Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam hơn 30 năm nay. Để tạo thuận lợi cho loại hình này hoạt động, Bộ Tài chính cho biết đã sửa đổi nhiều quy định liên quan đến đối tượng được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.
Giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc
Theo văn bản trả lời cử tri của Bộ Tài chính, hiện nhiều quốc gia áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia… Thậm chí, có quốc gia còn quy định việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần. Do đó, việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) đã được Việt Nam thực hiện từ năm 1988 đến nay.
Thực tế cho thấy, tại nước ta, xe gắn máy là phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và cũng là nguồn gây tai nạn giao thông lớn nhất. Theo thống kê của MotorCycles Data, thị trường xe máy Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia) với khoảng 70 triệu xe máy đã đăng ký trên tổng số 99,6 triệu dân. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, tổng lượng xe máy mới sản xuất trong nước ước đạt hơn 1 triệu chiếc. Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn đến từ xe máy.
Bộ Tài chính cho biết, theo số liệu thống kê bình quân từ năm 2017-2021 của các doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ lệ chi bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là 19,81%. Riêng về bảo hiểm bắt buộc xe máy năm 2021, số lượng xe được bảo hiểm đạt 12,4 triệu xe (giảm 3% so với năm 2019), tổng số tiền bồi thường bảo hiểm và dự phòng nghiệp vụ là 1.040 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm bao gồm cả dự phòng nghiệp vụ là 11%.
Vì thế, khi cử tri tỉnh Bình Dương có ý kiến đề nghị chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm của chủ xe mô tô, xe máy sang hình thức tự nguyện, không mang tính ép buộc, Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai, quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Cắt giảm hồ sơ, tăng tính chủ động trong bồi thường bảo hiểm
Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm hơn cả là việc làm thế nào để nâng cao hiệu quả của bảo hiểm xe máy, trong đó phải làm sao để thuận lợi trong các thủ tục của công tác bồi thường.
Thực tế, nhận thức được vấn đề này, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan như cắt giảm hồ sơ, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giải quyết bồi thường bảo hiểm; cắt giảm 2/5 tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng so với quy định trước đây (chỉ còn Giấy chứng nhận thương tích, Hồ sơ bệnh án, Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử trường hợp nạn nhân chết). Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường, Chính phủ cũng bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ tai nạn giao thông trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả điều tra…
Để đơn giản hóa hơn nữa thủ tục bồi thường khi xảy ra tai nạn giao thông, hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm bắt buộc nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, theo đó, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ xem xét, bổ sung quy định chủ xe cơ giới có thể cung cấp bản ảnh chụp đối với tài liệu liên quan đến xe, lái xe. Chủ xe cơ giới có thể cung cấp bằng chứng chứng minh về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại trong trường hợp không có hóa đơn, chứng từ. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với mô tô, xe gắn máy.
Ngoài ra, dự thảo nghị định này cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng tỷ lệ chi bồi thường đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy như tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%. Theo Bộ Tài chính, đề xuất này nhằm tăng cường hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp tai nạn thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bồi thường.
Cũng về vấn đề này, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, trong năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ Tài chính có các công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới và các doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu chủ động kiểm tra, rà soát các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, Cục cũng đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, chú trọng công tác tuyên truyền cho các đối tượng yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Theo Hải quan