Bảo hiểm y tế cho người cận nghèo

altChính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thể chế hóa bằng Luật BHYT với mục tiêu cao nhất là tiến tới BHYT toàn dân. Thời gian qua, thực hiện chính sách BHYT cho người nghèo, người cận nghèo không những là bước tiến đáng kể trong quá trình xóa đói, giảm nghèo mà còn là cụ thể hóa việc bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh nhóm đối tượng người nghèo với khoảng 13,5 triệu người đã tham gia BHYT (do Nhà nước cấp thẻ BHYT) thì vẫn còn khoảng 4,5 triệu người cận nghèo chưa tham gia.

Nguyên nhân chính dẫn đến những người cận nghèo ít tham gia BHYT là khả năng đóng góp vẫn còn cao, nhất là tính “hấp dẫn” của BHYT đối với người cận nghèo chưa cao. Báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến ngày 31-12-2010 cả nước mới có hơn 800 nghìn người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT. Với sự cố gắng của các ngành liên quan và nhất là sự hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHYT của Dự án hỗ trợ y tế đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, đến hết tháng 6-2011 số người tham gia BHYT tăng lên hơn một triệu 577 nghìn người, nhưng cũng mới đạt 25% số người thuộc diện cận nghèo. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía bắc có tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT rất thấp, cá biệt như các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hòa Bình, đến tháng 6-2011 chưa cấp được thẻ BHYT nào. Riêng tại Hà Nội, với gần 400 nghìn người thuộc hộ cận nghèo, nhưng đến nay mới chỉ có 350 người tham gia BHYT.

Làm thế nào để những người cận nghèo tham gia BHYT đang là bài toán “hóc búa”, dẫu biết rằng triển khai BHYT cho người cận nghèo được bảo đảm bằng Luật BHYT. Một trong những mục tiêu quan trọng mà chính sách BHYT cho người nghèo, cận nghèo là tạo sự công bằng trong chăm sóc y tế. Khi có thẻ BHYT, các đối tượng này được chăm sóc bình đẳng như những đối tượng có thẻ BHYT khác. Chính vì vậy, theo các nghiên cứu cho thấy, trước tiên cần nâng mức hỗ trợ để khuyến khích những người cận nghèo tham gia (Bộ Y tế đang đề nghị Nhà nước từ năm 2012 nâng mức hỗ trợ từ 50% lên 70% mức đóng BHYT). Ðồng thời, xem xét điều chỉnh mức cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh của những người cận nghèo. Mức cùng chi trả 20% như hiện nay cũng tạo nên những khó khăn, nhất là đối với các trường hợp điều trị bệnh mãn tính dài ngày, bệnh nặng, chi phí lớn (chạy thận nhân tạo, ung thư, tiểu đường…).

Ngoài việc thực hiện tốt các quy định, chế độ của Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cũng cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ những người cận nghèo phù hợp điều kiện địa phương, như: chính sách hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ BHYT; hỗ trợ người nghèo, cận nghèo có thẻ BHYT thanh toán các khoản chi phí khi phải sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao vượt khả năng chi trả… Bên cạnh đó, các ngành liên quan nghiên cứu, khắc phục những bất cập, vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho những người có thẻ BHYT. Mặt khác, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, khắc phục quá tải ở bệnh viện tuyến trên để đáp ứng nhu cầu của người có thẻ BHYT.

Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người dân, nhất là những người cận nghèo tự giác tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT cũng là một công việc cần thực hiện. Thực tế thời gian qua, những người tự nguyện tham gia BHYT chủ yếu là những người thật sự có nhu cầu khám, chữa bệnh, thậm chí có những người khi bị ốm đau, bệnh nặng mới đi mua thẻ BHYT.

(Baomoi.com)

Comments are closed.