Bảo hiểm ô tô: miếng bánh đang mất dần về tay các nhà sản xuất xe

(Webbaohiem) – Cùng với sự phát triển của công nghệ kết nối Internet và đặc biệt là sự ra đời của xe không người lái, ngành bảo hiểm ô tô truyền thống sẽ phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng cao từ các hãng chế tạo xe hơi.

Bảo hiểm xe ô tô

Doanh nghiệp bảo hiểm đã phải vật lộn trong nhiều năm qua để có được lợi nhuận từ nghiệp vụ bảo hiểm ô tô do mức độ cạnh tranh và khiếu nại gian lận ngày càng gia tăng. Giờ đây, ngành bảo hiểm càng phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn do các công nghệ mới cho phép cung cấp những thông tin quan trọng về hành vi của người lái xe, trong đó có tốc độ xe chạy khi xảy ra tai nạn, trực tiếp tới hãng chế tạo ô tô.

Theo ông Kenny Leitch, Giám đốc telematics (công nghệ thu phát sóng từ xa) tại hãng bảo hiểm RSA của Anh, các nhà sản xuất ô tô muốn trực tiếp cung cấp bảo hiểm ô tô cho chủ xe nhằm giảm thiểu rủi ro – chẳng hạn rủi ro cháy nổ với dòng xe Jaguar XF khiến hãng xe Jaguar Land Rover Bắc Mỹ phải thu hồi hàng loạt ô tô đời 2010-2012 và thay thế bằng xe BMW được ưa chuộng hơn.

“Có thể nhận thấy các nhà sản xuất ô tô đang muốn thâu tóm quyền kiểm soát rủi ro chứ không muốn doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện điều này”, ông nói.

Ông Kenny Leitch cho biết, RSA đang trong quá trình thảo luận với các hãng xe nhằm tìm ra cơ chế phối hợp hiệu quả.

Một trong những cách tháo gỡ vấn đề này là thiết lập quan hệ đối tác giữa hai bên.

Chẳng hạn, hãng xe Toyota và công ty bảo hiểm Aioi Nissay Dowa của Nhật Bản đang lập kế hoạch cùng phát triển sản phẩm bảo hiểm dựa trên thói quen của lái xe.

Một số hãng xe, như Jaguar Land Rover, BMW, Ford và General Motors, đang sản xuất xe ô tô kết nối với điện thoại thông minh, cho phép người lái có thể thực hiện rất nhiều thao tác – từ việc bấm còi bằng điều khiển từ xa cho tới việc ghi lại lực của lái xe nhấn lên chân phanh và chân ga. Những dữ liệu này sau đó sẽ được sử dụng để định giá các hợp đồng bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm, từ trước tới nay vốn chậm nắm bắt công nghệ mới, cần cố gắng theo kịp xu hướng này.

Ông Mark Wilson, Tổng Giám đốc hãng bảo hiểm Anh quốc Aviva, ví von: “trong khi các ngành khác đang trên tàu vũ trụ đi khám phá Sao Hỏa thì ngành bảo hiểm vẫn còn ở thời kỳ đồ đá”.

Mới đây, tại khu phố công nghệ Hoxton của Luân đôn đã hình thành một trung tâm công nghệ số nhằm sản sinh các ý tưởng về sản phẩm mới và làm cho chúng trở nên dễ tiếp cận hơn thông qua các thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh.

“Chúng ta cũng cần tạo ra con tàu vũ trụ cho riêng mình”, ông Wilson nói.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang bắt đầu sử dụng telematics – hộp đen gắn trong xe ô tô – nhằm theo dõi hành vi của lái xe trên đường và đưa ra mức phí thấp hơn cho những người lái xe an toàn.

Theo công ty tư vấn Ptolemus, từ năm 2013 đến 2015, số hợp đồng bảo hiểm sử dụng công nghệ telematics tăng gấp 3 lần tại Mỹ, đạt 6,8 triệu hợp đồng, và tăng gấp đôi tại châu Âu – lên 5,1 triệu hợp đồng.

