Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần bảo đảm an sinh xã hội

 Người bệnh chờ cấp thuốc Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Đức TríSau 15 năm thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT), đã có hơn 1/2 dân số của cả nước được thừa hưởng quyền lợi của những chính sách này.

Kết quả trước hết là do đường lối lãnh đạo của Ðảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự giúp đỡ của lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và địa phương, người sử dụng lao động và đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Từ năm 1995 đến nay, chính sách BHXH, BHYT thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Ðặc biệt là năm 2006 và 2008 Quốc hội đã ban hành Luật BHXH, Luật BHYT. Với sự phát triển và hoàn thiện của những chính sách này, đối tượng tham gia đã tăng rất nhanh và chính sách BHXH, BHYT thật sự đã trở thành trụ cột trong nền an sinh xã hội của đất nước.
Năm 1996 đối tượng tham gia BHXH là 2,85 triệu người, đến cuối năm 2009 số người tham gia BHXH bắt buộc đạt hơn 9.100.000 người. Bình quân mỗi năm số tham gia BHXH mới tăng hơn 400 nghìn người, tăng 24,1%/năm. Năm 2008 loại hình BHXH tự nguyện được đông đảo người lao động tham gia, năm 2009 Bảo hiểm thất nghiệp đối với đối tượng đang tham gia BHXH bắt buộc đã được thực thi. Sau một năm thực hiện đã có hơn 5.400.000 người tham gia, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã thu được 3.020 tỷ đồng. Ðây là loại hình bảo hiểm mới trong chính sách BHXH được người sử dụng lao động và người lao động hưởng ứng, yên tâm trong sản xuất.

Nếu năm 1999 số người tham gia BHYT đạt 13% dân số thì đến tháng 12 năm 2009 có 53,3 triệu người tham gia, chiếm 62% dân số. Số người tham gia BHYT tăng nhanh đã góp phần củng cố và tạo nguồn tài chính ổn định, vững chắc cho công tác khám, chữa bệnh (KCB) BHYT và tạo tiền đề để xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Sự tăng nhanh của đối tượng tham gia BHXH, BHYT thúc đẩy việc thu BHXH, BHYT trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thực hiện và bảo vệ quyền lợi của người tham gia và bảo đảm cho cân đối quỹ BHXH. BHXH đã tập trung và áp dụng nhiều biện pháp để tổ chức thực hiện thu BHXH, BHYT cho phù hợp theo các hình thức: thu chuyển khoản, thu từ ngân sách Nhà nước chuyển sang và thu trực tiếp bằng tiền mặt; bảo đảm thu đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời và tuân thủ đúng quy định của Nhà nước, góp phần làm căn cứ giải quyết chế độ cho người tham gia được đầy đủ, kịp thời, chính xác.

Hệ thống BHXH sớm triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” trong công tác giải quyết chế độ. Từ năm 1995-2009 đã giải quyết kịp thời, đúng chế độ, chính sách cho gần 1,2 triệu người hưởng BHXH thường xuyên, trong đó có gần 850 nghìn người hưởng chế độ hưu trí. Ngoài ra còn giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 2,9 triệu người; ốm đau cho 21,6 triệu lượt người, thai sản cho 3,5 triệu lượt người và dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 5,7 triệu lượt người. Từ 2003-2009 hệ thống BHXH đã phối hợp các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi cho hơn 400 triệu lượt người đi KCB BHYT. Số lượt người đi KCB tăng rất nhanh: năm 2003 mới có 23,5 triệu lượt người, đến năm 2009 đã tăng lên gần 90 triệu lượt người… Từ năm 2007, việc để lại quỹ ốm đau, thai sản tại đơn vị sử dụng lao động theo quy định của Luật BHXH đã tạo điều kiện cho người lao động được nhận trợ cấp kịp thời, thuận tiện hơn. Năm 2009, chi trả chế độ BHXH một lần cho hơn 479.570 người với số tiền là 4.018 tỷ đồng; chi các chế độ ốm đau, thai sản cho 4.263.000 lượt người với số tiền là 3.250 tỷ đồng.
Việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho hàng trăm triệu lượt người hằng năm là khối lượng công việc lớn và phức tạp trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT của toàn ngành. Việc làm này trước hết là phục vụ cho đối tượng, nhưng thực chất là trả lại sự đóng góp của chính người tham gia BHXH, BHYT khi họ không may gặp phải ốm đau, rủi ro trong lao động và sinh hoạt, khi hết khả năng lao động. Giải quyết các chế độ, chính sách cho hàng trăm triệu lượt người hằng năm được kịp thời, đúng chính sách, là cố gắng rất lớn của cán bộ ngành BHXH và chỉ có thực hiện tốt công tác này mới tạo được niềm tin cho đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Từ năm 1995 đến nay, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định để sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BHXH Việt Nam. Nếu năm 1995 BHXH Việt Nam chỉ có chức năng tổ chức, quản lý thu chi quỹ BHXH và thực hiện các chế độ của chính sách BHXH là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, thì đến nay ngành BHXH phải tổ chức thực hiện chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp, BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện. Do có khối lượng công việc rất lớn và liên tục tăng nhanh, BHXH Việt Nam đã sớm áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý các hoạt động của ngành để tăng năng suất lao động, hiệu quả trong công việc, trình phần mềm quản lý: thu; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; xét duyệt chế độ BHXH; chi trả quản lý đối tượng; giám định BHYT và kế toán. Trên cơ sở Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động của ngành, khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” trong giải quyết chế độ, chính sách và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. BHXH Việt Nam đã tổng hợp, công bố bộ Thủ tục hành chính của ngành với 263 thủ tục và hiện tại đang tiếp tục rà soát, loại bỏ ít nhất 30% thủ tục hành chính không cần thiết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT.

Ðể phấn đấu đạt được hai mục tiêu cơ bản là BHXH đối với mọi người lao động và  BHYT toàn dân, ngành BHXH cần xây dựng, sử dụng đồng bộ các biện pháp có tính khả thi cao nhằm bảo đảm và mở rộng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến tác phong phục vụ. Ngành BHXH cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, phục vụ nhân dân trong mọi tình huống và khắc phục mọi khó khăn để tạo thuận lợi tối đa cho người lao động.

MẠNH LONG

suckhoedoisong.vn

Comments are closed.