Bảo hiểm nông nghiệp

ND – Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp nước ta thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán, bão, lũ. Không những thế, người nông dân cũng liên tục đối mặt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi như: Dịch vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen hại lúa, dịch tai xanh trên lợn, dịch lở mồm long móng trên gia súc, dịch cúm gia cầm.
Theo thống kê, mỗi năm, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra với sản xuất nông nghiệp lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ðó là chưa kể đến “căn bệnh trầm kha” lâu nay là được mùa,  mất giá. Những khó khăn, thua thiệt khi tiêu thụ nông sản: Khi có thiên tai, dịch bệnh hay biến động của thị trường, nông dân luôn phải đối mặt với những rủi ro.

Ðề án bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2010-2012 vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ là biện pháp giúp nông dân hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, và tình trạng bấp bênh trong tiêu thụ nông sản.

Theo đề án BHNN nói trên, dự kiến năm 2010, không chỉ nông dân nghèo, các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp khi tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có thể được Nhà nước hỗ trợ mức phí đóng bảo hiểm. Ðây là biện pháp kích cầu, góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Trước đây, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đã thử triển khai BHNN, nhưng không thành công. Nguyên nhân chính là nông dân sản xuất manh mún, chưa có thói quen mua bảo hiểm. Thêm vào đó, còn nhiều băn khoăn lo ngại về việc đánh giá thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp không khách quan, mất nhiều thời gian và thủ tục… Vì vậy, việc đề án dự kiến hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp sản xuất mức phí đóng bảo hiểm từ 50 đến 90% tùy theo đối tượng (trong đó nông dân nghèo dự kiến được hỗ trợ 80 đến 90%) hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn hơn tham gia BHNN.

Sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế ở nước ta. Ðây là thị trường tiềm năng cho hoạt động bảo hiểm. Và ngược lại, BHNN là chỗ dựa tránh rủi ro giúp người nông dân đứng vững trước thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Tuy nhiên muốn thực hiện tốt chính sách BHNN cũng cần phải có một quá trình, từ xây dựng mô hình thí điểm rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Ðồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần cải tiến thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân thuận tiện hơn trong các quá trình tham gia, thẩm định thiệt hại và chi trả bảo hiểm.

Bảo Trung
Nhân Dân

Comments are closed.