Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Vẫn khó khăn trong triển khai

Ngày 5/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2011/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Mục tiêu đến cuối năm 2013, tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu sẽ được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Song đến nay, việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn.
CôngThương – Ông Tạ Quang Cận – Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Udomxay Nam Định cho biết:

Chúng tôi cũng đã biết đến loại hình dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, nhưng cho đến thời điểm hiện tại để tiếp cận được dịch vụ này thì không biết phải liên lạc với đơn vị nào để triển khai. Mọi thông tin liên quan về dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đều rất ít.

Qua tìm hiểu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XNK khác trên địa bàn thành phố Nam Định và tỉnh Thái Bình thì các doanh nghiệp này đều cùng chung một câu trả lời là hoàn toàn không biết hoặc biết rất ít thông tin về loại hình dịch vụ này. Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các hình thức hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam những năm qua chủ yếu là hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, mang tính bao cấp, không phù hợp với các quy định của WTO. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ra đời đóng vai trò là công cụ giảm thiểu rủi ro cho nhà xuất khẩu, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho họ trong việc chủ động cung cấp tín dụng cho người mua, tự tin khi tham gia thị trường xuất khẩu mới, tăng năng lực tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng và tổ chức tài chính.

Thực tế tại Việt Nam việc triển khai nghiệp vụ này rất phức tạp, bởi nhà cung cấp dịch vụ phải có năng lực tài chính, mạng lưới, mối quan hệ để thẩm định khách hàng nước ngoài, đồng thời phải thu xếp được nhà tái bảo hiểm. Mặt khác, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm có đủ năng lực đánh giá rủi ro thương mại, rủi ro chính trị đến với nhà nhập khẩu, ngân hàng nước nhập khẩu và khả năng biến động chính trị tại nước nhập khẩu. Có được thông tin đầy đủ để đánh giá tương đối chính xác rủi ro nói trên là cả một thách thức với doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy các công ty bảo hiểm kém mặn mà với loại hình dịch vụ này.

Đến nay mới chỉ có 3 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, gồm Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI), Tổng Công ty Bảo Minh (Bảo Minh) và Công ty TNHH Bảo hiểm QBE. Trong đó, QBE có 2 hợp đồng đạt doanh thu phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hơn 4 tỷ đồng, Bảo Minh có 6 hợp đồng, đạt doanh thu phí 3 tỷ đồng.

Ông Lộc – nhìn nhận, khi Nhà nước đang khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác mới như hiện nay, nên sớm đưa bảo hiểm tín dụng vào hỗ trợ các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, theo các quy định pháp luật hiện hành thì bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là 1 trong 7 nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được chủ động trong việc triển khai sản phẩm, chỉ cần đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm với Bộ Tài chính trước khi áp dụng.

Tuy nhiên, với những khó khăn đã đề cập, các công ty bảo hiểm với trách nhiệm của mình không thể hoặc không muốn cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, do vậy nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết lập một cơ quan được Nhà nước bảo trợ, có phạm vi hoạt động ở tầm quốc gia và mang tính bổ trợ doanh nghiệp.

Hình thức bảo hiểm xuất khẩu được áp dụng phổ biến tại các nước phát triển, trong khi thực tiễn kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro. Việc áp dụng biện pháp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu là cần thiết và phù hợp với các quy định của WTO. Được biết ngay từ đề án đẩy mạnh xuất khẩu các năm 2009-2010, Bộ Công Thương cũng đã đề cập đến giải pháp nhanh chóng triển khai thành lập Công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Mô hình công ty này đang được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hoàn tất sau khi tham khảo kinh nghiệm một số nước.

Vũ Điển

Báo Công Thương Điện Tử

Comments are closed.