Bảo hiểm thân tàu đi tong vì sự cố Vinaline Queen

altNăm 2011 thì đây là năm thứ 11 liên tiếp, nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy có số tiền phải bồi thường lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm.

Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), ông Trịnh Quang Tuyến cho biết, loại hình bảo hiểm thân tàu bị lỗ từ mười mấy năm nay. Những tưởng năm 2011, loại hình bảo hiểm này có kết quả khả quan hơn thì bỗng dưng đi tong hết, hiệu quả nghiệp vụ bằng không chỉ vì sự cố tàu Vinaline Queen.

Bà Lê Thúy Bình, ủy viên BCH AVI bổ sung, tính cả năm 2011 thì đây là năm thứ 11 liên tiếp, nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy có số tiền phải bồi thường lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm; 4 năm liên tiếp, các tổn thất lớn xảy ra vào tháng 11 và 12 được coi là mưa thuận gió hòa mà nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu.

Theo thống kê năm 2011 của AVI, trong tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc là 8.445 tỷ đồng, bảo hiểm tàu thủy đứng thứ 2 (chiếm 57%), sau bảo hiểm cháy nổ (68%) về tỷ lệ bồi thường. Cụ thể, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt doanh thu 1.850 tỷ đồng, tăng trưởng 1%. Các DN bải hiểm dẫn đầu về doanh thu gồm PVI (559 tỷ đồng); Bảo Việt (548 tỷ đồng), PJICO (235 tỷ đồng). Số tiền đã bồi thường 1.086 tỷ đồng, chiếm 57%. Các DN có tỷ lệ bồi thường cao là BIC 158%, Bảo Minh 87%, Bảo Long 77%, Bảo Việt 56%, PJICO 45%.

Điều đáng nói không kém là hiện tượng nợ phí bảo hiểm của chủ tàu đã lên con số báo động, làm tăng gánh nặng cho các DN bảo hiểm. Trong khi đó, các DN bảo hiểm vẫn sẵn sàng đón nhận những chủ tàu còn nợ phí của DN bảo hiểm khác, có lịch sử tổn thất nhiều, thậm chí còn hạ phí hoặc tiếp tục cho nợ phí để giành giật khách hàng. Hiện tượng mượn bằng cấp chuyên môn của thuyền bộ, không đủ trang thiết bị, biên chế thuyền bộ, mất an ninh an toàn hàng hải của các chủ tàu cũng rất đáng báo động đối với các DN bảo hiểm.

Để đối phó với  thực trạng này, AVI đang xây dựng biểu phí cơ bản cho nhóm đối tượng bảo hiểm có rủi ro cao để cảnh báo DN khi định phí bảo hiểm. Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với DN triển khai chương trình xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro đối với khách hàng, đối tượng bảo hiểm có rủi ro cao (không nộp đủ phí, đã từng trục lợi bảo hiểm, có số lần tổn thất hoặc số tiền bồi thường cao).

(ĐTCK).

Comments are closed.