Bảo hiểm Nông nghiệp – những bài học thành công – Phần 2: Hệ thống sản phẩm

2. HỆ THỐNG SẢN PHẨM
2.1. Tại Tây Ban Nha
    Hiện nay, tất cả các rủi ro có thể được bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp tại Tây Ban Nha đều được bảo hiểm bởi các công ty bảo hiểm tư nhân, đồng thời tất cả các dạng hợp đồng bảo hiểm đều được Nhà nước tài trợ một phần phí. Hiện tại, có ba dạng hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp sau:
    – Hợp đồng bảo hiểm cho một loại rủi ro duy nhất;
    – Hợp đồng bảo hiểm đa rủi ro;
    – Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro.
    Trong số đó, hợp đồng bảo hiểm đa rủi ro là phổ biến hơn cả.
    Người tham gia bảo hiểm có thể là cá nhân từng nông dân hoặc một nhóm nông dân (dưới dạng hợp tác xã hoặc các tổ chức nghề nghiệp…) và việc tham gia bảo hiểm là hoàn toàn tự nguyện. Nông dân ở nước này có thể lựa chọn tới 58 loại sản phẩm khác nhau – trong số đó, tất cả các cây trồng đều được bảo hiểm, ngoài ra còn có 3 sản phẩm bảo hiểm vật nuôi và 5 sản phẩm bảo hiểm nuôi trồng thủy sản.
2.2. Tại Mỹ
2.2.1.  Bảo hiểm mùa màng đa rủi ro (Multi-Peril Crop Insurance)
    Năm 1994, Mỹ đã ban hành Luật sửa đổi Bảo hiểm mùa màng. Theo đó, bảo hiểm mùa màng đã được kết hợp cùng với chương trình trợ cấp thiên tai để hình thành nên chương trình Bảo hiểm mùa màng đa rủi ro (MPCI).
    Phạm vi bảo hiểm của MPCI chủ yếu là các rủi ro có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm lũ, lụt, mưa đá, gió lớn, độ ẩm cao và các thảm họa khác. Chương trình này có đối tượng bảo hiểm là tất cả các loại cây trồng chính – tổng số có trên 70 loại.
    MPCI được xây dựng trên cơ sở thống kê sản lượng thu hoạch thực tế của từng hộ nông dân, từng trang trại riêng biệt. Sản lượng làm cơ sở tính phí bảo hiểm là sản lượng thực tế bình quân quá khứ trên mảnh đất của người được bảo hiểm trong khoảng từ 4 đến 10 năm. Nếu hộ nông dân nào không có những số liệu này thì việc tính phí sẽ được xây dựng trên cơ sở thống kê về sản lượng bình quân của hạt (đơn vị hành chính dưới bang) nơi họ đang sinh sống trong vòng 4 năm.
    Hiện tại, có ba loại chương trình Bảo hiểm mùa màng đa rủi ro dưới đây:
* Bảo hiểm rủi ro thảm họa (Catastrophic Risk Protection: CAT)
    CAT bảo hiểm cho 50% sản lượng thực tế bình quân quá khứ ở mức 55% giá thị trường dự kiến. Giá tham chiếu là mức giá dự kiến trong suốt thời gian thu hoạch do Công ty bảo hiểm mùa màng liên bang (FCIC) thông báo. Do đó, đối với mỗi tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm, nông dân sẽ nhận được khoản tiền bồi thường tương ứng với 27,5% tổng doanh thu dự kiến.
    Một ưu đãi rất lớn trong chương trình CAT là phí bảo hiểm được Chính phủ Mỹ tài trợ toàn bộ. Nông dân chỉ phải trả 50 USD chi phí quản lý cho mỗi mùa vụ và mỗi hạt nơi họ canh tác. Từ năm 1999, mức chi phí quản lý này đã tăng lên 60 USD. Tuy nhiên, theo quy định, tổng phí quản lý mà nông dân chỉ phải trả cho tất cả các mùa vụ trên tất cả các hạt mà họ canh tác không vượt quá 600 USD. Đối với những nông dân có thu nhập thấp (dưới 20.000 USD từ tất cả các nguồn trong vòng hai năm trước đó) sẽ có thể được miễn đóng góp khoản phí quản lý này.
