Bảo hiểm Việt Nam trong quá trình hội nhập: Những thách thức lớn

ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (VEN) – Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo “Một số thách thức lớn đối với DN bảo hiểm Việt Nam trong quá trình hội nhập” sáng 11/9, ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: Mặc dù kinh tế phát triển chậm, song 6 tháng đầu năm 2009, ngành bảo hiểm vẫn có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ đạt tốc độ tăng trưởng 15,7% , bảo hiểm nhân thọ 8,7%.

Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm là rất tốt và theo một số nhà nghiên cứu thị trường bảo hiểm thì tốc độ tăng trưởng bảo hiểm ở Việt Nam sẽ đạt tới 25%/năm vào những 2013.
Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển đó là những tảng băng chìm của chế độ quản lý tài chính trong hệ thống các DN bảo hiểm. Năm 2008 có 18 DN phi nhân thọ/26 DN được phép kinh doanh bị lỗ về kinh doanh bảo hiểm, nhiều DN mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đã phải trích lập dự phòng một khoản tiền không nhỏ do giảm giá chứng khoán… Chính vì vậy mà việc đặt ra chế độ xây dựng hạch toán kế toán trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là cần thiết.
PV: Ông có thể nói rõ về những bất cập mà DN bảo hiểm đang gặp phải?
Ngành bảo hiểm là ngành kinh doanh đặc thù có chu trình tính chi phí ngược, tức thu trước chi phí sau. Bộ Tài chính cũng đã ban hành chế độ hạch toán kế toán riêng cho DN này và đã có nhiều sự thay đổi, nhưng với bối cảnh hội nhập hiện nay thì những thay đổi đó chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt, là những vấn đề liên quan tới doanh nghiệp nước ngoài như: báo cáo kế toán, thưởng thu phí, thưởng không khiếu nại hay giảm phí cho những đối tượng nhiều năm tham gia bảo hiểm…
Ở nước ngoài khi bảo hiểm vài năm mà không có tổn thất thì người ta thường nghĩ tới thưởng cho những doanh nghiệp này, vì họ tạo ra lợi ích, nên họ được phép thưởng. Còn ở Việt Nam hiện nay, theo Thông tư số 155 /2007/TT-BTC ngày 20/12/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định 45/2007 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm không cho phép làm việc đấy. Đây là một trong những bất cập lớn mà các DN bảo hiểm đang gặp phải khi cần đưa ra một chế độ kế toán thống nhất. Vấn đề này đang được Bộ Tài chính nghiên cứu: trong đó có 2 cách: một là, làm theo chuẩn mực mà Bộ Tài chính đã ban hành; hai là, làm theo chuẩn mực số 19 (chuẩn mực quốc tế), tuy nhiên để làm theo chuẩn mực này, chúng ta phải từng bước chứ chưa thể làm ngay được.
PV: Với trình độ của các DN bảo hiểm Việt Nam hiện nay, liệu có đáp ứng được những quy định của chuẩn mực số 19? Nếu có thì theo ông có bao nhiêu DN đáp ứng đủ chuẩn mực này?
Mặc dù chuẩn mực số 19 đòi hỏi rất cao và chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng tôi tin rằng: với trình độ của kế toán Việt Nam hiện nay (cả chuyên môn và trình độ ngoại ngữ), cộng với việc chủ động hoàn thiện, các DN sẽ dần đạt tiêu chuẩn.
PV: Vậy, ông nhận định thế nào về môi trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay?
Có thể nói, môi trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn và rất nhiều khoản chưa khai thác được, như: toàn bộ thị trường nông nghiệp, nông thôn, thị trường tư nhân… nhà ở và tài sản cá nhân cũng chưa được khai thác hết. Đặc biệt là, toàn bộ công trình của các tổ chức, cơ quan chính quyền địa phương hoạt động bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đều chưa được khai thác vì chưa có ngân sách cấp để tham gia bảo hiểm, nên khi xảy ra tổn thất vẫn phải sử dụng ngân sách để giải quyết những thiệt hại. Ngoài ra, hàng năm chúng ta thu hút một lượng vốn lớn từ ODA, FDI và vốn đầu tư toàn xã hội… Như vậy, đầu tư càng phát triển thì nhu cầu bảo hiểm càng cao.
Tuy tiềm năng lớn nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Trên thực tế, không phải đơn thuần 27 DN đang kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh với nhau mà là 350 chi nhánh của các DN bảo hiểm (hoạt động như những công ty con) cạnh tranh với nhau. Chẳng hạn: Các chi nhánh bảo hiểm ở Hà Tây cũ hay Bắc Ninh vươn vào Hà Nội khai thác và ngược lại. Vì nó họat động theo hệ thống công ty mẹ, công ty con, tức là tổng công ty ở Hà Nội thì  tôi quan hệ cả với các chi nhánh ở các tỉnh… nên phạm vi hoạt động khá rộng.
PV: Theo ông, những thách thức mà DN bảo hiểm Việt Nam đang gặp phải hiện nay là gì?
Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay chính là công nghệ thông tin. Bởi để phát triển mạnh lĩnh vực bảo hiểm, chúng ta cần phải có một hệ thống công nghệ thông tin hoàn chỉnh phục vụ cho quá trình khai thác và quản lý nội địa.
Nếu có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và hoàn chỉnh, nó sẽ hỗ trợ được rất nhiều cho các DN về mặt thời gian, độ chính xác trong việc tra cứu khách hàng, đối tượng bảo hiểm hay công tác hạch toán kế toán, đặc biệt là khâu bồi thường: các DN không phải đối chiếu, tìm giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy thông báo tai nạn, giấy đăng kiểm… gì cả, mà chỉ cần bật máy ra là có hết. Còn nếu làm thủ công thì mất hàng giờ để soi từng chữ, trong khi máy tính chỉ mất 2-3 phút. Do đó, công nghệ thông tin vẫn là thách thức lớn nhất đối với hoạt động dịch vụ bảo hiểm hiện nay.
PV: Để giải quyết tốt vấn đề trên, theo ông, chúng ta cần phải có giải pháp gì?
Quan trọng nhất vẫn phải có sự trợ giúp của Chính phủ. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ nên đầu tư và quản lý các doanh nghiệp bảo hiểm bằng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, tôi rất tiếc là trong hệ thống các dịch vụ tài chính như: ngân hàng, chứng khoán, sổ xố kiến thiết và nhiều lĩnh vực khác nữa đã được Nhà nước đầu tư về công nghệ thông tin,  kể cả đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống phần mềm. Trong khi, DN bảo hiểm lại chưa nhận sự đầu tư của Nhà nước. Thực tế cũng cho thấy, ngành bưu chính viễn thông đã làm tốt việc đi tắt đón đầu thì tại sao ngành bảo hiểm lại không? Do đó, rất cần có sự trợ giúp của Nhà nước./.
Minh Đức

Nguồn Ven.vn | ven.org.vn

Comments are closed.