Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Kinh nghiệm cho Việt Nam

Các DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động thương mại quốc tế. (ĐTCK-online) Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam với mức đóng góp khoảng 50 – 70%. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và ước đạt 60 tỷ USD trong năm 2009. Tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động thương mại quốc tế về phương diện tìm kiếm thị trường, nhận biết rủi ro thương mại của đối tác nhập khẩu, đòi hỏi phải sớm có tổ chức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK).

Lực đẩy xuất khẩu

BHTDXK là hình thức bảo đảm tài chính cho nhà xuất khẩu trong các hợp đồng xuất nhập khẩu có điều kiện thanh toán theo hình thức tín dụng mở (open account) trước rủi ro nợ xấu, mất khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu do mất khả năng thanh toán, phá sản hoặc vì bất ổn chính trị tại quốc gia nhập khẩu.

Theo quy định của WTO hay OECD, các sản phẩm BHTDXK trung và dài hạn được phép có sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ, còn các sản phẩm ngắn hạn, về cơ bản là sản phẩm bảo hiểm thương mại (trừ bảo hiểm cho rủi ro chính trị).

Tổ chức BHTDXK là nguồn cung cấp thông tin thị trường, năng lực và tình trạng tài chính của người mua, giúp nhà xuất khẩu thực hiện các giao dịch kinh doanh an toàn và hiệu quả. Các quốc gia xuất khẩu cũng được hưởng lợi nhờ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngoại hối cải thiện cán cân thanh toán quốc gia.

Ấn Độ thành lập tổ chức BHTDXK từ năm 1957, đến năm 2008 đã bảo hiểm khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Năm 2001, Trung Quốc thành lập tổ chức BHTDXK với tên gọi Tổng công ty Sinosure. Tính đến tháng 12/2009, Sinosure bảo hiểm cho trên 75 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Các quốc gia phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều có tổ chức BHTDXK chuyên biệt như NEXI, KEIC, ECICS, trong đó NEXI của Nhật Bản là 1 trong 10 tổ chức BHTDXK lớn nhất thế giới, ngoài lĩnh vực BHTDXK ngắn hạn, tổ chức này còn cung cấp bảo lãnh đầu tư và bảo hiểm tín dụng đầu tư cho hầu hết các dự án đầu tư của Nhật Bản ở nước ngoài.

Ban đầu, các BHTDXK đều do Nhà nước bỏ vốn thành lập và hỗ trợ theo cơ chế bù lỗ hòa vốn dài hạn. Tuy nhiên, trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động BHTDXK còn phải bảo đảm “không mang tính ưu đãi/hỗ trợ phát triển” phù hợp với nguyên tắc WTO, nên mô hình hoạt động của các tổ chức BHTDXK từng bước có sự tham gia của khu vực tư nhân để có thể vận hành theo cơ chế thị trường.

 

Bài học cho Việt Nam

Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, tiềm năng xuất khẩu sang thị trường của 150 nước thành viên là rất lớn, bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống. Vì vậy, nghiên cứu thành lập một tổ chức BHTDXK có ý nghĩa thiết thực và cấp bách.

Các mô hình tổ chức và lịch sử phát triển của các tổ chức BHTDXK trên thế giới cho thấy, sự bảo trợ của nhà nước trong việc thành lập là yếu tố quyết định. Ban đầu, tổ chức BHTDXK cần được nhà nước đầu tư về công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và khả năng tài chính. Ngay cả ở châu Âu, mặc dù đã có một giai đoạn phát triển vài thập kỷ, nhưng đến nay hầu hết tổ chức BHTDXK vẫn do nhà nước sở hữu hoặc đứng sau tài trợ/bảo lãnh với cơ chế chính sách về vốn, ưu đãi thuế, tái bảo hiểm cứu cánh… Tuy nhiên, để bảo đảm hoạt động BHTDXK phù hợp với nguyên tắc WTO (không được coi là trợ cấp xuất khẩu), tổ chức BHTDXK cho dù thuộc sở hữu nhà nước (phục vụ mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu) thì cũng phải thực hiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh và chịu sự điều chỉnh của luật pháp về bảo hiểm và thương mại.

Không quốc gia nào thành lập tổ chức BHTDXK khi chưa tính toán lợi ích kinh tế khả thi, có nghĩa là phân tích hiệu quả đẩy mạnh xuất khẩu với chi phí đầu tư và vận hành tổ chức đó. Những câu hỏi lớn cần đặt ra là:

– Ngành hàng/thị trường/loại hình DN/ngân hàng nào thực sự có nhu cầu bảo hiểm tín dụng xuất khẩu?

– Ai sẽ đầu tư vào tổ chức BHTDXK? Quy mô vốn và bão lãnh phù hợp? Hình thức tài trợ và ủng hộ của nhà nước sẽ thực hiện thế nào?

– Các hình thức hỗ trợ tài chính cho nhà xuất khẩu đang thực hiện? Kinh nghiệm, năng lực kinh doanh của hệ thống ngân hàng, công ty thương mại và nhà xuất khẩu ra sao?

– Năng lực của hệ thống DN bảo hiểm thương mại? Độ sẵn có của nguồn nhân lực quản trị và chuyên môn của thị trường bảo hiểm, ai sẽ thực hiện việc đào tạo?

– Sản phẩm bảo hiểm tín dụng nào sẽ triển khai trước? Có phải là BHTDXK ngắn hạn?

Trong điều kiện thiếu nguồn vốn và nhân sự, tính chất mặt hàng xuất khẩu đa số là hàng hóa thông dụng, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, trước mắt, Việt Nam nên lựa chọn phát triển BHTDXK ngắn hạn. Điều này được dựa trên năng lực tổ chức quản lý điều hành và chuyên môn, quan hệ quốc tế của hệ thống DN bảo hiểm trong nước, đồng thời hợp tác với các tổ chức BHTDXK quốc tế để từ đó thiết lập cơ cấu chấp nhận và chuyển giao rủi ro bảo hiểm, tái bảo hiểm tín dụng phù hợp.

Nhìn từ góc độ DN BHTDXK, chi phí đầu tư ban đầu và vận hành nghiệp vụ rất lớn, cùng với lo lắng về tiềm năng thị trường, mức độ rủi ro, hiệu quả kinh doanh là những rào cản đáng kể. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ, tạo cơ sở vốn đầu tư ban đầu cho trang bị công nghệ và tuyển dụng nguồn nhân lực, ưu đãi về thuế (nhiều quốc gia không áp thuế thu nhập, thuế VAT) và có chính sách bù đắp chi phí hoạt động trong 2 – 3 năm đầu tiên.

Đối với các nhà xuất khẩu, để đẩy mạnh việc tham gia BHTDXK, bên cạnh ban hành các chính sách tuyên truyền, khuyến khích DN mua bảo hiểm, Nhà nước có thể xem xét cho phép ngân hàng hỗ trợ lãi suất nhằm giảm chi phí cho DN.

Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro kỹ thuật, Bảo hiểm Bảo Việt

Comments are closed.