Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu – 4

Phần IV: Đánh giá và quản lý rủi ro

altCác loại rủi ro được bảo hiểm trong bảo hiểm tín dụng

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm cung cấp sự bảo đảm trước những tổn thất có thể có trong quá trình xuất khẩu. Do vậy, loại hình bảo hiểm này giúp nhà xuất khẩu yên tâm hơn trong giao dịch, tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cũng như nâng cao vị thế cạnh tranh của mình. 

Rủi ro trong bảo hiểm tín dụng được phân chia tương ứng với các loại hình tín dụng cung cấp cho khách hàng (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn). Tuy nhiên nếu căn cứ vào nguồn gốc hình thành rủi ro, có thể chia thành hai loại rủi ro chính là rủi ro chính trị và rủi ro thương mại.

Rủi ro về chính trị, gồm hai hình thức:

– Rủi ro liên quan đến động thái của Chính phủ các nước nhập khẩu hoặc nhằm ngăn cản việc thanh toán cho bên xuất khẩu hay nhằm ngăn cản hàng hóa đến nước họ. Động cơ của Chính phủ có thể không liên quan trực tiếp song lại là nhân tố tác động gián tiếp, gây ra rủi ro mà nhà xuất khẩu phải gánh chịu. 

– Rủi ro liên quan đến những sự kiện như chiến tranh, nội chiến, thiên tai hay những sự kiện bất thường khác xảy ra bên ngoài quốc gia của công ty bảo hiểm tín dụng và nước này ngăn cản hay trì hoãn việc thanh toán hoặc hoàn tất hợp đồng theo một khía cạnh nào đó. Vì vậy, cần có một quy định riêng về những tổn thất nằm ngoài tầm kiểm soát của cả người được bảo hiểm và người mua hàng. Nếu một trong hai bên có khả năng ngăn chặn được tổn thất, thì việc bồi thường có thể bị từ chối 

Việc Chính phủ hoặc bên mua tín dụng thuộc thành phần kinh tế nhà nước không thanh toán đúng hạn cũng là một sự kiện chính trị. Cũng có những trường hợp Chính phủ tuyên bố gia hạn trả nợ hoặc miễn trách nhiệm thanh toán cho người nợ. Khi đó, về mặt nguyên tắc, nguyên nhân tổn thất không xuất phát từ người mua, ngân hàng hay cơ quan bảo hiểm của họ mà hẳn là phải có sự can thiệp ở mức độ quốc gia của một bên thứ ba. Ví dụ, một cuộc đình công ở công ty riêng lẻ nào đó sẽ không thể được coi là nguyên nhân chính trị trừ trường hợp khiếu nại cố ý chống lại ban lãnh đạo công ty và đình công nhằm mục đích gây rối pháp luật. 

Những tổn thất được bảo hiểm trong một loại đơn bảo hiểm khác và những tổn thất phát sinh từ những sự kiện xảy ra ở nước xuất khẩu, thậm chí tổn thất đó có nguồn gốc chính trị, sẽ không được bồi thường theo hình thức rủi ro chính trị. Tóm lại, những tổn thất mà một trong hai bên có khả năng tránh được cũng bị loại trừ.

Rủi ro thương mại có thể xuất hiện ở ba tình huống sau:

– Bên nợ mất khả năng thanh toán hoặc bất ổn về tài chính. Ví dụ: việc thanh lý, thụ lý, quản lý tư pháp, khất nợ, chuyển nhượng tài sản của bên nợ.

– Bên mua phủ nhận hợp đồng, từ chối nhận hàng khi hàng đã nhập cảng. Việc từ chối hợp đồng trong trường hợp bên mua thực tế đã nhận hàng, mở hàng hóa ra, sau đó mới từ chối nhận hàng với bất cứ lý do gì sẽ không có hiệu lực. Việc từ chối hợp đồng cũng xảy ra với những dịch vụ do nhà cung cấp nước ngoài đưa ra.

– Bên mua vi phạm hợp đồng, kéo dài thời gian thanh toán ấn định (thông thường là khoảng từ bốn đến chín tháng).

