Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu – 5

Phần V: Bồi thường và tiến hành thu hồi

Bồi thường và tiến hành thu hồiĐối với công ty bảo hiểm tín dụng mới, trong năm đầu hoạt động thường rất ít khi phát sinh yêu cầu bồi thường. Do đó, khi những khiếu nại bồi thường đầu tiên xuất hiện, Trưởng phòng bồi thường nên trực tiếp tiến hành kiểm tra hồ sơ và ra quyết định, song đồng thời cũng cần phân tích, hướng dẫn và đào tạo để từng bước, các nhân viên trong phòng có thể đảm nhiệm được chức năng đó.

Một số công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu muốn xây dựng bộ phận bồi thường và bộ phận thu hồi độc lập với nhau. Đối với các công ty quy mô nhỏ, việc phân chia chức năng đánh giá rủi ro và chức năng thu hồi bồi thường có thể không cần thiết ở giai đoạn ban đầu, tuy nhiên trong dài hạn thì đây là việc nên làm. 

Tốc độ rất quan trọng trong quá trình xem xét bồi thường. Khi tổn thất đã có đủ cơ sở để tiến hành bồi thường thì nhân viên giám định phải theo dõi mỗi hồ sơ bồi thường đó ngay từ khi nhận được thông báo về việc chậm thanh toán. Họ phải đảm bảo rằng tất cả thông tin chi tiết liên quan đến hồ sơ bồi thường luôn sẵn sàng để người đưa ra quyết định cuối cùng có thể tra cứu nhanh nhất.  

Nhân viên giám định bồi thường cũng phải nắm được những thông tin về những người yêu cầu bồi thường chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình theo đơn bảo hiểm (ví dụ việc cung cấp các báo cáo chính xác, đưa ra mức giới hạn tín dụng hợp lý, thanh toán phí bảo hiểm đúng hạn). Một điểm nữa cũng cần lưu ý là một số khách hàng có thể sửa hồ sơ bồi thường của họ để bảo hiểm cho cả những nghĩa vụ mà họ chưa hoàn thành. 

Nhân viên bồi thường cần cẩn thận trong việc đánh giá hồ sơ bồi thường đồng thời tránh trì hoãn hoặc cho bên mua bảo hiểm biết rằng công ty đang muốn trốn tránh trách nhiệm của mình. Trớ trêu là trên thực tế có không ít công ty bảo hiểm nổi tiếng về việc sử dụng tiểu xảo để tránh phải thanh toán bồi thường. Điều này gây ra hệ lụy cho nhiều công ty bảo hiểm khác trong ngành, khiến cho dư luận cho rằng họ có thể có những động cơ không tốt khi quá thận trọng trong quá trình giải quyết.

Khoản thu hồi được đề cập ở đây liên quan đến khoản nợ chưa thanh toán đúng hạn đối với nhà xuất khẩu chứ không phải phí bảo hiểm quá hạn, bởi lẽ việc rà soát phí bảo hiểm quá hạn là tâm điểm trong việc tập hợp các khoản nợ, song do bộ phận tài chính và kế toán của công ty bảo hiểm tiến hành. 

Ngoài ra, thu hồi được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là hồ sơ bồi thường chưa được giải quyết trong trường hợp vỡ nợ kéo dài. Khi đó chuyên viên khai thác đóng vai trò giám sát tín dụng tận thu các khoản thanh toán từ người mua ở nước ngoài ngay từ trước khi xảy ra khiếu nại bồi thường. Loại thứ hai là hồ sơ bồi thường đã được giải quyết và chuyên viên khai thác đang muốn thu hồi lại những gì họ có thể thu hồi từ bên nợ xuất khẩu để: 

– Bù đắp số tiền đã trả cho người mua bảo hiểm; 

– Thu hồi khoản cân đối chưa được bảo hiểm cộng với chi phí pháp lý đại diện cho nhà xuất khẩu. 