* Bảo hiểm toàn phần
    Mức sản lượng và mức giá có thể được bảo hiểm cao hơn chương trình CAT: mức sản lượng bảo hiểm có thể dao động từ 5% đến 85% sản lượng thực tế bình quân quá khứ và mức giá được bảo hiểm có thể lên tới 100% giá thu hoạch dự kiến. Để tham gia bảo hiểm, nông dân phải đóng phí bảo hiểm và chi phí quản lý, đồng thời Nhà nước cũng thực hiện tài trợ một phần phí bảo hiểm.
* Bảo hiểm rủi ro nhóm (Group Risk Plan: GRP)
    Chương trình bảo hiểm này dựa trên cơ sở sản lượng thu hoạch bình quân chung của cả hạt mà không dựa vào sản lượng thu hoạch thực tế của từng hộ nông dân. Nếu sản lượng thu hoạch của hạt trong năm thấp hơn mức được bảo hiểm, người được bảo hiểm sẽ được nhận tiền bồi thường, bất kể sản lượng thu hoạch của họ có bị giảm sút hay không.
    Ngoài ra, ở Mỹ còn tồn tại một Chương trình bảo hiểm bổ trợ (Non-insured Program: NAP) dành cho những cây trồng không thuộc phạm vi bảo hiểm của một trong ba loại hình bảo hiểm nói trên. Để có thể được bồi thường, NAP yêu cầu tỷ lệ tổn thất tại một vùng nhất định ít nhất phải đạt 35%, trong đó phải có tối thiểu 5 người được bảo hiểm bị tổn thất. Vùng có thể là hạt hay một số hạt tiếp giáp nhau, cũng có thể là một khu vực có diện tích canh tác ít nhất là 130.000 ha hoặc khu vực có giá trị thu hoạch của loại cây trồng được bảo hiểm tối thiểu là 80 triệu USD/năm. Nông dân tham gia chương trình NAP được hoàn toàn miễn phí.
2.2.2. Bảo hiểm doanh thu
    Bảo hiểm doanh thu được xây dựng trên hai yếu tố cơ bản là sản lượng thu hoạch và giá bán sản phẩm. Nếu doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu được bảo hiểm, nông dân sẽ được bồi thường.
    Loại sản phẩm này được Chính phủ liên bang trợ cấp một phần phí bảo hiểm cho nông dân và một phần chi phí quản lý cho doanh nghiệp bảo hiểm. Thêm vào đó, Nhà nước còn đứng ra nhận tái bảo hiểm một phần cho các công ty bảo hiểm đối với mỗi sản phẩm.
    Bảo hiểm thu nhập: cung cấp sự đảm bảo đối với doanh thu dựa trên cơ sở sản lượng dự kiến và giá bán nông phẩm tại thời điểm thu hoạch. Việc tính toán doanh thu được bảo hiểm căn cứ vào giá đóng cửa bình quân ngày liền trước của thị trường đối với loại nông phẩm đó. Mức độ đảm bảo có thể dao động từ mức doanh thu được bảo hiểm của CAT (50% sản lượng, 100% giá bán, phí quản lý) cho đến 75% sản lượng thu hoạch thực tế, đặc biệt một số hạt có tỷ lệ này lên tới 85%.
    Bảo hiểm doanh thu mùa màng: Mức độ đảm bảo bảo hiểm là từ 50% đến 75%, cá biệt có thể tới 85%. Điểm nổi bật của sản phẩm này là doanh thu được bảo hiểm có thể được tính tăng lên trong thời gian thu hoạch nếu giá bán sản phẩm cao hơn giá được bảo hiểm trong hợp đồng.
    Bảo đảm doanh thu: Mức độ đảm bảo bảo hiểm nằm trong khoảng từ 65%-75% của thu nhập được bảo hiểm.