Đánh giá rủi ro khi người mua ở nước ngoài

Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng những rủi ro của người mua, nhà bảo hiểm cần phải rà soát một số yếu tố dưới đây:

– Bên mua là ai? Có đúng là người như đã đề cập không?

– Thị phần của bên mua có đúng như họ đã cung cấp không?

– Tinh thần hợp tác có đảm bảo không?

– Về giá trị hàng hóa dự định mua: họ có đủ khả năng hay kinh phí để chi trả không?

– Về các điều khoản tín dụng được yêu cầu hoặc đưa ra: họ có quá dễ dãi và phi thực tế không?

– Bên mua có chắc chắn sẽ thanh toán các khoản nợ và thanh toán đúng hẹn không?

– Hình thức bảo đảm của bên mua: họ có tài sản thế chấp độc lập không?

– Nếu như hàng hóa bán ra không thuộc loại dễ hư hỏng, bên bán có áp dụng mức giữ lại cho các khoản nợ tồn đọng không?

Việc đánh giá các yếu tố trên nên tiến hành sau khi nhà bảo hiểm đã nắm được tình hình thị trường từ những nguồn khác nhau như ngân hàng, báo cáo tài chính, các báo cáo của các cơ quan điều tra tín dụng, thông tin do bên mua (và bên bán) cung cấp và những nguồn tương tự khác.  

Việc xác định mức phí bảo hiểm cuối cùng đối với rủi ro thương mại được thực hiện nhờ sự trợ giúp của tài liệu hướng dẫn dành cho nhân viên bảo hiểm. Tài liệu này xem xét các tỷ lệ khả thi so với khoản bồi thường có thể xảy ra và tần suất của chúng, các chi phí hành chính, những chi phí do luật pháp quy định và các chi phí chung.  

Đánh giá rủi ro chính trị

Nhà bảo hiểm tín dụng thường không đánh giá rủi ro chính trị vì thông thường Chính phủ đóng vai trò là nhà tái bảo hiểm rủi ro chính trị duy nhất. Thị trường tái bảo hiểm tư nhân thường không sẵn sàng nhận tái bảo hiểm những rủi ro này vì lợi ích của chính mình. Thay vào đó, những rủi ro như vậy được Chính phủ nhận tái bảo hiểm hoặc được bảo hiểm bởi các cơ quan đại diện của Chính phủ trên cơ sở lợi ích quốc gia.

Với mục đích phục vụ cho lĩnh vực này, nhiều quốc gia đã lập ra một Ủy ban đại diện cho Chính phủ. Ủy ban này do một thành viên cấp cao của bộ tài chính hoặc một cán bộ thuộc ủy ban tài chính của Chính phủ làm chủ tịch nhằm xem xét các rủi ro chính trị đối với các nước nhập khẩu hoặc các nhà nhập khẩu cá nhân. Ủy ban đó sẽ tự đưa ra quyết định hoặc kiến nghị, đề xuất lên bộ hoặc bộ trưởng.

Các cơ quan khác có thể đại diện cho ủy ban này là ngân hàng trung ương, bộ thương mại, bộ công nghiệp và bộ nông nghiệp. 

Các quyết định về rủi ro chính trị dựa trên việc đánh giá, xếp loại của từng quốc gia. Rõ ràng là các quyết định đó phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định chính trị của quốc gia đó, tình trạng cán cân thanh toán trong nước và thái độ của Chính phủ đối với quốc gia xuất khẩu và đôi khi cũng phụ thuộc vào thái độ của Chính phủ đối với lĩnh vực xuất khẩu, chẳng hạn ngành công nghiệp thuốc lá sẽ khó có thể được tạo điều kiện phát triển nếu như phong trào cấm hút thuốc diễn ra mạnh mẽ.

Ngoài ra, có thể cần phải xem xét kỹ các tiêu chuẩn khác như các thông tin hoạt động thương mại trước đây, các mối quan hệ ngoại giao chung, sự tồn tại của nhiều phe đối lập, bạo lực có thể phá hoại hoạt động thương mại, thể chế chính phủ (ví dụ: dân chủ hoặc hình thức khác) và số nợ quốc gia.