Mặc dù không có yêu cầu cụ thể đối với trường hợp thứ hai, nhưng hầu hết các công ty bảo hiểm tín dụng đều thu hồi toàn bộ các khoản nợ vì việc này không tốn bất kỳ chi phí hay công sức nào. Điều đó cũng thể hiện cam kết của công ty bảo hiểm tín dụng đối với người mua bảo hiểm. 

Vì vậy một số công ty bảo hiểm tín dụng với thiện ý của mình có thể đại diện cho khách hàng tiền hành đòi nợ từ người mua từ trước khi đơn bảo hiểm có hiệu lực kể cả khi đơn bảo hiểm không quy định ngày hồi tố.

Một số nguyên tắc trong xử lý bồi thường

Thanh toán bồi thường nhanh chóng và công bằng là cơ sở của kinh doanh bảo hiểm. 

• Bảo hiểm tín dụng là loại bảo hiểm nhằm bảo vệ nguy cơ xảy ra tổn thất lớn do đối tác mất khả năng thanh toán. Do vậy, cần phải tạo dựng được niềm tin từ phía khách hàng rằng trong trường hợp rủi ro xảy ra, tiền bồi thường sẽ được thanh toán nhanh chóng và công bằng. 

• Việc thanh toán bồi thường cũng tác động trực tiếp đến lợi nhuận của một tổ chức tín dụng xuất khẩu. Bồi thường và thu hồi cần được quản lý cẩn thận và thực hiện một cách hiệu quả. 

• Quản lý bồi thường cần phải có kiến thức tốt về thương mại, phán đoán đúng đắn, hiểu biết luật pháp hiện hành, khả năng đàm phán tốt và khả năng duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng. 

Thủ tục tiến hành thu hồi

Các thủ tục thu hồi cần được nêu rõ ràng và áp dụng một cách nghiêm ngặt bởi nhà bảo hiểm có thể phải đối mặt với nguy cơ số lượng các vụ kiện tụng tăng lên. Khi giải quyết khiếu nại, tòa án sẽ luôn đòi hỏi việc triển khai phải được áp dụng một cách có hệ thống và chặt chẽ. 

Khi người được bảo hiểm đối mặt với một khoản nợ không thanh toán của người mua thì họ cần phải thực hiện các bước theo quy trình dưới đây: 

– Thông báo cho công ty bảo hiểm tín dụng (theo phương thức đã được quy định trước). Thông thường, các công ty bảo hiểm tín dụng đề nghị khách hàng cung cấp tài liệu theo hai mẫu báo cáo. Loại thứ nhất nêu rõ hàng hóa nào được thanh toán hoặc loại hàng hóa nào chưa được thanh toán theo hợp đồng. Một số đơn bảo hiểm (đôi khi được gọi là đơn bảo hiểm rút gọn) không cần yêu cầu đầu tiên này vì mục đích của việc thu phí bảo hiểm dựa vào doanh số thực tế thường bị giảm cùng với phí bảo hiểm được tính toán trước đó. Loại báo cáo thứ hai là về các khoản thanh toán quá hạn. Trong cả hai trường hợp vừa nêu, khi hết thời hạn thanh toán, nhà xuất khẩu phải thông báo cho công ty bảo hiểm tín dụng về việc chưa nhận được các khoản thanh toán đó. Nguyên nhân của việc trì hoãn có thể chưa xác định được trong giai đoạn này. 

– Chuyên viên đánh giá rủi ro sau khi nhận được báo cáo về khoản nợ quá hạn sẽ gặp bên nợ (đề cập đến lãi suất của nhà xuất khẩu và khả năng ảnh hưởng tới các giao dịch kinh doanh trong tương lai với người mua đó) và yêu cầu thanh toán. Chuyên viên khai thác rủi ro cũng tìm hiểu nguyên nhân từ người mua hoặc từ những nguồn đáng tin cậy khác. 

