Bảo hiểm phi nhân thọ: Lợi thế của “kẻ” đến sau?

Phân khúc cạnh tranh mạnh mẽ nhất là thị trường bán lẻ như bảo hiểm cơ giới, cháy nổ, hàng hóa.
Thị trường bảo hiểm đang có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây cùng với sự tham gia của các công ty bảo hiểm của Ngân hàng, Tập đoàn kinh tế. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp này đã dần tạo ra một thị trường bảo hiểm có tính cạnh tranh cao, đầy hấp dẫn.


Những người đến sau

Từ 2006-2010 số lượng doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng từ 16 doanh nghiệp lên con số 29 công ty bảo hiểm trong và ngoài nước. Trong đó nhóm doanh nghiệp có sự gia tăng nhanh về thị phần đều là những doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

2005

2006

2007

2008

2009

2010

Q1/2011

Bảo Việt

38,6%

34,9%

31,1%

30,5%

26,9%

24,6%

22,7%

PVI

13%

18,3%

19,7%

18,6%

20,3%

20,6%

23,9%

Bảo Minh

21,5%

21,8%

19,3%

17,3%

13,4

11,4%

14,2%

PJICO

13%

10,5%

10,5%

9,8%

9,5%

9,3%

8,1%

PTI

4,8%

3,6%

3,6%

4,1%

3,4%

4%

4%

Khác

9,1%

10,9%

15,8%

19,7

26,5%

30,1%

27,1%

                                    Bảng thị phần bảo hiểm phi nhân thọ giai đoạn 2005-2010

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp bảo hiểm từ các tập đoàn được sự giúp đỡ nhiều từ công ty mẹ. Với các công ty bảo hiểm này thì thời gian đầu đều nhận được các hợp đồng của tâp đoàn mẹ, từ các công ty thành viên của tập đoàn. Với nền tảng đó thì các công ty vượt qua thời gian khó khăn của những ngày đầu thành lập và dần có chỗ đứng trên thị trường. Bản thân các công ty này cũng hiểu lợi thế của mình nên tận dụng triệt để nhằm gia tăng thị phần tại ngành kinh doanh chính.

Đơn cử PVI là đơn vị bảo hiểm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia chiếm 100% thị phần bảo hiểm năng lượng, 30% thị phần bảo hiểm hàng hải và 40% bảo hiểm kỹ thuật. Hầu hết đều là những công trình của tập đoàn.

Cùng với đó là sự phát triển của quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam. Tính đến nay thì thị trường bảo hiểm mới chỉ dừng ở quy mô khiêm tốn 1,6% GDP trong khi  ngay tại các quốc gia trong khu vực thì tỷ lệ này ở ngưỡng 2-3% GDP. Theo đó là nhận thức về mua bảo hiểm của người dân cũng tăng lên, có sự hiểu biết nhiều hơn nên các doanh nghiệp bảo hiểm càng có nhiều cơ hội phát triển.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chính sự ra đời của các công ty bảo hiểm mới này đã giúp cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh lành mạnh hơn.

Đặc biệt từ năm 2010, tình hình cạnh tranh có xu thế hạ nhiệt hơn, đã có 50% số lượng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có lãi về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chú trọng đến hiệu quả hơn là tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá.

Hậu phương vững chắc

Theo ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo Hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập trong đó cổ đông chi phối là tập đoàn, tổng công ty có điểm tựa vững chắc của công ty mẹ và các thành viên công ty con trong công ty mẹ là điều tất yếu, khó tránh khỏi.

Họ hiểu được nhu cầu bảo hiểm của các công ty thành viên trong công ty mẹ và tìm cách đáp ứng nhu cầu này. Nhất là những tổng công ty có đối tượng bảo hiểm là những tài sản có giá trị lớn mang tính đặc thù đòi hỏi kỹ thuật nghiệp vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm đặc thù như dầu khí, hàng không, bưu chính viễn thông thì doanh nghiệp bảo hiểm nằm trong công ty mẹ này có ưu thế hơn các doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Bản chất bảo hiểm là phân tán rủi ro thông qua tái bảo hiểm tại các công ty uy tín trên thế giới (Allianz, Munich Re, Swiss Re…). Vì vậy, nếu xảy ra tổn thất thì rủi ro được chia đều vì thế công ty bảo hiểm nội bộ hay công ty bảo hiểm ngoài ngành cũng là như nhau.

Tuy nhiên trong một Tập đoàn thì khả năng khắc phục rủi ro này cao hơn. Thực tế đã có những tranh chấp bảo hiểm xảy ra khi doanh nghiệp bảo hiểm không muốn giải quyết “sự cố”, chứ không phải do họ không thể giải quyết. Nhưng điều này không hề xảy ra với bảo hiểm nội bộ, với sự bao quát mọi mặt hoạt động các thành viên của Tập đoàn hay công ty mẹ.

Vì thế các doanh nghiệp cùng ngành có xu hướng sử dụng dịch vụ bảo hiểm của công ty nội bộ. Điều này giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nội bộ luôn có “hậu phương” vững chắc cho việc phát triển ra thị trường chung.

Cạnh tranh thị trường bán lẻ

Những doanh nghiệp bảo hiểm có bề dày lịch sử như Bảo Việt, Bảo Minh đang phải chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp khác. Phân khúc cạnh tranh mạnh mẽ nhất là thị trường bán lẻ như bảo hiểm cơ giới, cháy nổ, hàng hóa.

Đây là thị trường tiềm năng khi mà việc mua bảo hiểm cho tài sản, hàng hóa đang dần trở nên phổ biến. Ngay như đối với 1 số khách hàng của ngân hàng thì việc mua bảo hiểm cho dự án cũng là điều khoản để được giải ngân.

Bên cạnh đó là những quy định của pháp luật về phải mua bảo hiểm cho phương tiện vận tải, cơ giới mới được cấp phép lưu hành hoạt động. Với bảo hiểm xe cơ giới, phương tiện vận tải thì PJICO đang có nhiều lợi thế khi mà cây xăng của Tổng công ty xăng dầu Petrolimex phủ khắp cả nước.

Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát triển mạng lưới bán lẻ để mở rộng thị phần như BMI, PVI, Bảo hiểm Hàng không… để tham gia thị trường hấp dẫn này.

Theo nhận xét của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ tài chính thì tại phân khúc này diễn ra cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp bảo hiểm như: giảm phí, mở rộng điều kiện bảo hiểm, tăng mức khấu trừ…

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng nếu lạm dụng quá nhiều vị trí trên sẽ dẫn đến hạn chế cạnh tranh, hạn chế sự lựa chọn của các công ty thành viên cho công ty mẹ.

Mặt khác, nếu doanh nghiệp bảo hiểm trong tập đoàn quá ỷ lại vị thế độc tôn của mình sẽ ngày càng kém đi năng lực cạnh tranh, không chấp nhận và không dám cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Cao Sơn – Khánh Linh
Theo DDDN
CafeF

Comments are closed.