2.2.3. Phí bảo hiểm và hỗ trợ phí bảo hiểm
    Thông qua FCIC và RMA, Chính phủ ấn định mức phí bảo hiểm nông nghiệp trên thị trường. Việc tính phí của từng loại cây trồng được xây dựng căn cứ vào số liệu thống kê rủi ro đối với loại cây đó trong vòng 20 năm.
    Mức trợ cấp phí bảo hiểm của Chính phủ tùy thuộc vào loại sản phẩm và mức độ đảm bảo bảo hiểm. Tháng 6/2000, Luật bảo hiểm rủi ro nông nghiệp 2000 ra đời, theo đó mức độ trợ cấp và phạm vi bảo hiểm đã được mở rộng đáng kể, như minh họa trong Bảng 1 dưới đây:

Bảng 1: Những thay đổi về mức trợ cấp phí bảo hiểm theo Luật bảo hiểm rủi ro nông nghiệp 2000

alt

2.2.4. Cấu trúc đơn vị của hợp đồng bảo hiểm
    Theo quy định, tất cả các diện tích canh tác đủ điều kiện bảo hiểm đều bắt buộc phải được bảo hiểm. Mục đích là nhằm làm giảm khả năng lựa chọn bất lợi của nông dân đối với các công ty bảo hiểm. Tuy vậy, nông dân có thể chia nhỏ diện tích canh tác của mình thành nhiều đơn vị bảo hiểm khác nhau, mỗi đơn vị được bảo hiểm một cách độc lập. Điều này có nghĩa là người được bảo hiểm có thể được nhận tiền bồi thường trên một đơn vị diện tích này – chẳng hạn do mưa đá – trong khi một đơn vị diện tích khác (thuộc cùng khu vực canh tác của họ) lại vẫn được mùa.
    Cấu trúc đơn vị là một bộ phận rất quan trọng của hợp đồng bảo hiểm bởi lẽ nó quyết định mức đảm bảo bảo hiểm, phí bảo hiểm và khoản tiền bồi thường cho những tổn thất có thể xảy ra. Thông thường, nông dân muốn chia nhỏ mảnh đất của mình thành càng nhiều đơn vị càng tốt để có thể tối đa hóa sự đảm bảo của nhà bảo hiểm, mặc dù điều này kéo theo hệ quả là phí bảo hiểm tăng lên theo số lượng đơn vị diện tích bảo hiểm.
2.3. Tại Canađa
    Canađa có ba chương trình bảo hiểm cơ bản đối với sản lượng và thu nhập của nông dân, gồm có:
2.3.1. Chương trình bảo hiểm mùa màng (Crop Insurance Programme: CI)
    Bảo hiểm mùa màng ở Canađa được triển khai từ năm 1939. Rủi ro được bảo hiểm của sản phẩm này là những rủi ro có nguồn gốc tự nhiên như lũ, lụt, mưa đá, sương muối, độ ẩm quá cao, sâu bệnh… Mức độ đảm bảo tối đa là 80%, thậm chí đến 90% đối với những loại cây trồng rủi ro thấp.
    Chính phủ trung ương sẽ tài trợ phí bảo hiểm khi chương trình bảo hiểm đáp ứng được một số các điều kiện cơ bản, trong đó hai điều kiện then chốt là: (1) tỷ lệ phí bảo hiểm phải được xây dựng trên các cơ sở định phí hợp lý, và (2) phương pháp dự báo sản lượng cây trồng phải phản ánh trung thực sản lượng thu hoạch quá khứ.
    Việc đóng góp phí của Chính phủ được quy định trong Luật Bảo vệ thu nhập nông trại. Những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Lương thực Canađa hàng năm cấp khoảng 200 triệu USD cho các chương trình bảo hiểm nông nghiệp từ nguồn ngân quỹ trị giá 600 triệu USD. Hiện tại, Chính phủ trung ương và chính quyền mỗi tỉnh đều tiến hành tài trợ 25% phí bảo hiểm và 50% chi phí quản lý cho các chương trình bảo hiểm nông nghiệp.
