Bảo hiểm thất nghiệp đồng hành với người lao động

BHTN đã thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của doanh nghiệp và người lao động - Ảnh minh họa(Chinhphu.vn) – Xây dựng phần mềm theo dõi, quản lý; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu; kiểm tra sâu sát từng doanh nghiệp… là những cách làm hay để đưa chính sách bảo hiểm dần đi vào cuộc sống, đến gần hơn với người lao động và doanh nghiệp.Sau hai năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được đánh giá là thành công và là một trong những sự kiện nổi bật của năm 2010 của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội.

Nếu như năm 2009 chỉ có 5,9 triệu người tham gia BHTN thì đến hết tháng 4/2011, số người tham gia BHTN đã lên tới 7,4 triệu người (tăng 19,58% so với năm 2009).

Theo báo cáo của các địa phương về tình hình tiếp nhận và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc, lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại các Trung tâm giới thiệu việc làm trong 6 tháng đầu năm 2011 là hơn 146,5 nghìn người (tăng 131,1% so với cùng kỳ năm 2010). Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 119 nghìn người (tăng 179,19% so với cùng kỳ).

Doanh nghiệp đã thấy được lợi ích

Nếu như khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới được ban hành, nhiều doanh nghiệp và người lao động không mấy mặn mà thì hiện tại doanh nghiệp đã thấy được lợi ích và người lao động cũng xem đây là “người bạn đồng hành” giúp họ trong lúc khó khăn.

Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đại Đồng cho biết, với 1% quỹ tiền lương phải bỏ ra, nhiều doanh nghiệp đã tự giác thực hiện với chính sách này. Số cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức tại nhiều địa phương tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.

Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách BHTN tại địa phương, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Xanh cho rằng, tình hình kinh tế có nhiều biến động, khiến việc làm của người lao động thiếu bền vững. Vì vậy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ là một giải pháp hỗ trợ kịp thời cho lao động nếu bị mất việc làm.

Phó Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh Nguyễn Quốc Tuấn cũng cho rằng, ngoài các chế độ đãi ngộ khác như tăng phụ cấp, xây nhà ở, hỗ trợ bữa ăn… việc doanh nghiệp chủ động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân cũng là một cách để giữ chân lao động, khiến người lao động yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách BHTN tốt cũng là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Đặng Phương Dung cho hay, với những doanh nghiệp xuất khẩu, việc thực hiện nghiêm túc các chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động là một trong những tiêu chí quan trọng để đưa được mặt hàng vào các thị trường quốc tế.

Đưa chính sách đến gần hơn với người lao động

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn có số lượng người tham gia BHTN nhiều nhất cả nước. Từ năm 2010 đến nay, toàn Thành phố có hơn 126 nghìn người đăng ký thất nghiệp, trong đó có hơn 97 nghìn người đã được chi trả.

Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Cao Thắng cho biết, do số lượng người đăng ký thất nghiệp lớn nên ban đầu việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn như phân loại hồ sơ chưa tốt, chậm chi trả.

Tuy nhiên, hiện tại công tác này đã dần đi vào khuôn khổ, thu hút được sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người lao động.

Ông Nguyễn Cao Thắng cũng chia sẻ một số cách làm hay như ngay từ khi bắt tay vào triển khai, Thành phố Hồ Chí Minh đã là nơi đầu tiên xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi và thực hiện chính sách theo phương pháp khoa học, đơn giản; tổ chức thi tìm hiểu về BHTN cho hàng nghìn công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; nêu tên các đơn vị vi phạm chính sách BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng Đông Á chi trả BHTN cho người lao động qua thẻ ATM…

Cũng theo ông Nguyễn Cao Thắng, sau khi việc thực hiện BHTN đi vào nề nếp, Trung tâm Giới thiệu việc làm Thành phố bắt đầu tập trung vào việc đẩy mạnh tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề  cho các đối tượng thất nghiệp.

Sâu sát trong khâu kiểm tra việc chấp hành chính sách BHTN cũng là việc làm thường xuyên và có hiệu quả của Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh.

Phó trưởng Ban quản lý Bùi Hoàng Mai cho biết, công đoàn, phòng quản lý lao động của Ban đã thường xuyên xuống tận các doanh nghiệp để kiểm tra việc chấp hành các chế độ phúc lợi xã hội.

Kết quả cho thấy, gần 100% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia, 60% doanh nghiệp trong nước thực hiện tốt, 40% còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng lao động thời vụ.

Để chính sách BHTN thiết thực và đến gần hơn với cuộc sống, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, về trình tự thủ tục cần phải tập trung vào một đầu mối từ khâu đăng ký thất nghiệp đến khâu giải quyết hồ sơ hưởng BHTN và nhận trợ cấp thất nghiệp, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người lao động.

Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, Cục Việc làm cho rằng, cần quy định cụ thể  hơn nữa trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tham gia, đóng BHTN và thực hiện các nghĩa vụ khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (như việc chốt sổ bảo hiểm xã hội về BHTN; thực hiện các thủ tục khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; hướng dẫn người lao động đăng ký thất nghiệp).

Thu Cúc
BÁO ĐIỆN TỬ CỦA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Comments are closed.