(VH)- Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một loại hình bảo hiểm có từ lâu trên thế giới, đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước, nhất là ở các nước phát triển.
Ở nước ta đến năm 2006 khi Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành đã có quy định về bảo hiểm thất nghiệp. Thực hiện BHTN, người lao động sẽ yên tâm hơn hẳn nếu mất việc làm bởi những hỗ trợ rất ưu việt của BHTN đem lại.
Người lao động hưởng lợi
Theo quy định thì mức đóng BHTN được tính như sau: người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương, tiền công tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng và Nhà nước sẽ hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.
So với trợ cấp thôi việc, mất việc trước đây, BHTN có lợi hơn rất nhiều, nhất là đối với người lao động và doanh nghiệp. Ví dụ như với mức lương trung bình là 2 triệu đồng, hằng tháng một lao động chỉ phải trích nộp BHTN là 20.000 đồng. Đóng đủ 12 tháng trở lên trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động sẽ được hưởng 60% mức lương bình quân trong 3 tháng. Nếu trừ 240.000 đồng (tổng số phải đóng trong 12 tháng) thì họ vẫn nhận về hơn 3,3 triệu đồng. Ngoài ra, nếu lao động có thời gian đóng BHTN dài hơn, tiền trợ cấp BHTN được hưởng sẽ lớn hơn. Trong khi đó, theo chế độ trợ cấp mất việc thì NLĐ chỉ được hưởng mỗi năm làm việc là một nửa tháng lương và không được hưởng bất cứ chế độ gì khác.
Tính ưu việt của BHTN so với trợ cấp thôi việc và mất việc thể hiện ở chỗ, người lao động tham gia BHTN không chỉ được đảm bảo trợ cấp bằng tiền để trang trải cho cuộc sống của mình mà còn được hưởng BHYT. Khoản chi phí này cũng rất lớn nếu không may người lao động thất nghiệp bị ốm đau thì mọi chi phí khám chữa bệnh sẽ được bảo hiểm y tế chi trả, ngoài ra còn được hỗ trợ tìm việc và đào tạo nghề. Do đó, nếu xét về phương diện kinh tế thì chế độ trợ cấp thất nghiệp có lợi hơn chế độ trợ cấp thôi việc.
Theo Nghị định 127/2008/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về thất nghiệp thì các đơn vị có sử dụng từ 10 lao động Việt Nam trở lên, có HĐLĐ từ 12 tháng sẽ phải đóng BHTN. Người lao động sẽ được hưởng BHTN khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt HĐLĐ; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động. Ngoài BHTN, người lao động còn được hỗ trợ học nghề miễn phí, tìm việc làm và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng BHTN.
Doanh nghiệp “lách” luật
Sau gần một năm bắt buộc tham gia BHTN, tình trạng lách luật, trốn đóng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp. Theo những quy định hiện hành, chủ sử dụng lao động có thể trốn đóng BH bằng cách ký hợp đồng ngắn hạn với người lao động. Tuy luật pháp không cho phép việc liên tục ký hợp đồng ngắn hạn như vậy nhưng do việc thực thi pháp luật chưa hoàn toàn được thực hiện nghiêm túc nên tình trạng này vẫn xảy ra. Nhiều công ty chỉ ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn cho các nhân viên ở một số vị trí quan trọng như trưởng phòng, kế toán, thủ quỹ và một số người gắn bó lâu dài với công ty… Rất nhiều lao động chỉ được ký hợp đồng thời vụ cho dù công việc không có tính thời vụ, mà họ đã làm và gắn bó nhiều năm.
Một thực tế khác là nhiều DN khi tuyển dụng lao động không giao kết HĐLĐ hoặc có giao kết nhưng không đưa một bản cho NLĐ giữ như luật định. Thậm chí, có những công nhân chỉ trong khoảng 5-7 năm mà đã phải thay đổi công việc đến 4-5 lần. Chừng ấy lần thay nơi làm việc mà vẫn chưa một lần biết “mặt mũi” hợp đồng lao động ra sao. Đến khi NLĐ nghỉ việc hoặc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ, sa thải, DN cũng không ra quyết định, không chốt sổ BHXH hoặc làm thủ tục xác nhận quá trình tham gia BHXH cho NLĐ. Gặp những trường hợp này, nếu NLĐ có khiếu nại buộc DN có các quyết định trên, nhưng nếu thời gian khiếu nại, khiếu kiện quá lâu (dài hơn mức 7 ngày theo quy định mà NLĐ phải đăng ký kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng TCTN thì quyền lợi của NLĐ vẫn bị thiệt thòi.
Thêm vào đó còn phải kể tới một vài khó khăn mà người lao động sẽ vấp phải như: sau khi thất nghiệp đã đăng ký với tổ chức bảo hiểm xã hội, và đã được tổ chức bảo hiểm xã hội 2 lần giới thiệu việc làm nhưng không đồng ý hoặc không phù hợp, nếu người lao động không làm hoặc không ưng ý với công việc đó, sẽ bị cắt trợ cấp thất nghiệp. Vậy nếu không có quy định hoặc có hình thức áp đặt cho hình thức giới thiệu việc làm đó thì phần lớn là sự thiệt thòi và bất lợi sẽ thuộc về người lao động, người làm công ăn lương. Vì vậy, khi bị mất việc NLĐ có nguy cơ mất quyền lợi về trợ cấp TN. Do đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về lao động cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách lao động. Cần phải kiên quyết hơn trong việc truy thu tiền bảo hiểm và có những biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp tìm cách “lách luật” trốn đóng BHTN. Đưa ra các mức xử phạt đủ nặng nhằm ràng buộc trách nhiệm đóng BH hơn nữa của các doanh nghiệp.
Thượng Am
Comments are closed.