Những nguyên nhân đó có thể bao gồm các vấn đề liên quan đến giao dịch, cụ thể như: sự thiếu hụt; trì hoãn; thiệt hại; hàng có lỗi; chất lượng kém và những sai sót về hóa đơn, báo cáo, phiếu xuất; phiếu nhận kho; các tài liệu làm cơ sở trong vụ tranh tụng hoặc biện hộ đối với bất kỳ đơn khiếu nại nào. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, hầu hết các công ty bảo hiểm tín dụng sẽ đợi kết quả phân xử của tòa án. Nếu đó là phán quyết nghiêng về nhà xuất khẩu thì công ty bảo hiểm tín dụng sẽ thuận lợi hơn trong việc giải quyết bồi thường.  

Việc không thanh toán có thể cũng bắt nguồn từ các nguyên nhân như: lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, nợ, nguyên nhân chính trị hoặc nợ xấu.  

Nếu trong thời gian tiếp theo, người mua vẫn không có khả năng thanh toán và nguyên nhân của việc không thanh toán này thuộc phạm vi bảo hiểm, thì chuyên viên khai thác rủi ro yêu cầu nhà xuất khẩu phải bồi thường.  

Chuyên viên khai thác rủi ro phải ghi vào một khoản dự phòng bồi thường để chuẩn bị cho các các khoản phải chi trả bồi thường. Quỹ này sẽ được phân bổ tương ứng theo hồ sơ bồi thường nếu các khiếu nại đó nằm trong phạm vi bảo hiểm cần phải thanh toán.

Chuyên viên khai thác rủi ro có trách nhiệm tiếp nhận phản hồi về việc yêu cầu thanh toán từ người mua ở nước ngoài, việc tiến hành thanh toán sẽ quyết định các bước tiếp theo. Người mua có thể chấp nhận khoản nợ và thanh toán ngay hoặc trả góp hoặc nêu ra lời biện hộ (bịa đặt hoặc xác thực) hoặc, trong nhiều hợp, thường là bỏ qua các đề xuất của công ty bảo hiểm tín dụng. 

Công ty bảo hiểm tín dụng cần quyết định sử dụng cơ chế thực thi nào. 

Kiểm soát 

Quá trình kiểm soát được thực hiện trên cơ sở việc lưu giữ hồ sơ về vụ kiện thực tế hoặc có thể xảy ra. 

Việc thực hiện hành động pháp lý đối với người mua cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt mối quan hệ kinh doanh giữa nhà xuất khẩu và khách hàng. Vì vậy, cần phải làm rõ mong muốn của nhà xuất khẩu trong trường hợp này, rất có thể họ muốn tìm một giải pháp khác để tránh được việc tranh tụng trước tòa. Những thông tin như vậy cần được lưu vào hồ sơ của chuyên viên quản lý bồi thường. 

Công ty bảo hiểm tín dụng đôi khi còn được gọi là đối tác tài chính thầm lặng cho nhà xuất khẩu. Điều này được hiểu là khi công ty bảo hiểm tín dụng có góp vốn vào hoạt động kinh doanh của nhà xuất khẩu thì công ty không làm bất cứ việc gì gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh đó. Vì vậy nên hạn chế áp dụng các biện pháp mạnh trong việc thu hồi các khoản thanh toán quá hạn. Bên cạnh đó việc quyết định tiến hành các hành động pháp lý hoặc các biện pháp kiên quyết khác cần được cân nhắc một cách cẩn trọng và nên do các cán bộ quản lý cao cấp của công ty bảo hiểm tiến hành trên cơ sở tham vấn những người có liên quan. 

Thực thi

Quá trình này có thể được thực hiện theo nhiều cách. Đối với những khiếu nại không có tranh chấp, cách thức chủ yếu là tranh tụng. Cho dù hành động này nhằm thu hồi khoản nợ trước bồi thường hoặc thu hồi sau khi thanh toán bồi thường thì quy trình pháp lý cũng tương tự nhau.  

