ND – Cuộc suy thoái kinh tế thế giới trầm trọng năm vừa qua, mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính, đã tác động đến hệ thống tài chính, ngân hàng ở nước ta. Ðể bảo đảm sự phát triển ổn định, việc sử dụng hiệu quả các công cụ giám sát tài chính, trong đó có bảo hiểm tiền gửi là một trong những nhu cầu khách quan. Bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền là một trong những mục tiêu Chính phủ quan tâm để bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và chính sách an sinh xã hội.
Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam là định chế tài chính Nhà nước do Chính phủ thành lập. Qua mười năm hoạt động, BHTG Việt Nam đã chứng minh là một công cụ tài chính hữu hiệu của Nhà nước trong việc bảo vệ người gửi tiền, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng. Hiện nay, BHTG Việt Nam thực hiện bảo vệ quyền lợi cho hàng chục triệu người gửi tiền tại hơn 1.000 tổ chức tín dụng và số lượng tổ chức tham gia BHTG ngày một tăng lên. BHTG là một kênh quan trọng cùng với các cơ quan giám sát tài chính khác trong mạng an toàn tài chính quốc gia thực hiện việc bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
BHTG Việt Nam đã thực hiện giám sát, kiểm tra định kỳ 100% các tổ chức tham gia BHTG. Chất lượng hoạt động giám sát, kiểm tra từng bước được nâng cao, kiểm soát hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng, góp phần giám sát, cảnh báo rủi ro tiềm ẩn và việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động ngân hàng và thực hiện chính sách BHTG, thúc đẩy các tổ chức tín dụng củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ tài chính được thử nghiệm triển khai và đạt kết quả bước đầu. Ðây là một nghiệp vụ nhằm hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG gặp vấn đề được tiếp cận nguồn vốn, ngăn ngừa tình trạng đổ vỡ do thiếu vốn tạm thời, giảm rủi ro phải chi trả cho người gửi tiền. Trong thực tiễn, một số quỹ tín dụng bên bờ vực đổ vỡ, nhờ có sự hỗ trợ tài chính của BHTG Việt Nam đã hoạt động ổn định trở lại.
Việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm cũng là một nghiệp vụ thiết thực, trực tiếp bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ, tổ chức BHTG Việt Nam sẽ thay mặt Nhà nước đứng ra chi trả tiền gửi cho người gửi tiền với số tiền 50 triệu đồng cho mỗi khoản tiền gửi được bảo hiểm tại một tổ chức tín dụng. Số tiền gửi vượt quá 50 triệu đồng sẽ chi trả trong quá trình thanh lý tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế nước ta hội nhập một cách sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì khu vực tài chính ngân hàng là khu vực chịu sự tác động mạnh mẽ nhất. Hệ thống tài chính ngân hàng đã có sự đổi mới mạnh mẽ cả về quy mô và số lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu của sự hội nhập. Quá trình cổ phần hóa và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đã và đang được thúc đẩy với tiến độ nhanh chóng để phù hợp với lộ trình và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia về việc mở cửa dịch vụ tài chính. Trước sự phát triển mạnh mẽ đó, chính sách BHTG đã thể hiện một số những bất cập và cần có sự điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường tài chính.
Cơ sở hạ tầng pháp lý cho hoạt động BHTG còn yếu và chưa đồng bộ so với nhiệm vụ của BHTG Việt Nam và thông lệ quốc tế. Ðiều đó ảnh hưởng hiệu quả thực hiện chính sách BHTG thông qua việc triển khai một số hoạt động nghiệp vụ. Hạn mức chi trả tiền gửi hiện nay là thấp. Theo thông lệ quốc tế, hạn mức chi trả tiền gửi được tính gấp từ 6 đến 10 lần GDP. Với tính toán hiện nay thì hạn mức chi trả tiền gửi tại Việt Nam cần tăng lên 200 triệu đồng cho mỗi khoản tiền của mỗi cá nhân tại một tổ chức tín dụng. Hạn mức chi trả tiền gửi thấp sẽ ảnh hưởng đến việc tạo dựng niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng. Năng lực tài chính của BHTG Việt Nam còn yếu, chưa tương xứng trách nhiệm bảo vệ người gửi tiền, khó khăn cho tổ chức trong việc mở rộng phạm vi, đối tượng bảo hiểm và các hoạt động nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế. Một yêu cầu khách quan đặt ra là cần tăng cường năng lực tài chính cho tổ chức BHTG Việt Nam.
Theo thông lệ quốc tế, trong giai đoạn mới thành lập thì tổ chức BHTG nên áp dụng mức phí đồng hạng cho tất các các tổ chức tham gia BHTG, sau đó chuyển sang áp dụng mức phí trên cơ sở rủi ro. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng mức phí đồng hạng. Và phương pháp tính phí đó đã thể hiện bất cập như không bảo đảm nguyên tắc và kỷ cương thị trường. Vì vậy, việc nghiên cứu áp dụng mức phí trên cơ sở rủi ro là cần thiết. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của BHTG Việt Nam cũng bộc lộ một số bất cập như chưa tạo được tính độc lập, chủ động của tổ chức trong việc triển khai nhiệm vụ. Trên thế giới hiện nay, mô hình tổ chức BHTG phổ biến là mô hình giảm rủi ro, trong khi đó BHTG Việt Nam là mô hình giảm rủi ro không đầy đủ, do có một số chức năng còn khuyết thiếu.
Hoạt động BHTG góp phần tích cực bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, bảo đảm an sinh xã hội theo đường lối của Ðảng và chỉ đạo của Chính phủ. Tổ chức BHTG có vai trò quan trọng trong việc củng cố, nâng cao niềm tin công chúng, góp phần quan trọng cùng hệ thống tài chính, ngân hàng vượt qua khó khăn và đi vào ổn định. Xây dựng cơ sở pháp lý, phát triển tổ chức BHTG theo thông lệ quốc tế và thực tiễn nước ta là điều kiện cần thiết để đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ, phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Tính đến cuối tháng 6-2009, BHTG Việt Nam đã thực hiện chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho hơn 1.500 người gửi tiền tại hơn 36 quỹ tín dụng nhân dân với tổng số tiền gần 19 tỷ đồng. Việc trực tiếp chi trả tiền gửi được bảo hiểm tạo được niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, tránh hiện tượng người dân đổ xô đi rút tiền, có thể gây ra sự đổ vỡ dây chuyền.
|
TS BÙI KHẮC SƠN
Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Nguồn Nhân Dân
Comments are closed.