Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên

Các em học sinh được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại nhà trường (Ðồng Tháp).   Sau hai năm Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành, công tác BHYT học sinh, sinh viên đã đạt được những hiệu quả rõ rệt. Số học sinh, sinh viên (HSSV) có thẻ BHYT đạt tỷ lệ 75%, khá cao so với tỷ lệ bao phủ chung của cả nước (60%). Tuy nhiên, “khoảng trống” chưa bao phủ cũng cho thấy, vẫn còn không ít vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách.Những kết quả khả quan.Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau hai năm thực hiện Luật BHYT, công tác BHYT HSSV đã đạt được những hiệu quả rõ rệt.

Mặc dù mức phí BHYT cao hơn khá nhiều so với trước khi có Luật BHYT nhưng số HSSV  tham gia vẫn đạt 10,75 triệu (đạt 75% tổng số học sinh phải tham gia theo Luật BHYT) tăng hơn 250 nghìn học sinh so với năm 2009.

Cùng với đó, Quỹ BHYT của HSSV đã tăng lên đáng kể so với năm 2009, góp phần chi trả hiệu quả cho công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho HSSV, kể cả các trường hợp HSSV sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Ngoài ra, Quỹ BHYT còn trích lại một nguồn kinh phí đáng kể (12%) dành cho hoạt động của hệ thống y tế học đường. Học sinh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi đi KCB như các đối tượng BHYT khác. Nhiều bệnh nhân là HSSV đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng…

Năm 2010, chỉ riêng đối tượng HSSV đã có 8,5 triệu lượt KCB, trong đó tám triệu KCB ngoại trú và hơn 500 nghìn lượt điều trị nội trú. Tổng chi trả từ Quỹ KCB BHYT cho các em là 755 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ còn trích ra 12% để lại cho hoạt động y tế học đường phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại nhà trường. Năm 2010 nguồn kinh phí này lên tới hơn 286 tỷ đồng, các trường được chủ động sử dụng và quyết toán theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

Tại nhiều địa phương, công tác BHYT HSSV đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều địa phương có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao (hơn 90%) như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hải Phòng, Ninh Bình… Như Ninh Bình, ngoài việc hỗ trợ theo quy định của Luật BHYT, UBND tỉnh Ninh Bình còn có quyết định hỗ trợ mức phí đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo và HSSV. Với quyết định này, HSSV bình thường khi tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ 40% mức phí (theo Luật là được hỗ trợ 30%), còn HSSV thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ tới 75% mức phí (theo Luật là 50%). Cách làm hiệu quả của Ninh Bình cũng đang được một số địa phương xem xét, học tập.

Còn nhiều vướng mắc trong thực hiện

Mặc dù Luật BHYT quy định HSSV là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT, nhưng sau hai năm thực hiện, vẫn còn đến 25% HSSV chưa tham gia, điều này cũng thể hiện không ít những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo, hiện nay có một số nguyên nhân cả về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện dẫn đến tình trạng HSSV tham gia BHYT chưa đủ 100% theo Luật định. Mặc dù, Luật BHYT quy định HSSV là nhóm đối tượng thuộc trách nhiệm tham gia BHYT (trước đây gọi là bắt buộc), nhưng lại chưa hề có chế tài bắt buộc tham gia nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, mức phí BHYT học sinh hiện nay là tương đối cao (hơn 200.000đồng/năm), đây là khó khăn đối với  những gia đình ở nông thôn, miền núi, các hộ cận nghèo có nhiều con em đi học… Ngoài ra, tỷ lệ chi hoa hồng cho công tác thu BHYT học sinh hiện nay chưa thật sự khuyến khích các trường thực hiện, trong khi vai trò của nhà trường, đội ngũ giáo viên trong việc tuyên truyền, vận động HSSV tham gia là rất quan trọng.

Tại một số địa phương, sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về BHYT học sinh chưa thật sự sát sao, sự phối hợp giữa ngành BHXH và giáo dục chưa chặt chẽ. Vẫn còn tình trạng lãnh đạo nhà trường cho rằng, BHYT HSSV là tự nguyện hoặc đánh đồng với các sản phẩm của các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại khác. Công tác bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT còn có một số hạn chế. Việc tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng chưa thật sự thuận lợi để khuyến khích tham gia BHYT. Công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT chưa thực sự đi vào chiều sâu, theo từng chủ đề và theo loại đối tượng để phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT theo luật định.

Ngoài ra, báo cáo của các địa phương cho thấy, tỷ lệ tham gia BHYT đối với học sinh phổ thông cao hơn hẳn so với sinh viên của các trường chuyên nghiệp (85% so với 50%), nhất là sinh viên của các trường do các bộ, ngành quản lý. Sinh viên tham gia BHYT chủ yếu là các em vào năm thứ nhất khi nhà trường thu các khoản đóng góp đầu năm học (trong đó có tiền đóng BHYT). Từ các năm sau, tỷ lệ sinh viên tham gia giảm hẳn… tạo ra “vùng trắng” với nhóm đối tượng này, đây cũng là vấn đề cần được giải quyết trong thời gian tới.

Cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành

Ðánh giá về hiệu quả của chính sách BHYT với đối tượng HSSV, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nếu nhìn ở thời điểm hiện tại BHYT HSSV là nguồn hỗ trợ tài chính khi HSSV bị ốm đau, bệnh tật, nhưng nhìn xa hơn thì đấy chính là công tác chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Nếu nhìn nhận như thế, để chính sách BHYT cho HSSV thật sự phát huy hiệu quả, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương đến các đoàn thể. Ngành BHXH được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Ngành giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của chính sách. Ở địa phương nào, lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao thì ở nơi đó tỷ lệ học sinh tham gia nhiều hơn. Muốn học sinh, cha mẹ các em được tuyên truyền một cách hiệu quả nhất về chính sách BHYT cần phải thông qua nhà trường. Hoạt động y tế nhà trường hiệu quả cũng là cách thúc đẩy học sinh tham gia BHYT.

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam cũng sẽ có những kiến nghị trong việc thay đổi một số chính sách về BHYT HSSV cho phù hợp với thực tế, như: xem xét quy định mức đóng BHYT HSSV theo vùng, miền (thành thị, nông thôn; đồng bằng, miền núi…); giảm mức đóng cho HSSV hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe HSSV…

Năm học mới 2011-2012 đã bắt đầu, để triển khai tốt chính sách BHYT HSSV, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH địa phương cần tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp chính quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV trên địa bàn. Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá việc thực hiện BHYT HSSV; xây dựng hướng dẫn liên ngành về thực hiện  BHYT cho học sinh, sinh viên; ký cam kết với Sở Tài chính về việc chuyển kinh phí hỗ trợ mức đóng BHYT cho HSSV. Tại BHXH các địa phương, bố trí đủ số cán bộ xuống các trường để hướng dẫn công tác thu nộp BHYT, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại nhà trường và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương…

VŨ LAN
www.nhandan.org.vn

Comments are closed.