    Cũng theo quy định của Luật Bảo vệ thu nhập nông trại, chính quyền trung ương còn có thể hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp bằng cách tham gia vào các hợp đồng tái bảo hiểm với các tỉnh. Hiện đã có 6 tỉnh tham gia hợp đồng tái bảo hiểm dạng này.
2.3.2. Tài khoản bình ổn thu nhập thuần (Net Income Stabilisation Account: NISA)
    Đây là một chương trình tự nguyện trên cơ sở phối hợp giữa nhà nông, Chính phủ và chính quyền các tỉnh. Theo đó, hàng năm nông dân được gửi tiền vào tài khoản NISA và những tài khoản này sẽ được bổ sung bằng nguồn đóng góp của Chính phủ. Đối tượng được tham gia chương trình này là tất cả nông dân có nộp thuế thu nhập trang trại và một số các hợp tác xã, nông trường.
    Tỷ lệ tài trợ của tài khoản NISA là 1-1 đối với mỗi khoản tiền gửi của nông dân. Theo quy định hiện hành, nông dân được phép gửi vào tài khoản tối đa là 3% doanh thu thuần hợp lệ và họ sẽ nhận được mức độ tài trợ tương ứng từ phía Nhà nước (trong đó 2% là từ Chính phủ trung ương và 1% từ chính quyền tỉnh). Đồng thời, nông dân cũng có thể gửi thêm một khoản tiền gửi bổ sung bằng 20% doanh thu thuần được bảo hiểm, tuy nhiên Nhà nước sẽ không đóng góp cho khoản tiền bổ sung này. Dẫu vậy, cả hai khoản tiền gửi cơ bản và tiền gửi bổ sung vào tài khoản NISA đều được hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn 3% so với lãi suất phổ thông trên thị trường.
    Trong những năm mất mùa, nông dân chỉ có thể rút tiền từ tài khoản này để chi dùng, tuy nhiên phải thỏa mãn một trong hai điều kiện. Một là biên tổng thu nhập của nông dân trong năm thấp hơn biên tổng thu nhập trung bình trong vòng 5 năm trước. Biên tổng thu nhập (của mỗi nông dân) được tính bằng cách lấy doanh thu của tất cả nông phẩm trong năm cộng với các khoản thu nhập khác trong nông nghiệp rồi trừ đi các chi phí hợp lý. Hai là thu nhập của nông dân (từ tất cả các nguồn) thấp hơn mức thu nhập tối thiểu bằng 10.000 USD cộng thêm các khoản tiền gửi lớn nhất của người nông dân đó trong năm.
2.3.3. Trợ cấp thiên tai trong nông nghiệp (Agricultural Income Disaster Assistance: AIDA)
    Đây là một chương trình trợ cấp của Chính phủ Canađa nhằm hỗ trợ nông dân trong trường hợp sụt giảm thu nhập trầm trọng do hậu quả của thiên tai mà các chương trình bảo hiểm hiện tại không đáp ứng được. Chương trình này được sự phối hợp của Chính phủ và chính quyền tỉnh với tỷ lệ đóng góp tương ứng là 60%-40%. Khoản đóng góp ban đầu của Chính phủ cho chương trình là 900 triệu USD.
    Đối tượng được tham gia chương trình là tất cả các hộ nông dân, các nông trường, hợp tác xã và các quỹ tín thác có đóng thuế thu nhập trang trại. Người tham gia không phải đóng góp bất kỳ một khoản chi phí quản lý nào.
    Đối tượng bảo hiểm của AIDA là tất cả các sản phẩm hàng hóa của trang trại. Cơ sở bảo hiểm là biên tổng thu nhập của trang trại (bằng tổng thu nhập của chủ trang trại sau khi trừ các chi phí hoạt động trong năm).
    Mức độ đảm bảo tối đa là 70% biên tổng thu nhập bình quân trong vòng 3 năm trước. Phần đảm bảo của Chính phủ trung ương đối với từng hộ gia đình không vượt quá 175.000 USD, còn đối với các nông trường, hợp tác xã thì khoản tiền bồi thường tương ứng với số lượng cổ đông (nhưng tối đa là 5 người). Phần đảm bảo của chính quyền tỉnh tùy thuộc vào chương trình AIDA cụ thể của từng tỉnh.