Tranh tụng

Tranh tụng thường tốn kém nhiều chi phí và thời gian, song không phải lúc nào cũng thành công. Đôi khi bên nợ sử dụng những hiểu biết của họ về tình hình trong nước để bác lại đơn khiếu nại, hoặc cũng có thể do sự thiếu hợp tác hay gây khó khăn của chính phủ nước người mua. Trong trường hợp như vậy, cơ quan thực thi quyền lực (luật sư, chánh án của tòa án) cũng như ngân hàng và các cơ quan kiểm soát không phải lúc nào cũng thực hiện đúng công việc của mình và có xu hướng bênh vực cho công dân của họ. 

Mặc dầu những trường hợp này không phải là phổ biến, nhưng các công ty bảo hiểm không nên loại trừ khả năng nó có thể xảy ra khi người ta ít ngờ tới nhất. Tuy nhiên điều này thường gây bất lợi đối với quốc gia của người mua bởi nó sẽ khiến cho các công ty bảo hiểm tín dụng đánh giá về chính phủ cũng như công dân của nước ấy ở mức độ rủi ro cao, từ đó các công ty bảo hiểm có thể sẽ không cung cấp bảo hiểm hoặc nếu có thì cũng áp mức phí bảo hiểm rất cao. 

Thông thường, có thể khởi kiện người nợ tại chính nước của họ thay vì phát lệnh hầu tòa bên ngoài nước của nhà xuất khẩu – điều đó có thể thực hiện được nhưng không thực tế. Do đó, công ty bảo hiểm tín dụng cần có mạng lưới luật sư tại nước ngoài để thực hiện công việc này. Khi có một thành viên Hiệp hội bảo hiểm tín dụng tại chính nước của người mua, thì thành viên đó có thể yêu cầu người nợ thanh toán hoặc đề xuất với một luật sư tin cậy thực hiện việc này. Việc khởi kiện được thực hiện trên cơ sở lợi ích hợp tác của cả 2 bên. Thành viên Hiệp hội không có nghĩa vụ phải thực hiện bất kỳ công việc nào mà họ thấy không có lợi, đặc biệt trong trường hợp bên nợ có thể trở thành một trong các khách hàng của họ.

Công ty bảo hiểm tín dụng tại quốc gia của nhà xuất khẩu do không thông thạo luật pháp và các thông lệ tại quốc gia của người mua nên thường phụ thuộc vào luật sư nước ngoài để tranh tụng. Chi phí tranh tụng thường do công ty bảo hiểm tín dụng chịu, sau đó được phân chia trên cơ sở tỷ lệ phần trăm quy định trong đơn bảo hiểm. 

Một điểm quan trọng đáng lưu ý trong tranh tụng là nhà xuất khẩu ở đây đóng vai trò là nguyên đơn, mặc dù công ty bảo hiểm tín dụng là đơn vị tiến hành tố tụng. Khi công ty bảo hiểm tín dụng đã thanh toán bồi thường cho nhà xuất khẩu thì nhà xuất khẩu cần chuyển quyền và lợi ích cho công ty bảo hiểm tín dụng – bên được hưởng lợi từ vụ kiện hoặc phán quyết. 

Hệ thống chuyển quyền thường được tuân thủ theo luật lệ tại mỗi nước. Khi thực thi việc chuyển quyền, công ty bảo hiểm tín dụng cần phải làm tốt để đảm bảo có thể trở thành chủ nhân đúng nghĩa đối với khoản nợ đó vì nếu không, việc chuyển quyền này sẽ không có ý nghĩa.

Trong bất kỳ vụ kiện tụng nào, công ty bảo hiểm tín dụng đều phải thanh toán trước các khoản án phí. Do vậy nhà bảo hiểm cần phải đảm bảo chắc chắn rằng mình có đầy đủ quyền khởi kiện.

