Bảo hiểm phi nhân thọ… “hướng ngoại”

Áp lực huy động vốn, áp lực chuyên nghiệp hóa hoạt động bảo hiểm và áp lực mở rộng thị phần… đang tạo ra sức ép khá lớn cho các DN bảo hiểm phi nhân thọ. Tìm nhà đầu tư chiến lược từ các đối tác ngoại là đáp án có vẻ nhanh và hiệu quả nhất để đáp ứng cả 3 yêu cầu trên. Song thực tế công cuộc tìm kiếm đối tác ngoài không hề dễ dàng, nhất là đối với các DN chuyên ngành như bảo hiểm. Bởi thực tế là quy mô thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện nay chưa thực sự lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.
Trong số 18 công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chỉ có 3 DN nắm thị phần lớn trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo Việt, Bảo Minh và PVI đã tìm được đối tác ngoại, những DN còn lại, để củng cố sức mạnh nội tại và tăng khả năng cạnh tranh cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược.

Vừa chính thức được Bộ Tài chính chấp thuận chuyển từ DN 100% vốn nhà nước sang CTCP, đồng thời tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng, ngày 21/7, BIC sẽ tổ chức buổi tiếp xúc đầu tiên với các nhà đầu tư trước khi IPO vào ngày 5/8/2010. Trong lộ trình cổ phần hóa, sau khi IPO và niêm yết, BIC sẽ tìm một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Cụ thể, BIC sẽ bắt đầu lựa chọn đối tác chiến lược từ tháng 8/2010 và dự kiến hoàn thành trong quý I/2011. Đối tác chiến lược sẽ tập trung vào các công ty bảo hiểm/tái bảo hiểm uy tín nước ngoài. Tiêu chí cụ thể với nhà đầu tư chiến lược là hỗ trợ BIC về quản trị DN; hỗ trợ về các phương thức quản lý rủi ro; hỗ trợ phần xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý; hỗ trợ trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ mở rộng thị trường và khách hàng nước ngoài.

Thực tế, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để nâng cao năng lực quản trị điều hành, phát triển công nghệ bảo hiểm cũng là một hướng đi, nhưng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng thì việc mời gọi đối tác nước ngoài mua cổ phần không dễ dàng. Bởi dù được đánh giá là tiềm năng, nhưng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam rất khốc liệt. Hơn nữa, những DN bảo hiểm thuộc diện phải tăng vốn theo quy định cũng chưa phải là DN có tên tuổi, nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc huy động vốn tại thị trường trong nước có tính khả thi hơn.

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc BIC cho rằng, việc lựa chọn cổ đông chiến lược của BIC không phải do cần vốn. BIC cần đối tác cam kết đầu tư lâu dài, hỗ trợ phát triển sản phẩm, quản lý rủi ro, quản trị điều hành, công nghệ trên cơ sở cùng tạo lợi ích cho nhau. Vì bảo hiểm là lĩnh vực kinh doanh rất đặc thù, rất chuyên ngành, nên chỉ khi đối tác là nhà bảo hiểm lớn của thế giới, thực sự mong muốn đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam, có cùng định hướng, tầm nhìn với BIC thì việc hợp tác mới tạo ra sự khác biệt và kết quả tốt.

Vậy đâu là lợi thế khiến BIC tỏ ra khá tự tin khi chỉ quyết định chọn nhà đầu tư chiến lược “ngoại” có uy tín, trong khi thực tế thị trường cho thấy hiện nay nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ muốn tăng vốn và kêu gọi nhà đầu tư trong nước cũng khó? Ông Tùng tỏ ra tin tưởng vào thực lực và khả năng phát triển của BIC sau 4 năm xây dựng nền móng, đặc biệt khi là thành viên BIDV và được BIDV xác định sẽ đầu tư mạnh mẽ để hoạt động bảo hiểm trở thành 1 trong 2 trụ cột hoạt động chính của hệ thống ngân hàng này. “Thực tế, trong thời gian vừa qua đã có nhiều công ty bảo hiểm lớn trên thế giới và các nhà tư vấn tìm kiếm cổ đông chiến lược tìm đến BIC. Hiện BIC không bị sức ép về thời gian để có cổ đông chiến lược. Việc này sẽ thực hiện khi có đối tác phù hợp”, ông Tùng chia sẻ.

Sự tương đồng trong lĩnh vực hoạt động và khả năng hỗ trợ công nghệ, quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế và tốt hơn nữa là có thể giúp mở rộng thị trường là những yếu tố là các DN bảo hiểm phi nhân thọ rất quan tâm khi quyết định “kết duyên” với đối tác ngoại. Lý giải về việc lựa chọn OIF là cổ đông chiến lược, lãnh đạo PVI cho rằng, OIF có sự tương đồng với PVI trong lĩnh vực năng lượng, vốn là thế mạnh của PVI nên có thể hỗ trợ trong việc quản lý và đánh giá rủi ro. Ngoài ra, OIF là quỹ đầu tư trực tiếp nên rất chú trọng trong việc cùng tham gia quản lý tại các công ty mà họ góp vốn. Hợp tác với OIF cũng tạo tiền đề mở cánh cửa vào thị trường Trung Đông đầy tiềm năng.

Ông Dương Đức Chuyền, Giám đốc Khối đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt thừa nhận, thương vụ mua bán cổ phần giữa Bảo Việt với HSBC những năm trước đã hỗ trợ Bảo Việt khắc phục những điểm yếu để phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện Bảo Việt cũng là một trong số ít DN Việt Nam làm báo cáo tài chính theo chuẩn mực tài chính kế toán quốc tế. Còn Bảo Minh tiếp tục là một trong những DN hàng đầu của thị trường bảo hiểm, với những thay đổi về hoạt động quản trị kinh doanh cũng như công nghệ sau khi “kết duyên” với Tập đoàn Bảo hiểm AXA của Pháp.

Với kế hoạch IPO và niêm yết cổ phiếu một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong tương lai gần, các nhà đầu tư nước ngoài càng có thêm nhiều cơ hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam cũng sẽ nhanh chóng có sự phân hóa, phân khúc sau thời gian cạnh tranh khốc liệt và tất nhiên đây sẽ là cơ hội cho những công ty có định hướng chiến lược rõ ràng, kinh doanh bài bản, uy tín vượt lên. 
Ngọc Lan

Đầu tư Chứng khoán điện tử

Comments are closed.