Bảo hiểm phi nhân thọ nỗ lực giảm tỷ lệ bồi thường

Số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm PNT 6 tháng đầu năm giảm 32% so với cùng kỳ (ĐTCK-online) Cùng với việc tiết giảm chi phí để đối phó với tình hình lạm phát cao, phấn đấu không lỗ về nghiệp vụ kinh doanh chính, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang tìm mọi cách để giảm tỷ lệ bồi thường. Theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 3.246 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2010.Hai công ty bảo hiểm phi nhân thọ có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất thị trường là PVI với 28% và PTI với 48%, cũng nằm trong nhóm đơn vị có tỷ lệ bồi thường thấp nhất, với PVI là 16%, còn PTI chỉ ở mức 10%.

Các đơn vị như QBE có tỷ lệ bồi thường 10%, Groupama (11%), Cathay (0,8%) đều do mới đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trên 40% là ABIC (86%), Phú Hưng (70%), Liberty (56%), Bảo Long (55%), BIC (48%), UIC (46%).

Xét theo cơ cấu nghiệp vụ, nghiệp vụ bảo hiểm hàng không có tỷ lệ thực bồi thường gốc cao nhất (50%). Đứng thứ hai là nghiệp vụ sức khỏe và tai nạn con người có tỷ lệ thực bồi thường gốc 44%. Các doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người cao gồm: Fubon (187%), Cathay (97%), Bảo Long (70%), PJICO (58%), Bảo Việt (54%), AAA và VNI (51%), Bảo Minh (48%). Đứng thứ ba là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới với tỷ lệ thực bồi thường gốc 43%, chủ yếu là giải quyết bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe. Các đơn vị có tỷ lệ bồi thường cao ở nghiệp vụ này gồm: Phú Hưng (231%), ABIC (126%), Chartis (73%), Liberty (66%), Groupama (59%), Bảo Long và MIC (55%), Fubon (53%), Bảo Ngân (51%).

Những nghiệp vụ còn lại như: bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu có tỷ lệ thực bồi thường 37%; bảo hiểm cháy nổ có tỷ lệ bồi thường 29%. Các nghiệp vụ bảo hiểm khác có tỷ lệ thực bồi thường thấp là bảo hiểm thiệt hại kinh doanh (2%), bảo hiểm trách nhiệm chung (5%) và bảo hiểm nông nghiệp (10%).

Trong số những doanh nghiệp bảo hiểm tốp đầu, chỉ có Bảo Việt và PJICO có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc ở mức từ 40% trở lên, trong đó PJICO (40%) và Bảo Việt (46%) – cao nhất trong 5 công ty đứng đầu thị trường về doanh thu và cao hơn 19% so với cùng kỳ năm 2010. Bảo Việt cũng là doanh nghiệp có tỷ lệ thực bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm hàng không cao nhất (109%).

Đại diện Bảo Minh cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty đã chi bồi thường 396 tỷ đồng, chiếm 31,6% doanh thu (tỷ lệ này của cùng kỳ năm trước là 35,3%). Có 53/60 đơn vị có tỷ lệ bồi thường dưới 50% doanh thu. Đây cũng là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của Bảo Minh trong quá trình tái cơ cấu lại doanh nghiệp.

Nằm trong khối doanh nghiệp nhóm dưới, dù tỷ lệ bồi thường của Liberty còn khá cao (56%), nhưng so với cùng kỳ năm trước ở mức 70,71% (do bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới cao, nghiệp vụ này chiếm tỷ trọng 70 – 75% tổng doanh thu bảo hiểm gốc) thì tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc của Liberty cũng đã giảm đáng kể.

Áp lực cạnh tranh về phí bảo hiểm trong thời buổi giá cả phụ tùng và chi phí nhân công ngày càng tăng đang khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi cân đối giữa chi phí và chất lượng dịch vụ. Liberty sau một thời gian tung ra rất nhiều ưu đãi cho khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới, hiện cũng đang có chính sách khuyến khích khách hàng khi mua bảo hiểm ô tô Liberty AutoCare lựa chọn mức miễn thường. Nếu chọn mức miễn thường (mức miễn thường là khoản tiền mà khách hàng chia sẻ rủi ro với công ty bảo hiểm trong mỗi vụ tổn thất), khách hàng sẽ ngay lập tức được giảm từ trên 20% đến gần 50% phí bảo hiểm, tùy theo mức miễn thường là 1 triệu đồng, 2 triệu đồng hay 5 triệu đồng cho mỗi vụ tổn thất… Đại diện Liberty chia sẻ, trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay, nếu khách hàng muốn được bảo hiểm tốt, dịch vụ bồi thường nhanh, nhưng phí bảo hiểm lại thấp, lựa chọn mức miễn thường là một hướng đi cần quan tâm. Đây cũng là phương án có lợi cả đôi đường, nếu khách hàng lựa chọn phương án này thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng giảm thiểu được chi phí đền bù tổn thất.

Trên thực tế, với tình hình khó khăn như hiện nay, ngoài việc cắt giảm chi phí, các doanh nghiệp cũng phải tính đến những phương án quản lý chặt chẽ khâu bồi thường, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi bảo hiểm. Bởi chỉ cần giảm được 3 – 5% tỷ lệ bồi thường mỗi năm, phí bảo hiểm thu đúng, thu đủ, giảm được 30% trục lợi bảo hiểm thì các doanh nghiệp sẽ tiết giảm chi phí một cách đáng kể.

Ngọc Lan
Bản quyền thuộc Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Comments are closed.