Ngày 18-5, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố TP.Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức buổi đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) với lãnh đạo Sở LĐTB&XH và Bảo hiểm xã hội thành phố. Tại buổi đối thoại, hơn 300 doanh nghiệp đã tập trung xoay quanh vấn đề đang gây nhiều vướng mắc là bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ).
Luật BHTN mới có hiệu lực thi hành vài năm nay, được đánh giá là chính sách tiến bộ nhằm hỗ trợ cho những lao động không may bị mất việc làm. Bước đầu, luật này đã tỏ ra có tác dụng, được dư luận đồng tình ủng hộ, bằng chứng là chỉ trong thời gian ngắn, cả nước có hàng triệu lao động làm hồ sơ xin tham gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ hàng loạt vấn đề cần tháo gỡ từ các bên.
Nhiều DN cho hay, nhận thức về trợ cấp thất nghiệp của NLĐ còn thấp. Không ít người chỉ nghĩ đơn giản “thất nghiệp là được hưởng trợ cấp”, do vậy, nhiều lao động tìm mọi cách nghỉ việc, để được hưởng khoản trợ cấp này. Trong một cuộc họp gần đây, Sở LĐTB&XH TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện có rất nhiều lao động chủ yếu là công nhân, mới làm bảo hiểm được 1 năm đã xin nghỉ việc để được trợ cấp, điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các công ty về tình hình lao động và sản xuất.
Trong khi đó cũng nhiều DN lại gây khó khăn đối với quá trình làm thủ tục giúp NLĐ mất việc được hưởng trợ cấp. Thậm chí, có DN còn cố tình làm sai quy định, hồ sơ sai sót đành phải trả lại. Thủ tục cứ được đưa qua, đẩy lại khiến nhiều lao động thất nghiệp rất khó khăn trong việc nhận trợ cấp, có người đành phải từ bỏ ý định được thanh toán BHTN, mặc dù họ hoàn toàn đủ điều kiện để được nhận.
Bà Nguyễn Thị Dân – Trưởng phòng Lao động, Tiền lương, Tiền công, Sở LĐTB&XH cho rằng, một trong những khó khăn nhất hiện nay là nhiều DN chậm trễ trong việc xác nhận chấm dứt hợp đồng, chốt sổ bảo hiểm cho NLĐ, gây đình trệ cho thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo Luật BHTN, chậm nhất trong vòng 15 ngày sau khi thất nghiệp, NLĐ phải hoàn tất hồ sơ xin hưởng, điều này dường như đã gây bất lợi cho phía NLĐ, nếu DN không chịu hợp tác.
Một điều bất cập nữa nằm ở chính sách là trường hợp các chủ DN bỏ trốn trong lúc chưa chốt sổ bảo hiểm cho NLĐ đúng thời hạn thì các cơ quan chức năng cũng sẽ lúng túng chẳng biết phải giải quyết như thế nào.
Lãnh đạo một DN phàn nàn, việc NLĐ khó nhận BHTN, không chỉ nằm ở chính các DN mà ngay cả Luật cũng chưa thật sự phù hợp: Luật quy định các đơn vị phải có từ 10 người trở lên mới được xét, điều này vô tình đã gây sự mất công bằng cho những đơn vị nào chỉ có dưới 10 người, cuối cùng NLĐ là đối tượng chịu thiệt thòi. Quy định này cũng dễ tạo điều kiện cho các DN cố tình trốn đóng BHTN cho NLĐ. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung vào một đầu mối cũng là việc cần làm nếu muốn công tác BHTN được thực hiện tốt. Để BHTN được thực hiện đúng quy trình, nhiều người kiến nghị, cần phải có những biện pháp nghiêm khắc và chế tài quyết liệt với các đơn vị thực hiện. Đồng thời với các biện pháp trên là đẩy mạnh tuyên truyền cho người NLĐ biết để họ đấu tranh khi quyền lợi bị xâm phạm.
LAM HỒNG
Báo Đại Đoàn Kết
Comments are closed.