Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ở Việt Nam – những điều cần biết

Ông Trịnh Thanh Hoan - Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính.(eFinance) –  (Tạp chí Tài chính Điện tử số 92 ngày 15/2/2011) – Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện triển khai thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) trong giai đoạn 2011 – 2013. Nhân dịp này Tạp chí Tài chính Điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Thanh Hoan – Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.Ông có thể tóm lược vài nét về sự phát triển của loại hình Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu này trên thế giới? Những động thái của thị trường Việt Nam trong giai đoạn đầu thí điểm?

Tại các nước phát triển, BHTDXK được triển khai từ rất sớm, phần lớn thông qua các tổ chức chuyên về BHTDXK (gọi tắt là ECA). Thị phần và doanh thu phí BHTDXK tập trung 80% tại khu vực châu Âu với các tổ chức BHTDXK hàng đầu như Coface (Pháp), Autradius (Hà Lan), Euler Hermes (Đức)… Tại khu vực châu Á, BHTDXK ra đời muộn hơn và được thực hiện thông qua các Công ty 100% vốn Nhà nước như Công ty bảo lãnh tín dụng xuất khẩu – ECGC (Ấn Độ), Ngân hàng xuất nhập khẩu – Exim Thai (Thái Lan) và Tổ chức BHTDXK – Sinosure (Trung Quốc).

Trong giai đoạn đầu triển khai, tại hầu hết các quốc gia, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và nhà xuất khẩu đều được Nhà nước hỗ trợ dưới hình thức phí bảo hiểm hoặc nhận tái bảo hiểm đối với phần trách nhiệm vượt quá khả năng. Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động BHTDXK phải bảo đảm nguyên tắc “không mang tính ưu đãi, hỗ trợ phát triển”. Vì vậy, mô hình hoạt động của các tổ chức này từng bước được chuyển đổi từ cơ chế tài trợ Nhà nước sang nguyên tắc kinh doanh thương mại theo cơ chế thị trường. Nhiều ECA được cổ phần hoá hoặc không còn được Nhà nước tài trợ đối với hoạt động BHTDXK ngắn hạn.

Còn ở Việt Nam, theo quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm, BHTDXK là một loại hình của bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính – thuộc nghiệp vụ kinh doanh của các DNBH phi nhân thọ. Theo Giấy phép thành lập và hoạt động do Bộ Tài chính cấp thì phần lớn các DNBH phi nhân thọ đều được phép triển khai BHTDXK. Thế nhưng, hiện mới có 3 DNBH bắt đầu triển khai BHTDXK, bao gồm: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI); Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh; Công ty TNHH Bảo hiểm QBE Việt Nam. Cả 3 doanh nghiệp này mới bắt đầu đào tạo đội ngũ chuyên gia về BHTDXK nên còn phụ thuộc nhiều vào nhóm nhà tái bảo hiểm nước ngoài từ khâu khai thác, đánh giá rủi ro, thẩm định bảo hiểm, tái bảo hiểm v.v… Do đó, kết quả triển khai còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại các DNBH, chúng tôi được biết có rất nhiều DNBH phi nhân thọ mong muốn được triển khai BHTDXK trong thời gian tới. Điển hình như Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng đang nghiên cứu để triển khai BHTDXK.

Đối với các Doanh nghiệp khi tham gia BHTDXK sẽ có lợi gì và những rủi ro mà họ có thể sẽ gặp phải nếu không tham gia dịch vụ bảo hiểm này?

Nếu tham gia BHTDXK, các thương nhân xuất khẩu có thể nhận được các lợi ích cơ bản như: Được bảo vệ tài chính trong trường hợp nhà nhập khẩu mất khả năng thanh toán; Tăng khả năng đi vay từ các tổ chức tín dụng do có thể coi BHTDXK là khoản bảo đảm tiền vay, từ đó có thể tăng lượng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp BHTDXK thường là thành viên của các Hiệp hội bảo hiểm tín dụng quốc tế, có mạng lưới cung cấp dịch vụ thông tin trên toàn cầu, có chức năng tư vấn rủi ro, cung cấp thông tin về quốc gia nhập khẩu và các đối tác nhập khẩu cho các thương nhân xuất khẩu. Nhờ đó, thương nhân xuất khẩu sẽ tiết kiệm chi phí tìm hiểu và đánh giá thông tin về đối tác nhập khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế và cải thiện chất lượng của hoạt động xuất khẩu.