Các quyết định của hội đồng có thể bao gồm các mục sau:

– Toàn bộ rủi ro đối với quốc gia của bên mua (ví dụ: hạn chế về tín dụng quốc gia )

– Rủi ro đối với tư nhân ở quốc gia đó và 

– Tỷ lệ phí áp dụng cho loại hình kinh doanh này.

Vấn đề tiền tệ trong thanh toán

Một khía cạnh khác của lĩnh vực tài chính cần phải cân nhắc là phương thức thanh toán. Thực tế cho thấy tỷ giá hối đoái giữa các loại tiền tệ luôn biến động. Điều này có thể ảnh hưởng tới giá trị hàng hóa, phí hải quan cũng như các chi phí bảo hiểm về việc chuyên chở, quá cảnh, mất mát hoặc tổn thất. Vì vậy, trong trường hợp hàng hóa được viết hóa đơn thanh toán bằng tiền tệ của bên bán, sự chênh lệch về giá trị của loại tiền này so với loại tiền của bên mua có thể sẽ dẫn đến giá hàng hóa theo đồng tiền của bên mua leo thang trong quá trình quá cảnh dẫn đến việc họ không thể thanh toán cho hàng hóa khi được nhập về. Do đó, họ có thể sẽ phủ nhận hợp đồng, và như vậy, bên bán sẽ không nhận được các khoản thanh toán.

Trong tình huống đó, nhà bảo hiểm tín dụng cần phải đối phó thế nào? Rõ ràng, quy tắc giảm nhẹ tổn thất – một quy tắc chung của đơn bảo hiểm tín dụng – gần như là không thể áp dụng được vì giá thành của hàng hóa bị từ chối sẽ vẫn rất cao đối với các nhà kinh doanh khác trong cùng quốc gia đó.

Vấn đề vẫn sẽ xảy ra ngay cả khi không có sự từ chối đơn hàng, mà ngược lại. Ví dụ: hàng hóa được ký nhận và thanh toán 30 ngày sau đó. Tỷ giá hối đoái có thể biến động đến mức số tiền thanh toán trị giá thấp hơn giá trị gốc định ra cho hàng hóa đó mặc dù giá trị danh nghĩa vẫn đúng.

Để tránh xảy ra tình trạng này, các nhà xuất khẩu thường muốn được thanh toán bằng một loại tiền tệ có giá trị quốc tế ổn định như Đô la Mỹ hay Euro. Mặc dù các rủi ro vẫn tồn tại nhưng có thể dự đoán được và mức độ biến động thấp hơn. Hơn nữa, ở một số quốc gia, vẫn có loại bảo hiểm cho các khoản phải thu theo các loại tiền tệ chính.

Bảo hiểm tín dụng thương mại hoạt động như thế nào?

Công ty bảo hiểm tín dụng cam kết trách nhiệm từ khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết và chuyển cho nhà xuất khẩu. Nhà bảo hiểm thu được phí bảo hiểm đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc hàng hóa xuất khẩu không được thanh toán. Tất nhiên, họ cũng có thể tái bảo hiểm toàn bộ rủi ro (trong trường hợp rủi ro chính trị) hoặc một phần (trong trường hợp rủi ro thương mại) cho công ty bảo hiểm khác.

Nếu hợp đồng bảo hiểm gốc tuân thủ đầy đủ các điều kiện thì công ty bảo hiểm tín dụng có thể tiến hành tái bảo hiểm với đầy đủ các điều kiện đó hoặc chỉ với một số điều kiện nhất định. Điều này có nghĩa là họ có thể tái bảo hiểm một đơn bảo hiểm giới hạn hoặc không giới hạn đối với các loại rủi ro được bảo hiểm. Một số đơn bảo hiểm, ví dụ như bảo hiểm hàng hóa trước khi lên tàu, thường loại trừ rủi ro không trả nợ đúng hạn đã được kéo dài. Công ty tái bảo hiểm tín dụng không thể tái bảo hiểm theo những điều kiện ngoài điều kiện trong đơn bảo hiểm gốc.

Tái bảo hiểm tín dụng thường được thu xếp trên cơ sở hợp đồng tái bảo hiểm cố định. Mỗi nhà tái bảo hiểm có đặc thù riêng do đó cần tiến hành thảo luận nhằm xây dựng hệ thống hỗ trợ.