    Tất cả nông dân tham gia AIDA đều có quyền được hưởng trợ cấp của chương trình này, cho dù họ có hoặc không tham gia vào NISA, bảo hiểm mùa màng cũng như các chương trình bảo hiểm khác. Mặc dù vậy, các khoản tiền bồi thường của AIDA đều sẽ phải khấu trừ khoản tiền đóng góp tương ứng của Nhà nước trong Tài khoản NISA cho dù họ có là thành viên của NISA hay không.
2.4. Tại Nhật Bản
    Hệ thống bảo hiểm ở Nhật Bản thực hiện bảo hiểm cho hầu hết các loại cây trồng và vật nuôi, trừ rau, hoa và gia cầm. Không những thế, các tổ chức bảo hiểm tương hỗ ở nước này còn nhận bảo hiểm cho cả nhà cửa và tài sản của nông dân.
    Chính phủ Nhật Bản quy định bảo hiểm bắt buộc trên toàn quốc đối với lúa gạo, lúa mỳ và lúa mạch vì đây là những cây trồng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp Nhật Bản. Quy định bắt buộc có tác dụng ngăn ngừa sự lựa chọn bất lợi và giúp nông dân ổn định sản xuất, đời sống khi rủi ro xảy ra trên diện rộng.
    Về bảo hiểm vật nuôi: các chương trình bảo hiểm không chỉ bồi thường cho các tổn thất mà còn bù đắp các chi phí chữa bệnh và tiêm phòng.
    Chính phủ là người nhận tái bảo hiểm cuối cùng đối với tất cả các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, trừ bảo hiểm nhà cho nông dân.
    Mặc dù các chương trình bảo hiểm đã được Nhà nước rất quan tâm và được triển khai trên quy mô lớn song không phải lúc nào chúng cũng đáp ứng được nhu cầu của nông dân. Đối với những người làm nghề nông bán thời gian với quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì thu nhập từ nông nghiệp chỉ là một khoản thu nhập bổ sung, vì thế họ có đủ khả năng để tự bảo hiểm cho các rủi ro trong nông nghiệp. Do đó, việc tham gia bảo hiểm của đối tượng này là khá miễn cưỡng. Ngược lại, những người sản xuất lớn cảm thấy khoản phí bảo hiểm phải đóng không phản ánh đúng mức độ rủi ro trong sản xuất, và họ cho rằng chỉ những người sản xuất nhỏ mới có lợi từ hệ thống này. Một tồn tại khác của hệ thống bảo hiểm này là chúng chỉ thật sự có ích trong trường hợp tổn thất vượt quá một mức độ nhất định còn những rủi ro nhỏ hơn thì nông dân vẫn phải tự gánh chịu.
2.5. Tại Ấn Độ
2.5.1. Bảo hiểm mùa màng toàn diện (Comprihensive Crop Insurance Scheme: CCIS)
    Chương trình Bảo hiểm mùa màng toàn diện được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1985 do Chính phủ trung ương và chính quyền một số bang cùng phối hợp tổ chức. Chương trình bảo hiểm này được kết hợp với tín dụng mùa màng ngắn hạn. Căn cứ tính phí bảo hiểm được xây dựng dựa trên cơ sở diện tích canh tác có điều kiện tương tự (nghĩa là trong trường hợp người được bảo hiểm thiếu những số liệu thống kê tin cậy về thửa ruộng của mình, hoặc có nhiều khả năng dẫn tới nguy cơ đạo đức thì nhà bảo hiểm sẽ không tính phí trên cơ sở thửa ruộng đó mà sẽ căn cứ vào các diện tích canh tác có điều kiện tương tự). Ngoài ra, CCIS còn có những đặc điểm nổi bật dưới đây:
    – Những nông dân vay vốn từ các tổ chức trung gian tài chính để sản xuất đều bắt buộc phải tham gia CCIS. Số tiền bảo hiểm tối đa bằng 100% giá trị khoản vay và không vượt quá 10.000 Ru-pi cho một người.
