Bảo hiểm thu nhập của doanh nghiệp: 10 yếu tố thường bị bỏ sót

(Webbaohiem) – Cuối năm là thời điểm phù hợp để đại lý và môi giới bảo hiểm nhìn lại hợp đồng bảo hiểm của các khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là bảo hiểm thu nhập từ hoạt động kinh doanh.

Theo ông Jerry Milton, chuyên gia tư vấn được chứng nhận về bảo hiểm (CIC) của Hoa Kỳ kiêm giảng viên tại CISR và CIC, cần hết sức lưu ý tới những sửa đổi bổ sung dưới đây vì mặc dù chúng khá quan trọng nhưng lại thường bị bỏ sót. Việc bỏ sót này có thể dẫn tới phát sinh thêm khiếu nại bảo hiểm và làm tăng trách nhiệm của đại lý, môi giới trong trường hợp xảy ra tổn thất.

Những sửa đổi bổ sung dưới đâylà một phần bài trình bày của Jerry Milton tại buổi hội thảo trên nền web (webminar) có tựa đề “Hỏi đáp về các sản phẩm bảo hiểm thương mại” do công ty Insurance Agents & Brokers tổ chức.

Sửa đổi bổ sung 1: Bảo hiểm cho giai đoạn phục hồi sau tổn thất 

Doanh nghiệp thường không đánh giá đúng mức về khoảng thời gian cần thiết để trở lại hoạt động kinh doanh như trước khi xảy ra tổn thất, thậm chí trong cả những trường hợp rủi ro đơn giản như mái nhà bị dột.Nếu tổn thất có quy mô lớn hơn – chẳng hạn do hậu quả của bão hoặc hỏa hoạn – thì riêng việc thu dọn đống đổ nát và bàn giao mặt bằng cho sửa chữa cũng có thể kéo dài hàng tháng. 

Dưới đây là bảng minh họa của Milton về thời gian cần thiết để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau tổn thất:

Thu dọn đống đổ nát và bàn giao mặt bằng

2 – 3 tháng

Xin cấp phép sữa chữa/ xây dựng

3 – 4 tháng

Xây dựng lại

7 – 12 tháng (hoặc dài hơn tùy vào mức độ phức tạp của công trình)

Thay thế máy móc

2 – 18 tháng

Thời gian để khôi phục doanh thu như trước khi rủi ro xảy ra (tính từ khi bắt đầu sản xuất kinh doanh bình thường trở lại)

0 – 12 tháng

Ông Milton nhấn mạnh rằng từ khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất kinh doanh trở lại, phải cần tới một năm hoặc hơn để đạt được mức doanh thu như trước khi tổn thất. Trong giai đoạn này, nên có bảo hiểm gián đoạn kinh doanh với thời hạn có thể đến 2 năm.Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý tới thời gian và mức trách nhiệm bảo hiểm ghi trên hợp đồng sao cho phù hợp.
Sửa đổi bổ sung 2: Tăng hạn mức trách nhiệm bồi thường đối với những tháng cao điểm 
Theo ông Milton, nếu hợp đồng bảo hiểm quy định hạn mức trách nhiệm theo tháng thì cần chắc chắn rằng các hạn mức này phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, một đơn có giá trị bảo hiểm 400.000 USD và ghi rõ hàng tháng chi trả 1/4 số tiền bồi thường.Như vậy, khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp có thể được nhận 100.000 USD/tháng trong vòng 4 tháng. Số tiền này có thể đủ bù đắp thu nhập cho một công ty bán lẻ bị tổn thất trong tháng 3, nhưng sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng so với thu nhập của công ty đó nếu tổn thất xảy ra trong các tháng 11 và 12.
Milton cũng đưa ra lời khuyên các nhà môi giới nên lưu tâm tới giải pháp đồng bảo hiểm, cho dù điều này là rất khó khăn.
“Nếu hạn mức trách nhiệm trong hợp đồng là phù hợp và lại có đồng bảo hiểm thì đây là phương cách tốt nhất để bù đắp được toàn bộ tổn thất”, ông nói.
Sửa đổi bổ sung 3: Kéo dài thời gian bồi thường 
Sau tổn thất, doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh trở lại nhưng phải mất khoảng thời gian nhất định mới có thể khôi phục được doanh thu/ lợi nhuận như ban đầu.
Phần lớn các hợp đồng bảo hiểm thu nhập hiện đang sử dụng mẫu đơn ISO, theo đó nhà bảo hiểm chỉ tiếp tục bồi thường rủi ro gián đoạn kinh doanh cho thời gian tối đa 60 ngày sau khi doanh nghiệp mở cửa trở lại. Tuy nhiên mức bồi thường như vậy thường không đủ để bù đắp thiệt hại nên doanh nghiệp cần cân nhắc tới việc kéo dài thời gian bồi thường.
 