Thông thường, các nhà tái bảo hiểm sẽ chọn ra một nhà tái bảo hiểm đứng đầu – có trách nhiệm đứng ra đại diện để đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng. Hợp đồng tái bảo hiểm có phạm vi trong một khoảng thời gian cụ thể, cho một vùng lãnh thổ cụ thể hoặc trên phạm vi toàn thế giới.

Hợp đồng tái bảo hiểm cố định chỉ rõ loại hình kinh doanh được bảo hiểm, ví dụ hợp đồng tái bảo hiểm cố định phân chia hạn ngạch bảo hiểm tín dụng trong đó liệt kê, phân loại các rủi ro chung được tái bảo hiểm.

Thời hạn bảo hiểm trong hợp đồng tái bảo hiểm cố định thường là hai năm, và sẽ được đàm phán lại khi thời hạn kết thúc. 

Hạn mức bảo hiểm và hạn mức hợp đồng tái bảo hiểm có thể thay đổi khi các nhà bảo hiểm bắt buộc phải thu xếp một phần tái bảo hiểm cho công ty tái bảo hiểm sở hữu nhà nước hoặc công ty tái bảo hiểm do nhà nước chỉ định. Đây cũng chính là trường hợp ở Zim-ba-buê.

Mức giữ lại trong tái bảo hiểm được thể hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm, là một phần của rủi ro mà nhà bảo hiểm tín dụng sẽ giữ lại vì lợi ích của mình. Phần rủi ro còn lại sẽ được chia đều trong nhóm các nhà tái bảo hiểm.

Tỉ lệ phí trong hợp đồng tái bảo hiểm cố định thường được thể hiện một cách định tính, ví dụ: “tỉ lệ phí gộp gốc” thay cho các con số.

Thu nhập cho nhà tái bảo hiểm được thể hiện dưới dạng công thức và hoa hồng phải trả cho nhà bảo hiểm tín dụng nhằm trang trải chi phí phát sinh từ việc chuyển nhượng rủi ro sang nhà tái bảo hiểm cũng như các chi phí quản lý hành chính. 

Đối với các hợp đồng tái bảo hiểm theo tỷ lệ và tái bảo hiểm mức dôi, các điều khoản về bảo hiểm vượt mức tổn thất sẽ quy định phần giữ lại của tái bảo hiểm, phần được tái bảo hiểm, phí  bảo hiểm có thể thanh toán, dự phòng phí bảo hiểm và phần tỷ lệ dành cho nhà tái bảo hiểm. 

Ngoài các khía cạnh tiền tệ trong việc sắp xếp tái bảo hiểm, các hợp đồng tái bảo hiểm cố định bao gồm các điều khoản quy định về những điểm không được bảo hiểm theo hợp đồng tái bảo hiểm. Bao gồm:

– Bảo lãnh tài chính thuộc bất cứ hình thức nào dành cho trái phiếu đường sắt và hải quan, và trái phiếu hàng hóa nếu không được sự chấp thuận của nhà tái bảo hiểm đứng đầu.

– Bảo lãnh tín dụng xuất khẩu/ nhập khẩu ( ví dụ: bảo lãnh trước ngân hàng). Không có bất cứ loại bảo hiểm về giao dịch tài chính đơn thuần hoặc tiền trả lại khoản vay  có thể đựợc tái bảo hiểm theo cách thông thường.

– Bảo lãnh trả góp.

– Bảo lãnh bồi thường thế chấp đối với trái khoán bảo lãnh tham gia thế chấp dưới dạng tiền vay từ bất kỳ nguồn nào.  

– Bảo lãnh thấu chi hoặc bảo lãnh ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào (Bảo lãnh xuất khẩu ngắn hạn do nhiều nhà bảo hiểm tín dụng đưa ra được tái bảo hiểm theo các danh mục đầu tư tái bảo hiểm rủi ro chính trị).

– Nghiệp vụ được chấp nhận theo các thỏa thuận tái bảo hiểm bắt buộc, tái bảo hiểm tạm thời và hoặc đồng bảo hiểm  trừ khi được nhà tái bảo hiểm đứng đầu đồng ý.