Trọng tài phân xử

Công ty bảo hiểm tín dụng thường đưa ra một điều khoản lựa chọn trong đơn bảo hiểm để áp dụng trong việc phân xử và coi đó như một công cụ giải quyết tranh chấp. Quá trình phân xử diễn ra hoặc giữa công ty bảo hiểm tín dụng và nhà xuất khẩu hoặc giữa nhà xuất khẩu và người mua. Rõ ràng là trong trường hợp thứ hai, người mua phải đồng ý với việc phân xử. 

Lý do có điều khoản này là tại hầu hết các nước việc phân xử bằng trọng tài được coi là biện pháp ít tốn kém, nhanh chóng và chính xác hơn tranh tụng. Người phân xử thường có kiến thức chuyên môn về thương mại khi tranh chấp xảy ra còn quan tòa thường không có kiến thức chuyên môn đó.   

Hòa giải

Đây là một hình thức giải quyết tranh chấp, thường là phương pháp cứu cánh trong trường hợp xảy ra bất đồng. Nếu quốc gia của công ty bảo hiểm tín dụng không bổ sung cơ chế này thì giá trị hiệu lực của nó không được đảm bảo. 

Hành động trực tiếp

Công ty bảo hiểm tín dụng có thể thực hiện nhiều hành động mà không có sự hỗ trợ của luật sư, đó có thể là: 

– Tham dự tòa án giải quyết trường hợp bên mua mất khả năng thanh toán để chứng minh vụ tổn thất đối với một công ty phá sản. 

– Nhấn mạnh với bên nợ tầm quan trọng chiến lược của công ty bảo hiểm tín dụng trong hoạt động kinh doanh giữa nhà xuất khẩu và bên nợ. Cảnh báo rằng việc không hợp tác có thể khiến cho mối quan hệ trong tương lai của họ với nhà xuất khẩu bị tổn hại nghiêm trọng.   

– Yêu cầu các khoản thanh toán bảo lãnh hoặc các khoản đảm bảo khác mà bên nợ cam kết với nhà xuất khẩu.

– Không cung cấp bảo hiểm cho người mua không chịu hợp tác, do đó các hoạt động mua bán của họ sẽ bị ngăn cản cho đến khi thanh toán hết khoản nợ còn tồn đọng. 

Sự thu hồi chưa được báo cáo 

Điều này có thể xảy ra trong trường hợp công ty bảo hiểm tín dụng nỗ lực thu hồi khoản tiền từ bên nợ, nhưng bên nợ sau đó lại lựa chọn trả trực tiếp cho nhà xuất khẩu. Điều quan trọng là tất cả các đơn bảo hiểm phải quy định tình huống này, nếu không công ty bảo hiểm tín dụng sẽ phải thanh toán và mất khoản thu hồi đó. 

Một công ty bảo hiểm tín dụng mới cần xem xét kỹ khi tiến hành thu hồi. Những điểm đáng lưu ý là: 

– Bảo hiểm cho lãi suất trên khoản nợ còn tồn đọng. Một số công ty bảo hiểm không bảo hiểm cho khoản lãi suất này. Một số công ty bảo hiểm tín dụng khác áp dụng với điều kiện nhà xuất khẩu phải đóng thêm phí bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm tín dụng khác có thể vẫn cung cấp bảo hiểm cho lãi suất theo khoản nợ chính cũng như lãi suất tín dụng dồn lại theo hợp đồng, nhưng không phải là lãi suất quá hạn. Công ty bảo hiểm tín dụng có thể thanh toán khoản lãi trong thời hạn chờ giải quyết bồi thường, trường hợp không có khả năng thanh toán trong khoảng 30 ngày hoặc có thể kéo dài 9 tháng. Rõ ràng dù áp dụng trường hợp nào thì đều nhằm mục đích thu hồi khoản tiền từ bên nợ. 

