Bảo hiểm tiền gửi VN không đáp ứng được nếu có 2 NH đổ vỡ !

Tuy nhiên, 1 số chuyên gia độc lập cho rằng xác suất xảy ra đổ vỡ với NH ở VN là rất nhỏ.
Tóm tắt:
– Phí BHTG 0,15% và hạn mức bảo hiểm 50 triệu đồng được cho là không còn phù hợp.
– Quy mô nguồn vốn quỹ hiện tại của BHTGVN không đảm bảo đáp ứng xử lý nếu có 2 ngân hàng quy mô trung bình đổ vỡ.
– Hình thức BHTG phân biệt dựa trên loại hình sở hữu phù hợp vì Việt Nam đang thực hiện CPH các NHTM Nhà nước và phí phân biệt theo loại hình sở hữu không phản ánh được rủi ro của từng nhóm NH.
– Tuy nhiên, một số chuyên gia độc lập cho rằng rủi ro xảy ra đổ vỡ của NH tại Việt Nam là rất nhỏ

Sáng ngày 23/8/2011 Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức hội thảo Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm lấy ý kiến để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam.

BHTG hiện đang có 2 phương pháp thu phí đó là: Phí BHTG đồng hạng ở mức 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân và phí điều chỉnh theo mức độ rủi ro.

Theo thống kê, tổng số phí BHTG thu được từ các tổ chức tham gia BHTG đến hết năm 2010 là 4.484 tỷ đồng, số thu phí hằng năm tăng trung bình trên 20%. Từ năm 2004, 100% nguồn thu phí bảo hiểm được bổ sung vào Quỹ nghiệp vụ BHTG của BHTGVN.

Ông Bùi Khắc Sơn – TGĐ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, vấn đề phí BHTG và hạn mức BHTG có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ người gửi tiền, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng nhưng cả 2 quy định này hiện đều đang có nhiều vấn đề phải tính lại

Chẳng hạn, quy định về số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người gửi tiền (một cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật) tại một tỏ chức tham gia BHTG thuộc đối tượng quy định, tối đa là 50 triệu đồng đã không còn phù hợp.

Theo ông Sơn, tỷ lệ lạm phát tích lũy từ năm 2005 đến năm 2010 là 50%, thu nhập quốc dân tính theo đầu người tăng gấp 2,2 lần so với năm 2005. Hạn mức hiện tại chỉ tương đương 2,2 lần GDP bình quân đầu người.

Về phí bảo hiểm thì tỷ lệ phí cố định ở mức thấp trong bối cảnh tiền gửi bảo hiểm tăng trưởng nhanh trong thời gian qua.

Vì vậy, tỷ lệ tổng nguồn vốn/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm của BHTGVN giảm dần theo từng năm trong giai đoạn 2005 – 2010 từ 1,07% xuống khoảng 0,8%.

Ông Sơn chia sẻ, với quy mô nguồn vốn quỹ hiện tại của BHTGVN không đảm bảo đáp ứng xử lý nếu có 2 ngân hàng quy mô trung bình đổ vỡ.

Được biết, năm 2004 một số chuyên gia tư vấn đã đề xuất áp dụng hệ thống BHTG phân biệt dựa trên loại hình sở hữu.

Nhưng ông Sơn cho rằng, đề xuất trên không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cổ phần hóa NHTM Nhà nước và phí phân biệt theo loại hình sở hữu không phản ánh được rủi ro của từng nhóm ngân hàng, không đảm bảo nguyên tắc tổ chức có rủi ro cao phải nộp phí cao hơn và ngược lại.

Do đó, nhiều chuyên gia đã đề xuất trong Luật khung hạn mức chi trả tiền bảo hiểm cao hơn mức 50 triệu đồng cần phải được quy định tại cơ sở pháp lý hiện hành.

Đặc biệt, phải xác định rõ thẩm quyền điều chỉnh hạn mức BHTG theo hướng điều chỉnh hạn mức trong biên độ giới hạn của khung: trong một số trường hợp như lạm phát cao trong thời gian dài, thu nhập quốc dân bình quân đầu người tăng cao, thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh hạn mức trong khung quy định tại Luật trên cơ sở đề nghị của tổ chức BHTG sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và NHNN.

Bên cạnh đó cần điều chỉnh khung hạn mức ngoài biên độ giới hạn của khung: trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc trường hợp bất thường khác, Chính phủ trình chủ trương, Ủy ban thường vụ quốc hội quyết định việc thay đổi hạn mức ngoài khung hoặc chuyển sang chi trả không giới hạn.

cafef.vn

Comments are closed.