– Nghiệp vụ được bảo hiểm vượt mức tổn thất, ngăn chặn tổn thất và/ hoặc phân chia tổn thất.

– Bảo lãnh và/ hoặc trái phiếu dài hạn, thời hạn khoảng ba năm trừ khi các khoản kèm theo trong mỗi trường hợp đã được thống nhất một cách cụ thể giữa nhà bảo hiểm tín dụng và các nhà tái bảo hiểm hàng đầu.  

– Giấy cam kết chịu phạt theo điều khoản; bảo lãnh sản xuất và hoàn thành phim; bảo lãnh hoa hồng của rạp chiếu bóng, thuế hoặc các đại lý du lịch.

– Các phương tiện lưu kho tự động, thanh toán trước và/ hoặc phổ biến, bảo lãnh chuyển nhượng phần giữ lại trừ khi được các nhà tái bảo hiểm đồng ý.

– Sự sắp xếp chung vốn cho các đơn bảo hiểm bồi thường về phía ngân hàng, quỹ hưu trí và giới xây dựng. 

Danh sách này được đưa ra chỉ nhằm nêu rõ các điểm loại trừ nếu các nhà bảo hiểm tín dụng và nhà tái bảo hiểm yêu cầu. Rất nhiều điểm loại trừ dựa trên cơ sở những kinh nghiệm tổn thất của một hoặc nhiều nhà tái bảo hiểm tín dụng khác.

Một khi các thông số được nhất trí, các hợp đồng tái bảo hiểm cố định được điều chỉnh theo các bối cảnh của từng quốc gia và theo môi trường kinh doanh của công ty bảo hiểm tín dụng.

Việc nhiều nhà tái bảo hiểm do dự khi đưa ra hình thức bảo hiểm đối với bất cứ một đơn bảo hiểm được bảo đảm tài chính nào là do họ đã có kinh nghiệm trong quá khứ. Và cũng bởi trên thực tế, trong khi các nhà tái bảo hiểm không kiểm soát trực tiếp đối tượng khác hàng mà nhà bảo hiểm gốc cam kết bảo lãnh, các nhà tái bảo hiểm này cũng có một phần trách nhiệm nếu họ bị điều tra. Việc cung cấp bảo đảm phù hợp với chức năng của ngân hàng hơn, vì ngân hàng được trang bị tốt hơn để đánh giá rủi ro mà họ đang phải đảm trách.

Cuối cùng, trong nhiều trường hợp, các đơn tái bảo hiểm tạm thời cũng sẽ rất cần thiết vì nhiều rủi ro vượt quá hạn mức hợp đồng tái bảo hiểm cố định trong khi các quốc gia hoặc nhà xuất khẩu vẫn cần có bảo hiểm bổ sung. Các công ty bảo hiểm vẫn thường tìm kiếm các nhà tái bảo hiểm, người sẽ nhận rủi ro cho các dịch vụ vượt quá giới hạn của hợp đồng tái bảo hiểm cố định.

Thông thường, các điều kiện và tỷ lệ được áp dụng riêng biệt, và các rủi ro không được bảo hiểm tự động. Công ty bảo hiểm tín dụng cần phải thông báo cho nhà tái bảo hiểm tạm thời  trước khi mỗi khi có yêu cầu bảo hiểm bổ sung  

Các phương pháp quản lý rủi ro khác

Thông thường, các công ty bảo hiểm tín dụng đều có kinh nghiệm về những khu vực có khả năng rủi ro cao và dễ xảy ra rủi ro. Mỗi quốc gia đều có những hoàn cảnh và điều kiện đặc thù. Thậm chí nếu các điều kiện này là giống nhau thì những thủ tục thương mại và luật pháp khác nhau đòi hỏi mỗi nước phải đưa ra giải pháp khác nhau.

Do đó, mỗi công ty bảo hiểm tín dụng cần phải thiết lập các chính sách quản lý rủi ro đối phó với các tình huống của riêng mình, đồng thời học hỏi kinh nghiệm các nước để tìm ra những điểm chung.

