Bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh gay gắt

Năm 2010, dự kiến thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có thể tăng trưởng 25%.(ĐTCK-online) Kinh tế hồi phục và hoạt động kinh doanh du lịch sôi động trở lại được kỳ vọng sẽ giúp các DN bảo hiểm tiếp tục mở rộng kinh doanh, đặc biệt là các DN bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT). Hầu hết các DN BHPNT đang nắm giữ thị phần lớn tại thị trường Việt Nam đều đưa kế hoạch tăng trưởng 10%. Tuy nhiên, năm 2010 cũng được các DN khối này đánh giá: cuộc cạnh tranh thị phần sẽ diễn ra hết sức gay gắt, nhất là đối với thị trường bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tài sản…

Tăng chi phí bán hàng, mở rộng điều kiện bảo hiểm và hạ phí bảo hiểm là một trong những “chiêu” cạnh tranh phổ biến nhất trên thị trường BHPNT hiện nay. Theo đại diện Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh, không ít DN nhỏ mới vào thị trường đã dùng đủ mọi “chiêu” để cạnh tranh. Không chỉ hạ phí bảo hiểm và tăng phí hoa hồng bằng nhiều cách, các DN còn copy luôn sản phẩm bảo hiểm của các DN khác, sửa sang lại biến thành sản phẩm của mình. Phí bảo hiểm nhiều sản phẩm BHPNT hiện tại đã được nhiều DN hạ xuống mức tối đa có thể. Nhưng vấn đề có chất lượng hay không thì chưa ai biết, vì kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh lời hứa.

“Bảo Minh là DN bảo hiểm hoạt động khá lâu và có thị phần lớn trên thị trường mà còn rất khó khăn, trong khi đó, một số DN lấy mức phí bảo hiểm của Bảo Minh làm chuẩn trừ đi 5-10% để tạo thành mức phí của mình thì không hiểu hiệu quả kinh doanh sẽ thế nào? Hơn nữa, việc hạ phí như vậy đang khiến thị trường ngày càng xấu đi”, đại điện Bảo Minh chia sẻ.

Tổng giám đốc một DN BHPNT khác cũng thừa nhận, nhiều DN bảo hiểm thực hiện giao chỉ tiêu doanh thu mà chưa giao chỉ tiêu hiệu quả, nên các chi nhánh, phòng giao dịch tập trung khai thác mà không tính đến hiệu quả kinh doanh. Chính vì thế đã xảy ra tình trạng có nhiều dịch vụ bảo hiểm rất rủi ro nhưng khi DN này buông ra thì ngay lập tức lại có DN khác lao vào, đặc biệt là loại hình bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ…

Sự cạnh tranh gay gắt của thị trường buộc các DN phải tăng chi phí dưới hình thức khuyến mại… khiến kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm của hầu hết các DN BHPNT trong nước năm 2009 đều lỗ. Năm 2009 tổng số lỗ của toàn thị trường 264 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ có “cứu cánh” từ hoạt động đầu tư tài chính mang lại nên tổng doanh thu năm 2009 các DN BHPNT vẫn có những kết quả khả quan. Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2009 tổng số tiền đầu tư của thị trường phi nhân thọ đạt 19.313 tỷ đồng, tăng 27,23%; lợi nhuận hoạt động tài chính đạt 1.357 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2008. Không chỉ các DN hoạt động lâu năm có lãi trong hoạt động tài chính mà những DN mới đi vào hoạt động cũng thu được lợi nhuận khá cao từ hoạt động này như: Bảo hiểm Hàng không đạt 66,2 tỷ đồng; Bảo hiểm Than khoáng sản đạt 32,4 tỷ đồng….

Việc Bộ Tài chính tiếp tục cấp phép cho các công ty bảo hiểm mới (Công ty Bảo hiểm Thái Sơn mới ra đời nâng tổng số DN BHPNT lên 28 DN) sẽ khiến thị trường nhiều tiềm năng này ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn. Trong khi đó, rủi ro từ sự thất thường của thời tiết cũng có thể khiến tỷ lệ tổn thất tăng cao. Ngoài ra, một số DN bảo hiểm cũng phải đối mặt với tình trạng chi phí tăng lên, một số dịch vụ bảo hiểm sẽ được các tập đoàn kinh tế chuyển về cho công ty bảo hiểm mà họ góp vốn. Chẳng hạn như các dịch vụ bảo hiểm cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Than khoáng sản đã chuyển về cho Công ty Bảo hiểm Than khoáng sản… Đại diện Bảo Minh cho biết, DN này không tiếp tục bảo hiểm cho toàn bộ đội tàu và các dịch vụ đóng tàu của Vinashin nữa do phí chỉ được trả bằng trái phiếu DN (Vinashin), điều này cũng làm giảm doanh thu đáng kể trong năm 2010 của Bảo Minh (dự kiến 70 tỷ đồng). DN này cũng tiếp tục xem xét bỏ các dịch vụ khác mà khả năng tài chính không đảm bảo, nợ dây dưa kéo dài.

Thận trọng trước khi quyết định có nên nhận bảo hiểm hay không những lĩnh vực có tỷ lệ tổn thất tương đối cao chính là cách giảm thiểu rủi ro tốt nhất mà khá nhiều DN BHPNT sẽ thực hiện trong năm 2010. Đại diện Công ty Bảo hiểm MIC cho biết, DN này cũng đã hạn chế nhận bảo hiểm một số dịch vụ có tỷ lệ tổn thất cao.

Năm 2010, dù dự kiến thị trường BHPNT có thể tăng trưởng tới 25% so với năm 2009 nhưng một số DN thừa nhận, để đạt được mục tiêu tăng trưởng không phải là dễ. Chính vì thế, đối với mảng hoạt động chính là kinh doanh bảo hiểm, dù dư địa thị trường còn rộng lớn nhưng nhiều DN bảo hiểm, kể cả những DN đang đứng trong Top 5 của thị trường cũng phải thừa nhận rằng, năm 2010 để thực hiện được việc không lỗ trong kinh doanh bảo hiểm đã là một thành công lớn. Đầu tư tài chính vẫn được xem là hoạt động mang lại lợi nhuận chính cho các DN khối này trong năm nay.       

Ngọc Lan
Đầu tư Chứng khoán điện tử

Comments are closed.