Bảo hiểm trực tuyến, một chiến lược lâu dài

Bán bảo hiểm trực tuyến được nhận định là có nhiều tiềm năng, nhưng khi được hỏi về doanh thu mà kênh bán hàng này mang lại thì các công ty đã triển khai đều không muốn tiết lộ cụ thể.

Bắt đầu tập trung đầu tư vào kênh thương mại điện tử từ tháng 6/2010 với việc thiết kế lại toàn bộ trang web của Công ty theo hướng thân thiện và sinh động hơn để thu hút người dùng, Bảo hiểm Liberty còn triển khai thêm dịch vụ bảo hiểm trực tuyến vào đầu tháng 9/2010 để đa dạng hóa kênh phân phối và đáp ứng nhu cầu của những khách hàng ưa thích sự thuận tiện của thương mại điện tử. Có thể nói, Liberty là công ty bảo hiểm phi nhân thọ tiên phong trong lĩnh vực này và hiện đang cung cấp các dịch vụ trực tuyến đa dạng nhất. Khi mới triển khai kênh bán bảo hiểm trực tuyến, Liberty chỉ giới thiệu bảo hiểm xe ô tô là sản phẩm nổi bật nhất của Công ty. Đến nay, khách hàng của Liberty còn có thể mua cả bảo hiểm du lịch, bảo hiểm nhà cửa, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm tai nạn con người từ trang web này. Giấy chứng nhận bảo hiểm được gửi ngay tới địa chỉ email của khách hàng và có đầy đủ giá trị pháp lý. Đặc biệt, khách hàng của Liberty còn có thể thanh toán phí bảo hiểm, yêu cầu bồi thường và kiểm tra các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm ngay tại trang web của Công ty.

bao hiem, bảo hiểm, tin bảo hiểm, tin tuc bao hiem, tin bao hiem, tin tức bảo hiểm

Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, Liberty cũng đi tiên phong triển khai bán bảo hiểm trực tuyến

Cùng với Liberty, Bảo hiểm BIC cũng đặc biệt quan tâm đến việc khai phá tiềm năng của kênh bán hàng trực tuyến. Ngày 1/8/2011, BIC chính thức khai trương website bán bảo hiểm trực tuyến. Website này cung cấp đa dạng các sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân như bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm tai nạn con người 24/24, bảo hiểm nhà chung cư, bảo hiểm du lịch… Khách hàng có thể đặt mua online và thực hiện thanh toán thông qua nhiều hình thức. Từ tháng 8/2012, BIC triển khai ứng dụng chữ ký số trong việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho khách hàng mua bảo hiểm trực tuyến, qua đó cấp giấy chứng nhận bảo hiểm qua email cho khách hàng.

Gần đây, có thêm một số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia cung cấp dịch vụ bảo hiểm trực tuyến như MIC và PVI; trong khi các công ty khác vẫn tiếp tục hợp tác với các đại lý như HSBC và Ginet để bán bảo hiểm trực tuyến. Đại diện Liberty cho biết, khó có thể thống kê chính xác số lượng hợp đồng được mua từ trang web của doanh nghiệp, vì có rất nhiều người vào trang web để xem xét, sau đó liên hệ với nhân viên hoặc đại lý của Công ty để tìm hiểu thêm thông tin trước khi đi đến quyết định mua bảo hiểm. Chính vì thế, giao diện trang web của Công ty cho phép khách hàng có thể dễ dàng chat trực tuyến với nhân viên, trao đổi qua email, gọi điện thoại miễn phí đến Công ty, hoặc gặp trực tiếp nhân viên kinh doanh.

Theo Google Adwords, mỗi tháng có 1.600 lượt người tìm từ khóa “bao hiem” và 1.300 lượt người tìm kiếm “bảo hiểm”, cho thấy sự quan tâm của khách hàng đối với kênh phân phối mới này là khá lớn.

Tất nhiên, quan tâm là một chuyện, còn có mua hàng hay không lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đến thời điểm này, doanh thu bán hàng trực tuyến chưa được như mong muốn của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng những đóng góp từ kênh phân phối này ngày càng quan trọng, đặc biệt là trong việc đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng.

“Trước khi triển khai kênh bán hàng trực tuyến, chúng tôi không nghĩ là kết quả thực tế đã vượt xa những dự báo ban đầu của mình. Điều này cho thấy, người Việt Nam đang rất quan tâm đến dịch vụ thương mại điện tử và đây là một kênh phân phối thực sự tiềm năng”, đại diện Liberty nói.

Thách thức lớn nhất đối với một công ty tiên phong như Liberty khi đầu tư cho kênh bán hàng online là chưa có công ty bảo hiểm nào ở Việt Nam đầu tư vào kênh phân phối này. Do đó, Công ty chỉ có thể học tập kinh nghiệm từ công ty mẹ, vừa mày mò tự làm, vừa theo dõi phản ứng của thị trường. Ngoài ra, thách thức lớn nhất của thương mại điện tử là sự lo lắng của khách hàng về khả năng bị mất cắp thông tin khi thanh toán trực tuyến. Điều này biểu hiện ở chỗ dịch vụ ngân hàng điện tử vẫn chưa phát triển mạnh ở Việt Nam. Do đó, việc đầu tư vào thương mại điện tử là một chiến lược lâu dài, chứ khó có thể thành công ngay trong một sớm một chiều.

 Theo Trường Chinh – ĐTCK

{fcomment}

Comments are closed.