Chẳng hạn, nhà bảo hiểm tín dụng có thể quản lý những rủi ro đối với tỷ lệ lãi suất và rủi ro trao đổi ngoại tệ bằng cách tận dụng những chính sách do bộ tài chính của nước họ xây dựng. Nhà bảo hiểm có thể tiến hành họp HĐQT hàng ngày hoặc hàng tuần để xem xét lại tỷ lệ lãi suất, tỷ giá hối đoái và rủi ro tín dụng. Trên thực tế, đối với địa bàn một số nước đang phát triển, một số công ty bảo hiểm tín dụng đã loại bỏ tất cả các rủi ro về tỷ giá hối đoái ra khỏi danh mục bảo hiểm của mình bởi biến động quá lớn và không thể lường trước được.

Rủi ro tín dụng được quản lý bằng cách áp dụng các phương pháp nêu trên và lập quỹ dự phòng, (được gọi là “quỹ dự trữ bồi thường”) cho các tổn thất dự tính. Các phương pháp này được áp dụng cùng với cơ chế nghiệp vụ thu hồi tổn thất đối với tất cả những người quịt nợ nước ngoài, khoanh vùng tất cả phạm vi công việc mà công ty bảo hiểm tín dụng mới có thể thực hiện trong lĩnh vực quản lý rủi ro. Sau đó, bằng cách tích lũy kinh nghiệm và xây dựng những nguồn thông tin tin cậy, nhà bảo hiểm tín dụng có thể thiếp lập được các chiến lược quản lý rủi ro cho phù hợp với hoàn cảnh kinh doanh của mình tốt hơn.

Thời hạn bảo hiểm

Nhiều đơn bảo hiểm tín dụng xuất khẩu có thời hạn hiệu lực xác định. Điều này xuất phát từ một số lý do chính sau:

– Các điều kiện thương mại thay đổi ở các nước nhập khẩu khác nhau và công ty bảo hiểm tín dụng cần chuẩn bị cho từng trường hợp cụ thể khi rủi ro cao hơn hoặc thấp hơn. 

– Công ty bảo hiểm tín dụng cần xem lại các đơn bảo hiểm theo từng thời điểm để thấy rằng chúng đang góp phần vào sự sống còn của công ty. Có thể xảy ra trường hợp một đơn bảo hiểm bị lỗ và nó không được bù đắp ở những lĩnh vực khác. Hoặc là phải tăng mức phí hoặc hạn chế phạm vi bảo hiểm (thậm chí có thể loại bỏ) 

Trong trường hợp bảo hiểm tín dụng trong nước, các đơn bảo hiểm có thể liên tục bởi các giao dịch, được bảo hiểm, quay vòng nhanh và có thể thoát khỏi rủi ro được báo trước rất ngắn mà không có quá nhiều thành kiến với bên bán. Tuy nhiên, với những hàng xuất khẩu có thời hạn quay vòng lâu hơn và đòi hỏi lên kế hoạch và đàm phán nhiều hơn thì việc thay đổi điều kiện bảo hiểm có thể gây ra tác động tiêu cực.

Do đó, công ty bảo hiểm tín dụng ở các nước đang phát triển thường sẽ xây dựng các đơn bảo hiểm ngắn hạn, chẳng hạn một năm, sau đó có thể gia hạn thêm một năm nữa. Tiếp theo đó, một đơn bảo hiểm mới sẽ được đề xuất và cấp mới. Đối với những công ty xây dựng đơn bảo hiểm ngắn hạn và trung hạn thì thời hạn gắn liền với khoảng thời gian thực hiện các hợp đồng.

Không có gợi ý hay khuôn mẫu nào về khoảng thời gian cần thiết cho việc đàm phán tái tục hợp đồng bảo hiểm trước khi hết hạn – điều này phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm của từng nhà bảo hiểm. Do vậy, đối với các công ty bảo hiểm tín dụng mới thành lập, việc tham khảo kinh nghiệm của các nhà bảo hiểm đi trước là việc làm cần thiết. 

Hết phần IV

Mời các bạn đón đọc tiếp phần V.

Webbaohiem.

Comments are closed.