Tuy nhiên, sự ra đời của công nghệ xe không người lái có thể đẩy cán cân cạnh tranh nghiêng nhiều hơn về phía các hãng sản xuất xe.

Với doanh thu trên 500 tỷ USD, thị trường bảo hiểm ô tô toàn cầu đang có quy mô khá lớn. Dẫu vậy, ông Graham Jackson, thành viên góp vốn tại PwC, cảnh báo về nguy cơ xảy ra “khủng hoảng tồn tại” đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong năm tới, nhà sản xuất xe Volvo sẽ thử nghiệm ô tô tự hành không người lái tại Luân đôn. Bên cạnh đó, Volvo, Mercedes và Google cho biết sẽ chịu trách nhiệm về các tai nạn xảy ra đối với xe không người lái do họ sản xuất. Điều này có nghĩa là chủ xe chỉ cần mua thêm bảo hiểm hỏa hoạn và trộm cắp nữa là đủ.

Ông Jerry Albright, Giám đốc rủi ro bảo hiểm và định phí tại KPMG, nhận định: “Cùng với xu thế tự động hóa ngày càng cao của ô tô… chúng tôi tin rằng phần trách nhiệm bảo hiểm chuyển sang nhà sản xuất xe hoặc đơn vị cung cấp thuật toán cho ‘bộ não’ của xe sẽ nhiều hơn”.

“Liệu đến một thời điểm nào đó, cán cân này nghiêng nhiều đến mức các hãng sản xuất xe tuyên bố: ‘Chúng tôi sẽ bảo hiểm tất cả xe sản xuất ra’?”.

Một báo cáo của KPMG năm 2015 đánh giá rằng thị phần bảo hiểm ô tô cá nhân sẽ giảm 40% trong vòng 25 năm tới. Bên cạnh việc các nhà sản xuất xe đứng ra nhận bảo hiểm thì việc ra đời hàng loạt xe không người lái làm giảm số vụ tai nạn cũng sẽ làm phí bảo hiểm sụt giảm mạnh.

Theo công ty tư vấn Capgemini, mối đe dọa lớn nhất cho ngành bảo hiểm ô tô đến từ Google do hãng này sở hữu thương hiệu mạnh và khả năng khai thác dữ liệu của khách hàng.

Ông Graham Jackson nói: “Các công ty như Google là chuyên gia trong việc bảo vệ giá trị. Nếu có lợi nhuận từ việc cấp đơn bảo hiểm thì nhất định họ sẽ làm”.

Nhưng những người khác không cho rằng Google đã sẵn sàng gia nhập thị trường bảo hiểm với hàng loạt quy định phức tạp. Dẫn chứng cho điều này là việc Google mới đây đã phải chấm dứt hoạt động của một website so sánh bảo hiểm online.

 

Trong lịch sử ngành bảo hiểm, ra đời từ năm 1688 tại quán cà phê Edward Lloyd ở Luân đôn, đã từng phải đối mặt với sự xuất hiện của xe hơi, máy bay và tàu vũ trụ.

Theo các chuyên gia, ngành bảo hiểm sẽ phải tiếp tục thích nghi với xu thế công nghệ hiện nay, bằng cách đưa ra các sản phẩm bảo hiểm mạng máy tính nhằm bảo vệ trước rủi ro hacker tấn công xâm nhập các xe hơi kết nối mạng hoặc xe hơi không người lái, hoặc các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm cho nhà sản xuất ô tô.

Ông Kymberly Kochis, thành viên góp vốn tại công ty luật Sutherland Asbill & Brennan (New York), bình luận: “Tôi cho rằng điều này không làm ngành bảo hiểm sợ hãi và sẽ không thể khiến bảo hiểm ô tô sụp đổ – đây là lĩnh vực mà các công ty bảo hiểm luôn chú tâm”.

Trần Lâm (Theo Reuters).

 

Comments are closed.