Bảo hiểm thất nghiệp: Chỉ chính sách đúng thì chưa đủ!

TTCT – Khi làm chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), các chuyên gia ước tính sẽ có 3-3,5 triệu người lao động tham gia. Trên thực tế, đã có hơn 5,2 triệu người đóng BHTN với số tiền lên đến 3.066 tỉ đồng. Vậy mà sau hai tuần triển khai, cả Hà Nội chỉ có khoảng 70 người đăng ký nhận BHTN. Ở TP.HCM, con số này là 2.500 trong ba tuần, trong khi con số thất nghiệp dự báo cả năm là 300.000 người.

Chính sách tốt nhưng quy định chưa hợp lý

Hệ thống an sinh xã hội là một trong những công cụ giữ nền kinh tế thị trường phát triển bền vững. BHTN là một trụ cột của hệ thống an sinh đó. BHTN áp dụng thống nhất sẽ tốt hơn nhiều trợ cấp thất nghiệp riêng lẻ của từng công ty, nhất là những công ty nhỏ hay đang gặp khó khăn tài chính.

Có chính sách tốt, hợp quy luật đã khó, để nó đi vào cuộc sống và trở thành một quan hệ pháp lý ổn định còn đòi hỏi nhiều hơn. Đầu tiên là đặt ra các quy định hợp lý, tiện lợi, mang tính khả thi cao. Thứ hai là tổ chức thực hiện. Việc đầu, trách nhiệm chính là của Nhà nước. Việc thứ hai, Nhà nước và xã hội phân công nhau cùng làm.

BHTN là chuyện mới và khó. Việc soạn thảo và ban hành quy định (lập pháp, lập quy) về BHTN cũng không đơn giản. Tuy thế, khi cuộc sống có nhu cầu thì không thể chờ đợi hay quá cầu toàn. Không chỉ ở Việt Nam, nước khác cũng có tình trạng quy định chưa hợp lý, phải sửa. Quan trọng là sửa cho đúng và cho nhanh.

Sau ba tuần áp dụng chính sách BHTN, đã thấy những điểm bất hợp lý cần sửa ngay.

Thứ nhất là quy định “nếu doanh nghiệp nợ nghĩa vụ đóng BHTN ba tháng trở lên thì người lao động chưa được trợ cấp”. Nguồn quỹ BHTN do người lao động (NLĐ) đóng 1%, doanh nghiệp đóng 1% và Nhà nước góp 1% trên quỹ lương. Phần của doanh nghiệp và NLĐ do doanh nghiệp đóng, nhưng nhiều doanh nghiệp lại đang nợ. Nếu nợ trên ba tháng thì NLĐ của doanh nghiệp đó không được chốt sổ và chưa được nhận BHTN. Chúng ta đều biết tình trạng doanh nghiệp nợ thuế hải quan kéo dài đến nay vẫn chưa khắc phục được. BHTN nên tránh vết xe đổ ấy. Doanh nghiệp vi phạm luật mà NLĐ lại bị chế tài là bất hợp lý.

Do vậy phải làm thủ tục chốt sổ và công nhận BHTN cho NLĐ, mặt khác cho phép cơ quan bảo hiểm được áp dụng phạt hành chính và có cơ chế ra lệnh trích tài khoản của doanh nghiệp để đóng BHTN. Mặt khác, do vẫn còn tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc phá sản nên không đóng BHTN, Nhà nước nên lập quỹ dự phòng và trong khi chờ thủ tục phá sản hay phát mãi tài sản, NLĐ sẽ được hưởng BHTN từ quỹ này.

Thứ hai, nếu doanh nghiệp trì hoãn hoặc làm sai khâu chốt sổ bảo hiểm xã hội khiến việc đăng ký BHTN bị chậm thì NLĐ phải chờ đến khi chốt sổ xong mới được hưởng. Cần nhớ là khi thất nghiệp NLĐ ở vào thế yếu, hoàn cảnh lại bức bách, vì vậy phải tránh cho họ bị phụ thuộc vào các “phòng ban” của doanh nghiệp. Tổng liên đoàn Lao động nên yêu cầu bổ sung quy định giao công đoàn cơ sở trách nhiệm hỗ trợ chốt sổ bảo hiểm xã hội đúng và kịp thời cho NLĐ. Và nên có cơ chế cho truy lĩnh BHTN cho thời gian chờ đợi chốt sổ mà lỗi không do NLĐ.

Tổ chức thực hiện là khâu quyết định

Tổ chức thực hiện kém luôn là căn bệnh trầm kha làm chậm nhịp đi vào cuộc sống của nhiều chủ trương, chính sách, quy định tốt. Môi trường kinh doanh Việt Nam bị mất điểm cũng do thủ tục hành chính rườm rà, nhiễu nhương, ngốn thời gian của doanh nghiệp. Bác Hồ từng chỉ rõ “chủ trương một, biện pháp phải mười”, tiếc là không phải lúc nào chân lý dễ hiểu này cũng được tôn trọng.

Giao việc đăng ký BHTN cho các trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) có thể là cách làm đúng nhưng nhu cầu ở mỗi nơi khác nhau, ở TP.HCM có thể gấp mười lần ở Hà Nội và gấp trăm lần so với tỉnh khác. Chưa kể TTGTVL lại có công việc chính của họ.

