Bảo hiểm nông sản: Làm ít, ‘vẽ’ nhiều (Kỳ 3)

Các hộ nuôi bò ở Sơn La đồng tình tham gia bảo hiểm mà không cần Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: Đức Long.“Muốn triển khai bảo hiểm nông nghiệp thành công, điều quan trọng không hẳn là hỗ trợ bao nhiêu tiền mà cần giúp doanh nghiệp và nông dân cùng nhau tát nước chống hạn, chia sẻ rủi ro”.

Đó là ý kiến của ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Cũng teo ông Lộc, ngân sách không phải là nguồn vô tận đế nuôi mãi doanh nghiệp và hỗ trợ nông dân.

Tham gia bảo hiểm phải có đạo đức

Trước đây, hầu như doanh nghiệp (DN) phải tự mày mò làm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), nay lần đầu tiên có một đề án nghiên cứu dày công, đề xuất mức hỗ trợ khá lớn sẽ khiến DN hào hứng hơn với BHNN. Tuy nhiên, theo ông Lộc, cần lưu ý bầu sữa ngân sách không vô tận để “nuôi” mãi DN và hỗ trợ nông dân. Cũng cần tránh tình trạng người cần bảo hiểm lại không có tiền mua, trong khi đối tượng không quá khó khăn lại được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nói cách khác là phải hỗ trợ đúng, trúng đối tượng. Sau nữa, cần tập trung khắc phục tình trạng gian lận bảo hiểm vốn diễn ra phổ biến và rất khó kiểm soát. “Theo tôi, cần xây dựng đạo đức bảo hiểm cho cả DN và nông dân tham gia”, ông Lộc nói.
Ở các vùng nông thôn, do quan hệ họ hàng làng xã, cả làng là họ hàng nên rủi ro đạo đức tham gia bảo hiểm cũng không nhỏ. Chẳng hạn, trong việc thẩm định rủi ro, xác định mức độ thiệt hại bồi thường, có khi chủ tịch xã, trưởng thôn lại là anh em, cháu chắt của người được thẩm định, nên dẫn tới không công tâm, công bằng.
Đã có những trường hợp cụ thể, như Bảo Việt khi triển khai bảo hiểm cho lợno, có cử cán bộ xuống địa bàn đánh dấu những con lợn được bảo hiểm bằng cách cắt một góc tai (phân biệt với lợn không được bảo hiểm). Lập tức nhiều hộ trên địa phương này cũng thi nhau cắt tai lợn để khi cần thì đổi lợn để được bồi thường. Hay trường hợp Groupama khi triển khai bảo hiểm bò sữa, mang từ Pháp sang Việt Nam một loại vòng đeo đặc biệt vào chân bò để đánh dấu những con trong diện được bảo hiểm. Vậy mà không hiểu sao, những vòng này vẫn bị làm nhái để gian lận, tăng số lượng bò vào diện được bồi thường thiệt hại…

Cả hai cùng phải có thiện chí

Thực tế gần 20 năm thực hiện BHNN cho thấy, chủ trương, chính sách này thất bại là vì tệ làm quan liêu, hình thức, thiếu thực tiễn, “vẽ” nhiều hơn làm. Do vậy, để tránh vết xe đổ này, theo ông Nguyễn Văn Khang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, mấu chốt là phải “giải quyết vấn đề từ lợi ích của nông dân và doanh nghiệp, khi cả hai đều có lợi ích thì mới bền”.

Ông Hoàng Xuân Điều, Phó phòng Bảo hiểm xe cơ giới của Bảo Việt cho hay, kinh nghiệm thực tế trong và ngoài nước cho thấy, cần thiết phải xây dựng cơ chế riêng cho BHNN, trong đó có việc nhà nước nhận tái bảo hiểm cho DN kinh doanh bảo hiểm. DN cần đa dạng các hình thức bảo hiểm như: bảo hiểm chỉ số, bảo hiểm thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp. Còn ông Phùng Đắc Lộc thì cho rằng DN cũng cần tránh cách làm việc quan liêu, đủng đỉnh khi xác định mức độ thiệt hại và thời gian bồi thường cho dân.

Từ thực tế những tồn tại này trong BHNN ở Việt Nam hiện nay, nhà nước cần hỗ trợ DN chi phí quản lý, tức là cần cử người làm đại diện trung gian, để họ xuống từng thôn, xã. Có như vậy mới quản lý rủi ro. “Nguyên tắc là DN – nông dân cùng tát nước chống hạn, chia sẻ rủi ro, sẽ giúp giảm một nửa chi phí và tăng tính liên kết cho hai phía”, ông Lộc nói.

Lam Thanh
www.baodatviet.vn

Comments are closed.