Bảo hiểm y tế cho đối tượng cận nghèo: Cần tăng mức hỗ trợ

Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến nay mới chỉ có 87% số người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế. Điều này có nghĩa, vẫn còn tới 13% số người thuộc đối tượng này nằm ngoài những quyền lợi họ được hưởng từ bảo hiểm y tế. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do mức tiền người cận nghèo phải đóng BHYT còn cao so với thu nhập của họ, trong khi người cận nghèo, thu nhập nhỉnh hơn những người thuộc diện nghèo không đáng là bao.

Chỉ một người thân ốm, hộ cận nghèo đã thành… hộ nghèo

alt

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã đi vào thực tiễn một thời gian khá dài, song theo đánh giá của các chuyên gia, đối tượng chính được hưởng những quyền lợi từ Luật BHYT mang lại là người nghèo, người cận nghèo lại không nhiều. Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến tháng 6 – 2011, mới chỉ có 25% số người nghèo tham gia BHYT. Tại Hà Nội, con số người cận nghèo là 400.000 người nhưng đến nay mới chỉ có hơn 350 người tham gia BHYT. Bất ngờ hơn nữa, khá nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La… thậm chí còn chưa triển khai phát thẻ BHYT cho một hộ cận nghèo nào. Ngoài ra, một số địa phương được hỗ trợ thêm từ các nguồn kinh phí khác cho BHYT đối với đối tượng này, song số người cận nghèo tham gia vẫn rất… khiêm tốn.

Vấn đề tồn tại đã lâu, song thực tế vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu để khuyến khích người cận nghèo tham gia BHYT. Ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT BHXH Việt Nam cho biết, nguyên nhân chủ yếu vẫn là bởi với mức hỗ trợ 50% của Nhà nước cho các đối tượng cận nghèo đóng BHYT như hiện nay cũng không “thấm vào đâu” đối với họ. Số tiền một người vẫn phải đóng mỗi năm là 224.000 đồng không phải là con số nhỏ nhất là với những người đã thuộc đối tượng có mức sống “trên nghèo một chút”.

Còn nhớ, trong một lần đi công tác tại tỉnh Điện Biên, một cán bộ Sở Y tế tỉnh từng giãi bày với phóng viên rằng: Đối với những người thuộc diện cận nghèo ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như tỉnh Điện Biên, mức thu nhập của họ không nhỉnh hơn mức thu nhập của người thuộc diện nghèo bao nhiêu. Một gia đình nếu được xét vào diện cận nghèo, chỉ cần một người trong gia đình ốm, hoặc một con trâu, hay con bò bị chết vì rét… cũng đã đủ khiến họ trở thành hộ nghèo. Vậy mà họ vẫn phải đóng 50% chi phí khi tham gia BHYT. Điều này đối với tâm lý của nhiều người thuộc diện cận nghèo, sẽ được cho là thiếu công bằng.

Những chia sẻ của vị cán bộ Sở Y tế Điện Biên cho thấy, chính sách hỗ trợ trong vấn đề BHYT dù rất tốt nhưng còn bộc lộ khá nhiều bất cập. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về vấn đề này cũng chưa đầy đủ khi tham gia BHYT, mà mới chỉ nhìn ở bề nổi – về những thiệt hơn mà họ và người “nghèo hơn họ” được hưởng.

Ngoài thực tế nêu trên, còn một nguyên nhân mà theo ông Phạm Lương Sơn khiến người cận nghèo chẳng hề mặn mà với BHYT, đó là đối với các trường hợp điều trị bệnh mãn tính dài ngày, hoặc bệnh nặng phải chi phí lớn như chạy thận nhân tạo, ung thư, tiểu đường… thì số tiền người cận nghèo vẫn phải chi trả khi đi khám chữa bệnh là 20% tính ra vẫn quá sức đối với họ. Những bất cập nói trên đang trở thành rào cản khiến cho các dịch vụ, quyền lợi mà BHYT mang lại cho người dân nghèo ngày một bị đẩy xa hơn.

Cần nâng mức hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo

Để tìm câu trả lời cho bài toán khá nan giải này, ngành BHXH Việt Nam cũng cố gắng đưa ra nhiều giải pháp. Ông Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH đã đề xuất với Bộ LĐ,TBXH và Chính phủ sẽ nâng mức hỗ trợ phí BHYT cho hộ cận nghèo từ 50% lên 70% vào năm 2012, để làm sao với mức hỗ trợ này, người cận nghèo sẽ bớt nặng gánh khi tham gia BHYT. “Với mức hỗ trợ này, chắc chắn tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT sẽ tăng đáng kể”. Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng, chính quyền, các ban, ngành chức năng địa phương cần có sự phối hợp hài hòa và tích cực trong việc điều tra và lập danh sách các hộ cận nghèo ở địa phương mình để ngành tài chính bố trí kinh phí, BHXH triển khai thực hiện kịp thời các quyền lợi cho người cận nghèo, tránh cho họ bị thiệt thòi bởi những chậm trễ trong triển khai thực hiện. Các địa phương cũng cần quan tâm hoàn thiện hạ tầng mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh để người dân không e ngại mỗi khi có bệnh phải vào các cơ sở y tế xã, huyện khám chữa bệnh. “Đi đôi với đó là việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giúp họ nâng cao nhận thức về những quyền lợi mà họ được hưởng khi tham gia BHYT và tự nguyện tham gia lĩnh vực này. Đây là một việc làm khó khăn nhưng lại đóng vai trò quyết định sự thành bại của chính sách”.

(Baomoi.com)

Comments are closed.