– Cần phải quy định rõ ai là người phải chịu các chi phí phát sinh từ những hành vi phát sinh tổn thất. Ví dụ, công ty bảo hiểm tín dụng có phải thanh toán chi phí mà nhà xuất khẩu phải chịu trong việc yêu cầu hoặc sử dụng các công cụ đảm bảo mà công ty bảo hiểm tín dụng đã thực hiện. Trong một số trường hợp các nhà xuất khẩu chịu chi phí để chứng minh với công ty bảo hiểm tín dụng rằng họ có khiếu nại tổn thất. Việc này có thể nhờ sự giúp đỡ của các luật sư. Vậy ai là người thanh toán cho chi phí này? 

– Điều gì xảy ra khi nhà xuất khẩu không hoàn thành hợp đồng do người mua không có khả năng thanh toán và công việc theo hợp đồng đã đang được tiến hành? Nếu đơn bảo hiểm trước vận chuyển tồn tại, thì không có vấn đề gì cần phản bàn. Nhưng vấn đề sẽ nảy sinh nếu đơn bảo hiểm đó chỉ bảo hiểm cho hàng hóa sau khi vận chuyển. Điều gì xảy ra khi giá trị tiền tệ nước ngoài biến động ảnh hưởng xấu đến nhà xuất khẩu? Nhiều công ty bảo hiểm tín dụng loại trừ những tổn thất tỷ giá hối đoái, tuy nhiên một số vẫn cung cấp bảo hiểm cho những tổn thất đó. 

Trong trường hợp người mua không trả nợ, công ty bảo hiểm tín dụng thường yêu cầu nhà xuất khẩu giảm thiểu tổn thất bằng việc tìm người khác mua hàng hóa đó hoặc đưa hàng hóa đó trở về nơi xuất xứ. Nhà xuất khẩu đòi bồi thường khoản tổn thất thực sau khi bán lại. Công ty bảo hiểm tín dụng cần đảm bảo rằng nhà xuất khẩu cố gắng bán được với giá cao nhất cho hàng hóa mà không được bán phá giá. Nếu điều đó xảy ra, sẽ không có khả năng thu hồi từ người mua ban đầu. 

Tất cả các đơn bảo hiểm đều đặt ra mức trách nhiệm tối đa cho công ty bảo hiểm tín dụng, vì nếu không quy định như vậy, rất có thể các vụ bồi thường của nhà xuất khẩu sẽ được mở rộng một cách bất hợp lý, vượt quá tỷ lệ của đơn bảo hiểm gốc.

Công ty bảo hiểm tín dụng phải gánh chịu các khoản chi phí hành chính trong việc khởi kiện bên nợ. Những chi phí này không thuộc chi phí pháp lý và nhà bảo hiểm thường không thể thu hồi. 

Để hạn chế hoặc tránh tổn thất, người mua bảo hiểm phải thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi bảo hiểm của cả công ty bảo hiểm tín dụng cũng như của chính họ. Một số công ty bảo hiểm tín dụng quy định rằng khi người mua bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng thì công ty bảo hiểm tín dụng sẽ từ chối trách nhiệm của họ, hoặc trong một số trường hợp, sẽ khấu trừ số tiền bồi thường.  

Cuối cùng, tất cả công ty bảo hiểm tín dụng đều yêu cầu người mua bảo hiểm phải tuân thủ đúng các quy định về khai báo và hạch toán. Người mua bảo hiểm phải lưu lại hồ sơ kế toán và trình bày thông tin một cách rõ ràng theo yêu cầu để xác định mức độ tổn thất. Thêm vào đó, trong trường hợp xảy ra bồi thường, công ty bảo hiểm tín dụng có thể hỏi và tiếp cận hồ sơ liên quan đến giao dịch được bảo hiểm. Điều đó có thể giúp các công ty bảo hiểm tín dụng kiểm tra xem sự chính xác của các báo cáo cũng như việc thực hiện các chức năng của nhà xuất khẩu như đã nêu trong giấy yêu cầu gốc thông qua vận chuyển, kiểm soát tín dụng, lịch sử nợ, vv… 

Webbaohiem. 

Comments are closed.