Bảo hiểm Việt Nam: Cần đa dạng hoá dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm

So với cách đây hai năm, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có một bước tiến dài cả về số lượng lẫn chất lượng, bên cạnh các sản phẩm dịch vụ ngày càng phong phú, thì sự cạnh tranh nhằm lôi kéo khách hàng cũng khiến cho cuộc đua của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm ngày càng trở nên gay gắt.

Thị trường tiềm năng

Việt Nam, một đất nước có dân số trẻ và mật độ dân số đông, từ lâu đã trở thành đích ngắm của nhiều công ty bảo hiểm trong nước cũng như trên thế giới. Cách đây gần 20 năm, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã thu hút các đại gia. Theo nhận định của Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm Greateastem, Việt Nam không chỉ có dân số trẻ, đông mà với mức sống của người dân ngày càng được cải thiện như hiện nay thì đây là một thị trường rất tiềm năng. Nhu cầu mua bảo hiểm đang gia tăng nhanh ở mọi đối tượng, thành phần và độ tuổi cư dân.

Hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài góp mặt trên thị trường Việt Nam với rất nhiều loại hình bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong việc mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm gần đây. Đó là sự ổn định về chính trị, kinh tế cũng như chính sách mở cửa làm cho Việt Nam trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài từ đó làm gia tăng và thu hút nhiều hơn vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế. Cùng với sự phát triển kinh tế là sự phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm, người dân cũng ngày càng hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đấy, thu nhập của người dân cũng đang dần được cải thiện, thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm. Môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng ngày được hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tạo ra hành lang vững chắc cho các doanh nghiệp tự do hoạt động theo khuôn khổ pháp luật. Đặc biệt thị phần tài chính Việt Nam phát triển không ngừng với sự tham gia của các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước đã tác động không nhỏ tới thị trường bảo hiểm nói riêng.

“Thiên thời, địa lợi” đang tạo ra cơ hội không nhỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Sự sôi động, phong phú đang được các doanh nghiệp bảo hiểm tạo ra. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện đang có 21 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trên thị trường Việt Nam với nhiều loại hình sở hữu (100% vốn Nhà nước, cổ phần, liên doanh và 100% vốn nước ngoài) với gần 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm bình quân tăng 20%/năm và chiếm khoảng 2% GDP. Tuy nhiên, quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khiêm tốn hơn nhiều so với những nước trong khu vực như Thái Lan (chiếm 3% GDP), Malaysia (5,8%), Singapore (6%)…

Vẫn chưa chuyên nghiệp

Hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đang lâm vào tình cảnh thiếu nguồn nhân sự để quản lý, điều hành, kiểm soát thị trường. Nguồn nhân lực thiếu khiến cho hoạt động của các công ty bảo hiểm trở nên thiếu tính chuyên nghiệp, bên cạnh đấy, sự quản lý lỏng lẻo cũng làm giảm đi chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cung cấp một số sản phẩm bảo hiểm vào Việt Nam đã tạo ra cuộc cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trong nước và phần thiệt thuộc về các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam bởi họ không có được thông tin đầy đủ về đối thủ cạnh tranh của mình trong khi đó các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam phải tốn thuế VAT cho Nhà nước, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất… để hoạt động kinh doanh có doanh thu. Trong khi đó đối thủ không bị đóng góp các khoản thuế trên. Trong một cuộc chiến, mà chỉ có doanh nghiệp nước ngoài biết thông tin về các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam không có thông tin gì về doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại nước ngoài sẽ tạo ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong nước hiện nay.

Bản thân kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm trong nước hiện nay cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém. Rất may, những năm gần đây tăng trưởng bị chậm lại, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhận thức ra được vấn đề để quan tâm đầu tư công sức hơn cho việc nâng cao chất lượng đại lý bảo hiểm; bảo hiểm phi nhân thọ vẫn giữ cung cách khai thác chủ yếu từ cán bộ bảo hiểm, cạnh tranh về phí bảo hiểm, tăng hoa hồng, tăng hỗ trợ cho đại lý mà chưa xây dựng được đội ngũ đại lý bảo hiểm mang tính chuyên nghiệp. Các công ty môi giới làm việc thiếu chuyên nghiệp, tự ý bổ sung điều kiện, điều khoản bảo hiểm, hạ phí bảo hiểm gây bất lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và thị trường bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm cần làm gì?

Để đứng vững trên đôi chân của mình, cạnh tranh một cách sòng phẳng với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cần đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo ông Trần Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm Bảo Việt, DN bảo hiểm Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy quản trị, nâng cấp trình độ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, là những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cần tăng cường sự hợp tác, liên kết để phát huy hơn nữa những điểm mạnh về thương hiệu, mạng lưới kinh doanh và sự am hiểm khách hàng…

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể là Luật kinh doanh bảo hiểm, cho phù hợp với cam kết WTO, tạo lập cơ sở pháp lý mới để hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các loại hình sản phẩm mới. Đồng thời phải có những chính sách linh hoạt, mềm dẻo trước diễn biến của cuộc khủng hoảng và sự tác động của nó đến thị trường bảo hiểm.

Đình Thanh
stockbiz.vn

Comments are closed.