Bảo hiểm vi mô gặp khó vì thiếu người đi… thu phí

Dù vẫn có một lượng khách hàng tương đối ổn định, nhưng vì những bất cập trong việc triển khai kênh phân phối nên bảo hiểm vi mô sau thời gian đầu triển khai khá rầm rộ, giờ đang phải rút vào hoạt động cầm chừng.

Khách hàng có nhu cầu mua

Là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên triển khai bảo hiểm vi mô (năm 2009) và duy trì cho đến ngày nay, tính đến thời điểm này, Manulife Việt Nam đã triển khai bảo hiểm vi mô tại 17 tỉnh, thành trên cả nước, thu hút hàng trăm ngàn khách hàng nữ, với tổng số hợp đồng là 140.000 hợp đồng.

Sau gần 6 năm bán bảo hiểm vi mô cho các khách hàng nữ có mức thu nhập trung bình, Manulife Việt Nam đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho hơn 1.600 trường hợp, với tổng số tiền chi trả trên 3,5 tỷ đồng. So với mệnh giá của những sản phẩm bảo hiểm bình thường thì giá trị bảo hiểm của mỗi sản phẩm vi mô rất nhỏ, nhưng đối với những người dân nghèo khi gặp rủi ro, đây cũng là số tiền có giá trị. Vì thế, sản phẩm này được nhiều khách hàng đón nhận.

Đơn cử, ở tỉnh Thanh Hóa, tháng 6/2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa ký kết thỏa thuận với Manulife Việt Nam để triển khai chương trình bảo hiểm vi mô. Chỉ sau 15 tháng triển khai, có 9.617 hội viên ký hợp đồng bảo hiểm vi mô với Manulife Việt Nam. 

Prudential Việt Nam, dù triển khai bảo hiểm vi mô muộn hơn so với Manulife Việt Nam, nhưng công ty này cũng có được lượng khách hàng khá lớn, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, sau vài năm triển khai, tháng 4/2014, Prudential Việt Nam thông báo tạm ngưng bán mới bảo hiểm vi mô, mà chỉ tập trung chăm sóc những hợp đồng bảo hiểm vi mô đang còn hiệu lực. 

… nhưng công ty bảo hiểm thiếu người đi thu phí

Theo tìm hiểu của ĐTCK, khó khăn trong việc tìm kênh phân phối thích hợp để triển khai sản phẩm này là nguyên nhân chính khiến Prudential Việt Nam phải tạm ngưng triển khai mới. Không như những sản phẩm bảo hiểm khác, bảo hiểm vi mô được đưa ra thị trường chủ yếu để bán cho nông dân, gia đình nghèo.

Việc bán sản phẩm cũng như thu phí bảo hiểm hàng tháng chủ yếu được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai thông qua Hội Phụ nữ ở địa phương. Tuy nhiên, việc thu phí thông qua tổ chức này có những khó khăn nhất định, vì đôi khi Hội Phụ nữ không có đủ người đi thu, dẫn đến không ít hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực do không đóng phí bảo hiểm.

Với những hợp đồng bị mất hiệu lực vì lý do khách quan như vậy, Prudential sẽ báo cáo Bộ Tài chính và có giải pháp đóng phí bổ sung để tiếp tục duy trì hợp đồng cho những hộ dân nghèo.

Thực tế, khó khăn về khâu phân phối bảo hiểm vi mô cũng là khó khăn chung của các công ty bảo hiểm nhân thọ muốn triển khai sản phẩm này. Manulife Việt Nam cũng từng gặp khó khăn tương tự. Bất cập trong việc triển khai hệ thống phân phối bảo hiểm vi mô khiến doanh nghiệp bảo hiểm dè dặt trong việc mở rộng địa bàn.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để bán được sản phẩm bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp bảo hiểm cần có lực lượng đại lý đi tuyên truyền cho người dân, rồi lực lượng nhân viên đi thu phí hàng kỳ… Do chi phí bỏ ra cho một sản phẩm vi mô khá lớn, trong khi doanh thu không tăng trưởng như kỳ vọng, nên các doanh nghiệp bảo hiểm tiên phong trong phân khúc này đang phải tính toán và điều chỉnh kế hoạch cho các bước đi tiếp theo. Còn những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác thì vẫn đứng ngoài cuộc và hầu như chưa có chiến lược nào cho bảo hiểm vi mô.

Chính vì vậy, ở thị trưởng bảo hiểm Việt Nam hiện nay, bảo hiểm cho người có thu nhập trung bình và thấp có nhu cầu mua bảo hiểm với mệnh giá và mức phí phù hợp gần như vẫn trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn chỉ tập trung vào phân khúc khách hàng ở các tỉnh, thành phố với mức thu nhập khá và ổn định, cho dù phân khúc này đang ngày càng có sự cạnh tranh quyết liệt.

Theo (ĐTCK)

{fcomment}

Comments are closed.