Nói cách khác, nếu không tham gia BHTDXK, thương nhân xuất khẩu có thể mất vốn kinh doanh hoặc không có khả năng trả nợ ngân hàng trong trường hợp nhà nhập khẩu mất khả năng thanh toán, từ đó làm giảm khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc xuất khẩu do thiếu vốn. Ngoài ra, thương nhân xuất khẩu có thể gặp rủi ro về mất cơ hội kinh doanh hay giảm lợi thế kinh doanh do không được tư vấn thông tin về đối tác, thị trường nhập khẩu. 

Còn đối với các DNBH, việc triển khai thí điểm BHTDXK sẽ gặp những khó khăn và thuận lợi gì?

Do đây là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện nên không thể bắt buộc các thương nhân xuất khẩu tham gia BHTDXK, đồng thời cũng không thể bắt buộc các DNBH phải phải bán BHTDXK. Ngoài ra, qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá khả năng triển khai Đề án BHTDXK, chúng tôi nhận thấy còn có một số khó khăn có thể gặp phải.

Cụ thể, bên mua bảo hiểm khó chấp nhận ngay sản phẩm này, bởi vì từ trước đến nay chưa có thói quen mua BHTDXK (vẫn thường sử dụng các hình thức phòng ngừa rủi ro khác trong thanh toán quốc tế như thư tín dụng, ứng trước tiền…). Mặt khác, do chưa nhận thức được lợi ích của việc tham gia BHTDXK hoặc chủ quan đánh giá độ tin cậy của “bạn hàng” nên thương nhân xuất khẩu có tâm lý không muốn tham gia BHTDXK.

Về phía DNBH thì các doanh nghiệp có thể muốn hoặc không muốn tham gia Đề án mặc dù đủ điều kiện. Nguyên nhân do còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh cũng như tính toán hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc triển khai BHTDXK sẽ vẫn được “hậu thuẫn” bởi rất nhiều thuận lợi. Chẳng hạn, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với cả bên mua bảo hiểm và bên bán bảo hiểm (theo các cam kết WTO, Việt Nam không được hỗ trợ về phí bảo hiểm đối với các thương nhân xuất khẩu).

Cụ thể, đối với bên mua bảo hiểm có thể có các chính sách: Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đơn giản hóa các thủ tục cho vay để xuất khẩu, chấp nhận hợp đồng BHTDXK như khoản đảm bảo tiền vay, cấp tín dụng tương đương với giá trị được bảo hiểm theo hợp đồng này; Định hướng các ngân hàng thương mại hợp tác với các DNBH trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho các thương nhân vay vốn xuất khẩu mua BHTDX, đồng thời, khi xảy ra tổn thất, trong phạm vi số tiền bảo hiểm, DNBH sẽ chuyển trực tiếp khoản chi bồi thường cho ngân hàng, giúp ngân hàng nhanh chóng thu hồi khoản vay; Nhà nước định hướng để các thương nhân xuất khẩu tích cực tham gia BHTDXK.

Đối với bên bán bảo hiểm, để hỗ trợ các DNBH tham gia triển khai thí điểm BHTDXK, Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí cho giai đoạn đầu và hỗ trợ cho DNBH trong quá trình triển khai BHTDXK. Nguồn chi lấy từ Ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm cho chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch quốc gia, dự kiến như sau: Hỗ trợ chi phí cho giai đoạn đầu khi DNBH thuê tổ chức tư vấn nước ngoài đánh giá khả năng triển khai tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm, chuyển giao công nghệ và cơ sở dữ liệu, đào tạo cán bộ… (tham khảo số liệu của tổ chức tái BHTDXK AtradiusRe đối với riêng Bảo Việt, nếu dành hỗ trợ cho một số DNBH được lựa chọn thì tổng kinh phí này có thể lên tới 9 tỷ đồng); Hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, khảo sát xây dựng Đề án, thông tin, tuyên truyền, chỉ đạo triển khai và tổng kết đánh giá Đề án (tối đa 5 tỷ đồng trong 3 năm, trong đó, năm 2010 là 2 tỷ đồng; năm 2011 – 1,5 tỷ đồng; năm 2012 – 1,5 tỷ đồng); Hỗ trợ cho DNBH trong quá trình triển khai thí điểm (tối đa 15 tỷ vào năm 2012; tổng số tiền hỗ trợ tối đa trong 3 năm thí điểm BHTDXK là 28 tỷ đồng) để hỗ trợ cho DNBH có mức bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại trên doanh thu phí bảo hiểm giữ lại vượt quá 80% đến 150%.

