Bảo hiểm tai nạn khi hành nghề: Vẫn xa lạ với giới nghệ sĩ

PN – Tần suất tai nạn lao động của nghệ sĩ gấp 20 lần so với lao động trong ngành công nghiệp. Thế nhưng hồn nhiên với chính sự nguy hiểm đối với sinh mạng của mình, giới nghệ sĩ không mấy người nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm rủi ro khi hành nghề.

Như Báo Phụ Nữ ra ngày 23/4/2010 đã đưa, hoạt động nghệ thuật nằm trong lãnh vực chiếm rủi ro cao, cá biệt nghề xiếc-múa-điện ảnh có tần suất tai nạn cao gấp nhiều lần lao động công nghiệp thông thường. Hồn nhiên với chính sự nguy hiểm đối với sinh mạng của mình, giới nghệ sĩ không mấy người nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm rủi ro khi hành nghề.

Những tai nạn tại trường quay xảy ra như cơm bữa đã khiến giới điện ảnh lên tiếng: cần phải luật hóa vấn đề bảo hiểm tai nạn. Đơn giản chỉ cần đưa ra quy định: bất cứ một đơn vị nào muốn sản xuất phim, nếu chưa mua bảo hiểm tai nạn cho diễn viên, trường quay, nhân viên kỹ thuật hậu đài, thì không được cấp phép làm phim.

Cách đây hơn một năm, UB Văn hóa – Giáo dục, thanh niên – thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã chính thức đề nghị đưa “Bảo hiểm cho phim và thành viên đoàn làm phim” vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh. Thế nhưng đề nghị khẩn thiết ấy đã nằm ngoài sự quan tâm của Ban soạn thảo Luật. Vụ Tổ chức cán bộ-Bộ VH-TT-DL cho biết, Bộ cũng đã từng có kiến nghị được bổ sung chế độ bảo hiểm thích hợp đối với những người hoạt động nghệ thuật đặc thù, nhưng tới nay kiến nghị này vẫn mới chỉ dừng ở trên giấy mà chưa nhận được bất cứ sự phê duyệt nào.

Các hãng phim Nhà nước được cấp ngân sách làm phim, nhưng trong tổng dự toán không có khoản chi nào dành cho bảo hiểm tai nạn. Một số “đại gia” điện ảnh tư nhân như hãng Phước Sang, Thiên Ngân… có ý thức mua bảo hiểm cho cả đoàn làm phim; còn hầu hết các đơn vị làm phim đều “né” chuyện mua bảo hiểm – như tránh đi một khoản chi tiêu tốn kém. Khi rủi ro ập đến, có một số khả năng xảy ra: các đoàn phim loay hoay “cấu” trong dự toán chung để có một khoản đền bù cho người tai nạn; hoặc kiện tụng nhau vì nhà sản xuất phớt lờ trách nhiệm của mình; hoặc quyên góp hảo tâm của anh em để ủng hộ gọi là tình nghĩa. Ví dụ: sau cái chết của nhân viên đạo cụ Mạnh Cường phim Nhật ký Vàng Anh, Hãng phim TH VN đã quyên góp cán bộ công nhân viên được khoảng 50 triệu đồng bù đắp nỗi đau cho gia đình, vì Mạnh Cường không được mua bảo hiểm khi tham gia làm phim.

Còn những tai nạn khi biểu diễn của giới ca sĩ, người mẫu thì muôn màu muôn vẻ: các fan cuồng nhiệt ném đá, ném gạch lên sân khấu; đang biểu diễn ngon trớn thì sân khấu sập, rơi đèn chùm, quạt trần… Đã có nhiều diễn viên múa, xiếc gặp tai nạn phải bỏ nghề khi vẫn còn ở tuổi thanh xuân, hay mang thương tật suốt đời vì những căn bệnh nghề nghiệp mãn tính. Vì không có bảo hiểm tai nạn, nên phần đời còn lại không được làm nghề, họ sống chật vật thương khó. Những nghệ sĩ có trong biên chế nhà nước còn có khoản hỗ trợ của đoàn thể, đối với các nghệ sĩ đang hoạt động tự do, sẽ không có ai chia sẻ rủi ro với họ.

Trong điện ảnh, may mắn thì có hãng phim nhớ đến trách nhiệm mua bảo hiểm cho đoàn làm phim. Còn giới tổ chức biểu diễn thì tuyệt đối phớt lờ nghĩa vụ này. Trước nay, trong hợp đồng công việc ký với ca sĩ, người mẫu… không có điều khoản nào nói về bảo hiểm. Như doanh nghiệp biểu diễn Sao Đêm khi để xảy ra sự cố ẩu đả ở Thái Nguyên (khán giả tức giận do bị lừa trễ giờ biểu diễn, không có ngôi sao như trong tờ rơi quảng cáo… đã ào lên sân khấu tấn công đoàn nghệ sĩ) đã “phủi sạch” trách nhiệm của mình khi tuyên bố: Chúng tôi không có điều khoản nào về bảo hiểm tính mạng nghệ sĩ, họ phải tự mua bảo hiểm cho mình!
Thế nhưng cá nhân nghệ sĩ lại không có khái niệm về bảo hiểm rủi ro, họ chỉ nghĩ đến tai nạn có thể xảy ra với mình sau khi… đã gặp tai nạn. Không có thói quen yêu cầu được bảo hiểm khi nhận hợp đồng, nên chả ai thấy bị thiệt thòi khi thiếu khoản mục này. Nữ diễn viên Hiền Mai sau khi bị lật xe trên đường đi đóng phim, dẫn đến chấn thương đốt sống cổ và phần lưng, người bạn diễn bị chấn thương sọ não – mới hoảng sợ đi mua bảo hiểm tai nạn. Còn ca sĩ Mỹ Dung, Hoàng Hải sau khi bị “khủng bố” trong vụ bể show ở Thái Nguyên vẫn bình thản: “Những sự cố rủi ro cũng ít xảy ra, nên việc mua bảo hiểm hay không tôi thấy không quan trọng”. Tương tự vậy, ca sĩ Đan Trường, diễn viên Ngọc Thuận, siêu mẫu Vĩnh Thụy bị tai nạn do sân khấu gặp sự cố (sụt hệ thống bục bệ, sập giáo)… sau phen hú hồn vẫn chưa hề nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm, vì “chắc không bị thêm lần nữa đâu mà”.

Thăm thú một cảnh quan, dù chỉ một lượt đi chóng vánh ai cũng phải mua bảo hiểm  tai nạn cho mình (phí được tính vào giá vé). Vậy mà trong hoạt động nghệ thuật – một lao động đặc thù có tần suất tai nạn cao, bảo hiểm rủi ro lại không được tính đến. Sự vô lý này chỉ chấm dứt, khi chính những người trong cuộc có ý thức tự bảo vệ.

Quỳnh Lam

www.phunuonline.com.vn

Comments are closed.