Bảo hiểm nông nghiệp: Những khó khăn lớn

altĐây là nhận định chung tại hội nghị tổng kết đánh giá thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vừa diễn ra ngày 9/5/2013 tại Hà Nội do Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Ông Trịnh Thanh Hoan- Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)- cho hay, tính từ khi triển khai thí điểm đến hết ngày 30/4/2013 đã có 234.235 hộ dân tham gia ký hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), trong đó có 80,8% là hộ nghèo. Tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản hơn 5.400 tỷ đồng, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là 303,3 tỷ đồng. Tổng số tiền bồi thường khoảng 516 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả đạt được khả quan nhưng nhìn chung trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn bởi BHNN là loại hình bảo hiểm phức tạp, lần đầu thí điểm, nên cơ quan quản lý phải thường xuyên rà soát cơ chế chính sách, đánh giá và sửa đổi bổ sung kịp thời để đáp ứng được thực tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong nghiệp vụ như: Kiểm soát, hạn chế rủi ro và giám định tổn thất từ khâu kiểm tra, xác định, đánh giá đối tượng được bảo hiểm, rủi ro bảo hiểm, xác định thiệt hại…

Có một vấn đề khác: Đề phòng sự trục lợi từ BHNN. Tại hội nghị, đại diện Ban chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm BHNN tỉnh Trà Vinh cho hay, qua tính toán cho thấy mức bồi thường đối với đối tượng bảo hiểm cá tra cao hơn giá trị đầu tư thực tế tới 1,2- 1,5. Cùng với giá tôm, cá nguyên liệu đang sụt giảm, đây là nguyên nhân khiến một bộ phận người tham gia bảo hiểm thiếu quan tâm chăm sóc tôm, cá mà chỉ tính toán trục lợi từ chương trình BHNN.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Huy Đăng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội- cho rằng, theo quy định, điều kiện nhận bảo hiểm bò sữa là phải nhận toàn bộ số bò sữa đang nuôi tại gia đình. Trong trường hợp này rất dễ nảy sinh trục lợi bảo hiểm do người dân tham gia cả những bò già, bò kém chất lượng sắp loại thải… 

Đáng chú ý, rủi do trong BHNN nhiều khi mang tính thảm họa, mức độ thiệt hại rất lớn vượt quá năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, do vậy, các doanh nghiệp cần thiết phải có sự hỗ trợ, hậu thuẫn của các nhà tái bảo hiểm.

Để việc thực hiện thí điểm BHNN thành công, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Ngoài cơ chế hỗ trợ phí bảo hiểm cho người sản xuất nông nghiệp, cần thiết nghiên cứu, xem xét cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tham gia triển khai thí điểm BHNN trong trường hợp tổn thất xảy ra.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay, trước hết với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi việc áp dụng các chính sách vào thực tiễn, kịp thời phối hợp với địa phương đánh giá, sửa đổi nếu xuất hiện vướng mắc; tập trung hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành với phương châm tích cực, chủ động, quyết liệt nhưng chắc chắn, bảo đảm an toàn; tích cực tuyên truyền về nghĩa vụ, trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để phòng ngừa, xử lý nghiêm các vi phạm…

Theo Vũ Điền – Baocongthuong

{fcomment}

Comments are closed.