Một yếu tố thuận lợi khác nữa đối với việc triển khai BHTDXK là các Bộ, ngành có liên quan đều tích cực tham gia chỉ đạo, khuyến khích các đối tượng có liên quan tham gia đẩy mạnh BHTDXK. Ví dụ, Bộ Tài chính chủ trì triển khai Đề án thí điểm BHTDXK giai đoạn 2011 – 2013, ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Đề án (về phạm vi, đối tượng bảo hiểm, hình thức bảo hiểm, trách nhiệm của DNBH triển khai BHTDXK, hỗ trợ của Nhà nước khi triển khai Đề án), lựa chọn tổ chức tư vấn và DNBH đủ điều kiện triển khai BHTDXK, phối hợp với các Bộ ngành tuyên truyền đẩy mạnh nhận thức về BHTDXK, phân bổ ngân sách hỗ trợ cho Đề án; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí ngân sách hỗ trợ cho Đề án trong chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch quốc gia; Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính triển khai Đề án, chỉ đạo các thương nhân xuất khẩu tích cực tham gia BHTDXK; Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách tạo điều kiện vay vốn cho các thương nhân đã tham gia BHTDXK, chỉ đạo các ngân hàng thương mại hợp tác với các DNBH trong việc triển khai BHTDXK.

Những đối tượng doanh nghiệp nào sẽ được thực hiện thí điểm BHTDXK, thưa ông?

Tất cả các thương nhân xuất khẩu đều được khuyến khích tham gia BHTDXK, trong đó khuyến khích thương nhân xuất khẩu các mặt hàng thuộc 2 nhóm hàng theo phân loại của Bộ Công Thương. Trong đó, nhóm 1 gồm thủy sản, gạo, cà phê, rau quả, cao su, hạt tiêu, nhân điều, chè, sắn và sản phẩm từ sắn. Nhóm 2 gồm dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, gốm sứ, thuỷ tinh, mây tre cói và thảm, sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng, túi xách vali mũ ô dù, sản phẩm từ sắt thép, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải.

Khi tham gia triển khai thí điểm dịch vụ bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm phải có những điều kiện gì?

Bộ Tài chính dự kiến đưa ra một số điều kiện để lựa chọn một số DNBH phi nhân thọ đủ điều kiện triển khai BHTDXK nhằm đảm bảo tính khả thi của Đề án:

Một là phải nằm trong top 5 DNBH phi nhân thọ đứng đầu thị trường về quy mô vốn chủ sở hữu (>1000 tỷ đồng), tổng dự phòng nghiệp vụ (>650 tỷ đồng) và mạng lưới hoạt động trên cả nước; hoặc là DNBH phi nhân thọ có cổ đông sáng lập hoặc chiếm trên 10% vốn điều lệ là 1 trong 10 ngân hàng thương mại có vốn chủ sở hữu hoặc số lượng khách hàng là tổ chức lớn nhất tại Việt Nam; hoặc là DNBH phi nhân thọ có công ty mẹ hoặc cổ đông lớn của công ty mẹ là DNBH chuyên về BHTDXK.

Hai là có tình hình tài chính lành mạnh, có lãi trong 3 năm gần đây.

Ba là chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do vi phạm các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quy trình nghiệp vụ.

Bốn là có quy trình khai thác, giám định, bồi thường đối với sản phẩm BHTDXK;

Năm là có Hợp đồng tái bảo hiểm đối với các dịch vụ BHTDXK, theo đó nhà tái bảo hiểm đứng đầu đáp ứng quy định tại Thông tư 155/2007/TT-BTC;

Sáu là có quy tắc, điều khoản, biểu phí minh bạch, rõ ràng, công bằng, đáp ứng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo hiểm cho các rủi ro tối thiểu nêu tại Đề án thí điểm BHTDXK.

Bảy là cam kết triển khai thí điểm BHTDXK và có trách nhiệm báo cáo đánh giá tình hình thực hiện.

Xin cám ơn ông!

(Minh Hiếu thực hiện)
www.taichinhdientu.vn

Comments are closed.