳng hạn như không phân biệt đối tượng cận nghèo và nghèo nữa vì người dân ở các địa phương này còn nhiều khó khăn so với các tỉnh đồng bằng, miền xuôi như giao thông đi lại trắc trở, thiên tai nặng nề… Đối với họ, chỉ cần một con trâu, hay một con bò bị chết vì rét như đợt rét đậm, rét hại đang diễn ra cũng đã khiến họ trở thành hộ nghèo rồi. “Do vậy, các cơ quan liên ngành cần phải chủ động đưa ra các biện pháp thực hiện phù hợp với đặc thù từng địa phương để không chỉ người nghèo mà người cận nghèo có cơ hội thụ hưởng chính sách BHYT” – ông Phong nói.

 Phương Thảo

Báo Đại Đoàn Kết


Comments are closed.