Bảo hiểm tín dụng còn quá xa vời

Dù là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản nhưng đến nay bảo hiểm tín dụng xuất khẩu còn khá mới lạ với nhiều doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam quen xuất khẩu nhỏ lẻ, chỉ thấy cái lợi trước mắt chứ chưa quan tâm đến lợi ích lâu dài.
Chưa kể có doanh nghiệp cho rằng nếu tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ làm đội chi phí sản xuất.
Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh tình trạng hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu bị đối tác nước ngoài quỵt nợ. Theo các chuyên gia, để né tình trạng này, doanh nghiệp cần tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Tuy nhiên, loại hình bảo hiểm này hiện rất ít doanh nghiệp biết đến và tham gia rất ít. Thị trường bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hiện chủ yếu do công ty bảo hiểm nước ngoài nắm giữ.

Doanh nghiệp không mặn mà

Một trong những giải pháp để doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế được rủi ro là tham gia bảo hiểm tín dụng. Ông có thể nói rõ hơn về hình thức bảo hiểm này?

Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính: Hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hiện chưa phổ biến tại Việt Nam. Cụ thể khi một doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang một nước khác, nếu mua bảo hiểm tín dụng thì công ty bảo hiểm sẽ đảm bảo tín dụng trong trường hợp đối tác nước ngoài không trả tiền do khủng hoảng tài chính, phá sản, giải thể… Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm điều tra về thị trường, về doanh nghiệp nhập khẩu về khả năng tài chính, độ tín nhiệm… để báo cáo lại cho nhà xuất khẩu. Hiện nay, chủ yếu việc mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đang là tự nguyện. Các doanh nghiệp xuất khẩu tự có thỏa thuận với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Dù là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản nhưng đến nay bảo hiểm tín dụng xuất khẩu còn khá mới lạ với nhiều doanh nghiệp.

Ông có thể nêu rõ hơn khi tham gia bảo hiểm tín dụng thì doanh nghiệp có thể tránh được rủi ro ra sao?

Doanh nghiệp xuất khẩu đi vay tiền ngân hàng để sản xuất hàng xuất khẩu, nếu nhà nhập khẩu không có khả năng thanh toán thì công ty bảo hiểm sẽ trả cho nhà xuất khẩu. Có trường hợp nhà nhập khẩu đủ khả năng trả nhưng trả chậm so với cam kết thì doanh nghiệp bảo hiểm ứng tiền trước cho nhà xuất khẩu. Như tôi đã nói, hiện nay phí bảo hiểm do doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau nên mức bảo hiểm sẽ dựa trên giá trị hợp đồng đã ký kết.

Dù hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đã được Bộ Tài chính đưa ra thảo luận, lấy ý kiến trong vài năm gần đây nhưng đến nay doanh nghiệp chưa mấy mặn mà với hình thức này. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

Trước đây nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ thành lập công ty bảo hiểm tín dụng thuộc nhà nước nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Sau khi nghiên cứu thị trường bảo hiểm nước ngoài mới thấy mình không đủ khả năng thành lập một công ty như thế. Lý do muốn thành lập phải cần nhiều vốn, bộ máy cồng kềnh… Một lý do nữa là bản thân doanh nghiệp xuất khẩu chưa mặn mà với hình thức bảo hiểm này. Ngay cả việc bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp cũng chưa mặn mà chứ chưa nói đến bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Đến nay tỉ lệ bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu rất thấp, chỉ chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Doanh nghiệp Việt Nam quen xuất khẩu nhỏ lẻ, chỉ thấy cái lợi trước mắt chứ chưa quan tâm đến lợi ích lâu dài. Chưa kể có doanh nghiệp cho rằng nếu tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ làm đội chi phí sản xuất.

Bảo hiểm nước ngoài ăn trọn

Hiện tại doanh nghiệp xuất khẩu muốn tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu phải thông qua nước ngoài, thưa ông?

Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn làm với doanh nghiệp bảo hiểm lớn như Bảo Việt, Bảo Minh… Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên sau khi thỏa thuận hợp đồng, công ty bảo hiểm trong nước sẽ chuyển cho công ty bảo hiểm nước ngoài thực hiện. Công ty bảo hiểm trong nước chỉ giữ lại 3%-5% giá trị hợp đồng.

Thưa ông, hiện hiệp hội ngành hàng nào thực hiện tốt bảo hiểm tín dụng xuất khẩu?

Thống kê từng ngành hàng thì hiện tại chúng tôi chưa có số liệu đầy đủ vì con số doanh nghiệp tham gia rất ít, doanh nghiệp lại tự thỏa thuận với nhau. Dự kiến năm 2010, Bộ Tài chính sẽ có thống kê đầy đủ từng mặt hàng, từng loại phí bảo hiểm.

Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng

Năm 2002, Thủ tướng có quyết định cho phép các hiệp hội ngành hàng thành lập quỹ bảo hiểm xuất khẩu với mục đích hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu gặp rủi ro về thị trường… Nguồn vốn chủ yếu của quỹ từ 1% doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Hiệp hội Cao su Việt Nam có quỹ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và hoạt động tương đối hiệu quả.

Theo Trung Hiếu VnEconomy
CafeF

Comments are closed.