Bảo hiểm phi nhân thọ và “gót chân Asin”

Vì nhiều lý do tế nhị, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) hầu như không có chia sẻ dữ liệu gì với nhau, ngoại trừ báo cáo định kỳ cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Bộ Tài chính theo quy định.

Cơ hội cho trục lợi cho bảo hiểm

Trao đổi về việc chia sẻ thông tin của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm trên thế giới thường chia sẻ thông tin cho nhau qua các đơn vị tái bảo hiểm. Bởi vì doanh nghiệp bảo hiểm của các nước có nguồn vốn đủ mạnh nên không phải tái bảo hiểm ra nước ngoài nhiều, mà chủ yếu tái bảo hiểm trong nước. Tổn thất của thị trường được chia đều cho các doanh nghiệp nên mỗi năm thị trường tổn thất cao hay thấp đều được các doanh nghiệp chia sẻ thông tin cho nhau.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngay cả các doanh nghiệp BHPNT hàng đầu cũng chủ yếu phải tái bảo hiểm ra nước ngoài nên rất khó để có thể có thông tin chia sẻ.

Trong khi đó, một kênh thông tin nữa là báo cáo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thì thường có độ trễ nhất định nên các doanh nghiệp cũng khó có thể có những số liệu đầy đủ để phân tích kinh doanh và dự báo định hướng phát triển của thị trường. Việc không chia sẻ thông tin khiến các doanh nghiệp này không có cơ sở chắc chắc để tính phí, ngoại trừ số liệu của chính mình.

Ngoài ra, việc không chia sẻ thông tin không những gây bất lợi cho các công ty bảo hiểm khi khách hàng có tỷ lệ tổn thất cao né tăng phí bằng cách chuyển sang tham gia công ty bảo hiểm khác, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trục lợi bảo hiểm. Thậm chí, có khách hàng “nhảy” vào tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, giá trị trục lợi bảo hiểm tại Việt Nam chiếm tới hơn 10% tổng giá trị bồi thường. Năm 2008, giá trị trục lợi bảo hiểm của toàn thị trường lên tới gần 500 tỷ đồng.

Lo bị mất cắp khách hàng

Cách đây 2 năm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đề nghị các doanh nghiệp BHPNT chia sẻ “danh sách khách hàng đen” (khách hàng trục lợi bảo hiểm) cho nhau, nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào hưởng ứng.

Ông Lộc nói rằng, không những không mặn mà tham gia, còn có tình trạng khách hàng “đen” của doanh nghiệp BHPNT này lại là khách hàng “đỏ” của doanh nghiệp kia.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) sau một thời gian cùng hoạt động đã biết cách chia sẻ thông tin kinh doanh, đặc biệt là danh sách khách hàng “đen” và thậm chí những trường hợp đại lý bảo hiểm hay tư vấn tài chính mắc lỗi nặng cũng bị đưa vào danh sách đen của toàn hệ thống bảo hiểm và bị cấm hoạt động trong lĩnh vực này trong 3 năm.

Theo ông Lộc, thực tế cái khó đối với các doanh nghiệp BHPNT so với doanh nghiệp BHNT là thời hạn của mỗi hợp đồng bảo hiểm chỉ có 1 năm, còn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dài hạn hơn nên các doanh nghiệp này có đủ thời gian dữ liệu đánh giá khách hàng.

Hơn nữa, các doanh nghiệp BHNT cũng dễ dàng chia sẻ thông tin hơn, vì họ không dựa trên cơ sở rủi ro là chính, khách hàng có tiền là có thể tham gia và khách hàng cũng có thể mua bảo hiểm với nhiều doanh nghiệp.

Chính vì vậy, việc chia sẻ thông tin khách hàng đối với các doanh nghiệp BHNT cũng ít gây ra tình trạng “đánh cắp” khách hàng của nhau và việc thông tin danh sách khách hàng đen sẽ có lợi cho toàn bộ doanh nghiệp BHNT.

Trong khi đó, đối với BHPNT, việc chia sẻ thông tin cơ sở khách hàng có thể là tiền đề để khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm này bị “lôi kéo” về với doanh nghiệp khác.

Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành BHPNT thì thị trường này hiện nay đang cạnh tranh không mấy lành mạnh. Một doanh nghiệp BHPNT có thị phần lớn nhất nhì trong khối doanh nghiệp này luôn trong tình trạng đau đầu vì bị “mất cắp” khách hàng, song cũng chưa tìm ra dược giải pháp gì để chống lại.

“Đối với một số doanh nghiệp BHPNT thì việc không chia sẻ thông tin chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp vào sau, chứ không phải cho doanh nghiệp đã làm trước đó”, ông Lộc chia sẻ.

Đại diện một doanh nghiệp BHPNT thừa nhận, hiện tại, hầu hết doanh nghiệp BHPNT phát triển theo doanh thu, thị phần nên đều đang cố gắng giành thị phần, giành khách hàng.

Thậm chí, vị này còn cho rằng, với tình hình cạnh tranh như hiện nay, nếu có chia sẻ “danh sách đen” thì dù biết là khách hàng trong “danh sách đen” người bán bảo hiểm vẫn có thể bán vì doanh thu được tính cho người bán bảo hiểm, còn thiệt hại thì công ty bảo hiểm gánh chịu là chính.

Thực tế, việc cạnh tranh không lành mạnh này bản thân Hiệp hội Bảo hiểm cũng biết rất rõ. Do đó, ngoài việc kêu gọi chia sẻ “danh sách đen”, Hiệp hội cũng đã từng thống nhất biểu phí tiêu chuẩn đối với xe cơ giới cho các doanh nghiệp thành viên, nhưng biểu phí này không thực hiện được bởi Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương cho rằng, làm như vậy sẽ tạo ra một thị trường phi cạnh tranh.

Theo ông Lộc, Hiệp hội Bảo hiểm chỉ có thể vận động các doanh nghiệp trong khối này chia sẻ, liên kết với nhau, nhưng nếu các doanh nghiệp không tự giác thì Hiệp hội cũng không thể bất buộc. Ông Lộc cho rằng, để có một thị trường BHPNT trật tự và khoa học hơn, có lẽ phải chờ cách giải quyết của cấp có thẩm quyền cao hơn Hiệp hội.

Ngọc Lan

Theo ĐTCK

Comments are closed.