Với sửa đổi bổ sung này, thời gian bồi thường có thể kéo dài từ 60 ngày lên 730 ngày – tương đương 2 năm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kéo dài thời gian bồi thường chỉ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mua thêm số ngày có thể được bảo hiểm chứ không có nghĩa là được nhận thêm tiền bồi thường.Để việc kéo dài thời gian kể trên có ý nghĩa, doanh nghiệp cần đóng thêm phí bảo hiểm cho phần trách nhiệm phát sinh.
Việc nhận tiền bồi thường của doanh nghiệp sẽ chấm dứt nếu một trong ba sự kiện sau đây xảy ra: doanh thu hoặc lợi nhuận trở lại mức như trước khi tổn thất, hạn mức trách nhiệm bảo hiểm đã hết, hoặc số ngày được bảo hiểm đã hết.Vì vậy, cần đảm bảo rằng hạn mức trách nhiệm của hợp đồng đủ lớn để có thể trang trải được cho giai đoạn đóng cửa và thời gian phục hồi sau tổn thất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng như nhà môi giới cần xem xét liệu đơn bảo hiểm chủ doanh nghiệp (BOP) đã đáp ứng đủ nhu cầu bảo hiểm hay chưa.
Theo ông Milton, ban đầu đơn BOP được thiết kế dành cho doanh nghiệp nhỏ và chỉ có một cơ sở sản xuất kinh doanh.Trong trường hợp này, giai đoạn bồi thường 12 tháng là phù hợp với cả doanh nghiệp và nhà bảo hiểm.
Tuy nhiên hiện nay nhiều hãng bảo hiểm đã mở rộng diện bảo hiểm và nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh, không chỉ ở một địa điểm như trước đây.Vì lẽ đó, giới hạn bồi thường 12 tháng không đáp ứng được nhu cầu bảo hiểm của các doanh nghiệp quy mô lớn.Đây là điểm mà nhà môi giới cần tính tới trong quá trình tư vấn cho khách hàng.
Sửa đổi bổ sung 4: Bảo hiểm tiền lãi trong hợp đồng thuê 
Theo ông Milton, không nhiều người hiểu đầy đủ về sửa đổi bổ sung này và vì vậy rất hiếm giao dịch được thực hiện. Trên thực tế, nhà môi giới thường ít khi hỏi khách hàng về điều khoản trong các hợp đồng thuê.
Mục tiêu của sửa đổi bổ sung này là nhằm bù đắp giá trị còn lại của hợp đồng thuê trong trường hợp bị chấm dứt đột ngột do tổn thất. 
Để minh họa, ông Milton đưa ra ví dụ: Một người thuê nhà tại khu văn phòng thương mại thông qua hợp đồng thuê 20 năm với mức phí thuê hấp dẫn đã được ấn định. Người thuê nhà bỏ ra một khoản tiền lớn để cải tạo và nâng cấp căn nhà, số tiền này sau đó được phân bổ vào chi phí hàng năm trong vòng 20 năm. Nhưng 5 năm sau, tòa nhà gặp phải một tổn thất lớn khiến cho chủ nhà thu hồi lại căn nhà cho thuê và chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, người thuê nhà bị mất 15 năm khấu hao chi phí đồng thời không có chỗ ở. Trong trường hợp này, sửa đổi bổ sung “Bảo hiểm tiền lãi trong hợp đồng thuê” sẽ bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người thuê nhà, gồm chi phí cải tạo nhà và chi phí tìm kiếm chỗ ở mới, như: phí đại lý, chi phí thuê nhà tăng lên tương ứng với căn nhà đã cải tạo, khoản tiền nâng cấp căn nhà…
Hết Phần 1.Mời các bạn đón đọc tiếp Phần 2.
Trần Lâm (Theo Propertycasualty360).
{fcomment}

Comments are closed.