Nhiều TTGTVL chưa có nhân lực và cơ sở vật chất đầy đủ, BHTN lại là việc mới, vừa làm vừa xử lý vướng mắc, vừa xin hướng dẫn, chỉ đạo nên mỗi hồ sơ tốn nhiều thời gian giải quyết hơn bình thường. Phải có biện pháp tăng cường lực lượng thích đáng, ít nhất là trong năm đầu tiên, đặc biệt là ở TP.HCM, Hà Nội cũng như những tỉnh thành có nhiều cơ sở công nghiệp. Bởi mỗi ngày chậm trễ là tăng thêm sự quẫn bách cho cuộc sống của NLĐ thất nghiệp.

Theo quy định, BHTN bao gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tìm việc làm và chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đến nay ở một số địa phương, các TTGTVL chưa nhận được sự hỗ trợ vật chất, nhân lực cần thiết từ trung ương và chính quyền tỉnh thành nên bắt đầu quá tải. Do đó chưa giải quyết được nhu cầu đào tạo nghề và hỗ trợ tìm việc cho NLĐ. Và như vậy BHTN chỉ giải quyết được cái ngọn của vấn nạn thất nghiệp, vì mục đích của BHTN không chỉ là cứu đói tạm thời bằng “con cá” mà là trang bị “cần câu”.

Khi nền kinh tế phát triển bình thường, vẫn có hàng trăm ngàn người thất nghiệp mỗi năm. Trong điều kiện suy thoái hay khủng hoảng của nền kinh tế hay của một ngành nhất định, lại có thêm nhiều người thất nghiệp.

Với dân số Việt Nam, mỗi năm nền kinh tế phải tạo ra 1-2 triệu việc làm mới. Nếu tiêu chí này không đạt, số người thất nghiệp lại gia tăng. BHTN, do đó, là chủ trương lớn mang tính chiến lược, có vai trò quan trọng trong kinh tế thị trường, tác động sâu sắc đến nguồn nhân lực, an sinh xã hội và nhân tâm.

Người dân nói chung và NLĐ nói riêng muốn thấy sự quan tâm và tham gia của cả hệ thống chính trị, trước hết là Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ và Mặt trận Tổ quốc các cấp vào việc thực hiện chính sách quan trọng này. Không thể để BHTN rơi vào tình trạng tương tự bảo hiểm y tế – một chính sách tốt và đúng mà mấy năm rồi vẫn trầy trật cả trong quy định và tổ chức thực hiện.

Nhiều nước không có đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, không chủ trương kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng do nhu cầu của xã hội, của cuộc sống con người và của chính nền kinh tế mà đã xây dựng rất tốt hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là BHTN. Ở Việt Nam, không có lý do gì mà không thể làm tốt hơn việc này.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

In bài   
Các tin khác

    * Vì sao người trẻ “kết” game show? – (28/02)
    * Ba câu hỏi cho nền dân chủ Thái Lan – (28/02)
    * 1,6 triệu việc làm trong năm 2010 – (28/02)
    * Công nghiệp hóa dược Việt Nam: Bước khởi đầu gian nan – (27/02)
    * Những bước đi trên thế giới phẳng – (26/02)
    * Nhà hàng phục vụ qua e-mail – (25/02)
    * Chuyển ra ngoài ký túc xá – (25/02)
    * Đón đọc Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 8-2010 – (24/02)
    * “Du học” Cà phê – (24/02)
    * Ánh mắt – (23/02)
    * 

Chuyên đề

    * Công cụ hữu dụng
    * Chén chè tha hương

Người đương thời

    * Người săn cọp cuối cùng ở đông Trường Sơn
    * Ông “vùng 5”

Dấu ấn
Việt Nam trong mắt bạn bè tôi
Ứng xử với quá khứ đau thương
Người nghèo, chó dữ và những ông chủ giàu
Tôi đã chống chọi với dòng cuốn xiết của xe cộ
Tính công khai giúp cải thiện thành tích
Phóng sự & Hồ sơ

    * Hồ sơ: Tôi lên tiếng – Kỳ cuối: Danh tiếng và hiểm họa
    * Hồ sơ: Trốn chạy – Kỳ 2: Tôi phải cưới ông già 50 tuổi

Khoa Học- Kỹ thuật

    * Có nên ăn cho… đỡ buồn?
    * Gia vị kiềm chế tế bào ung thư

Văn Hóa – Nghệ Thuật

    * Vi Tiểu Bảo đòi nợ
    * Cả làng giàu nhờ tranh hổ

Truyện ngắn

    * Blogger
    * Truyện ngắn: Cô dâu hay con hổ

Thể Thao Cuối Tuần

    * Ông tây ván buồm mê gió Mũi Né
    * Nhẹ người!

Thư giãn

    * Thư giãn cuối tuần
    * Giáo dục thích hợp

Tự Hào Việt Nam Tuổi Trẻ Cuối Tuần Tuổi Trẻ Cười Media Online Việc Làm Tủ Sách Thiệp Game
tuoitre.com.vn

Comments are closed.