    – Tỷ lệ phí bảo hiểm là 2% cho ngũ cốc và kê; 1% cho cây họ đậu và cây lấy dầu. Đối với những hộ nông dân có quy mô sản xuất trung bình và nhỏ, Chính phủ trung ương và chính quyền bang sẽ đồng tài trợ cho 50% phí bảo hiểm.
(Hộ nông dân có quy mô sản xuất trung bình: diện tích canh tác từ 2 hecta trở xuống; hộ nông dân sản xuất nhỏ: diện tích canh tác từ 1 hecta trở xuống).
    – Phí bảo hiểm và tiền bồi thường được Chính phủ trung ương và chính quyền bang chia sẻ theo tỷ lệ tương ứng là 2:1.
2.5.2. Chương trình bảo hiểm nông nghiệp quốc gia (National Agriculture Insurance Scheme: NAIS)
    Đây là một chương trình bảo hiểm được cải tiến trên cơ sở của CCIS với mức độ đảm bảo lớn hơn và phạm vi bảo hiểm rộng hơn. NAIS do Bộ Nông nghiệp – mà đại diện là Tổng Công ty bảo hiểm mùa màng Ấn Độ – trực tiếp thực hiện. Đồng thời, trong chương trình này, phần đóng góp của chính quyền bang đã ngang bằng với trợ cấp của Chính phủ (1:1). Dưới đây là một số đặc điểm chính của NAIS:
* Đối tượng tham gia:
Tất cả nông dân đều có thể được tham gia.
* Hình thức tham gia:
    – Bắt buộc đối với những người vay vốn của các tổ chức tín dụng
    – Tự nguyện đối với những nông dân không vay vốn.
* Phạm vi địa lý:
Tất cả các bang và hạt đều có thể tham gia bảo hiểm.
* Đối tượng bảo hiểm:
Tất cả các loại cây trồng đều được bảo hiểm. Bên cạnh đó các loại hoa, cây ăn quả, cây cảnh cũng có thể được bảo hiểm với điều kiện là có các số liệu thống kê về sản lượng thu hoạch trong quá khứ.
* Rủi ro được bảo hiểm:
Cháy tự nhiên, sét, bão, lốc, tố, mưa đá, lũ, lụt, lở đất, hạn hán, sâu bệnh…
* Số tiền bảo hiểm:
    – Số tiền bảo hiểm có thể mở rộng đến mức bằng giá trị thu hoạch. Thậm chí, nông dân có thể tham gia bảo hiểm ở mức cao hơn – tới 150% giá trị thu hoạch của vùng – với điều kiện phải đóng phí bổ sung.
    – Đối với nông dân vay vốn: Số tiền bảo hiểm ít nhất phải bằng số tiền vay
* Trợ cấp phí bảo hiểm:
    – Các hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ và trung bình được hỗ trợ 50% phí bảo hiểm từ Chính phủ và chính quyền bang (đồng tài trợ).
    – Vệc hỗ trợ sẽ được hủy bỏ dần trong vòng 3 đến 5 năm, căn cứ vào kết quả tài chính của nông dân ở cuối năm thứ nhất Chương trình này.

* Chia sẻ rủi ro:
    – Những tổn thất thấp hơn hay bằng 150% phí bảo hiểm, Đơn vị quản lý chương trình (hiện là Tổng Công ty bảo hiểm mùa màng) sẽ tiến hành bồi thường.
    – Những tổn thất vượt quá 150% phí bảo hiểm, tổn thất sẽ được bồi thường bởi Quỹ cứu trợ nông nghiệp trong vòng 3 năm. Sau thời gian 3 năm này, Quỹ cứu trợ nông nghiệp sẽ chỉ bồi thường cho những rủi ro vượt quá 200% phí bảo hiểm.
    Quỹ cứu trợ nông nghiệp được thiết lập trong trường hợp xảy ra rủi ro mang tính thảm họa, do Chính phủ trung ương và chính quyền bang đồng tài trợ (tỷ lệ chia sẻ là 50:50). Quỹ này sẽ do Đơn vị quản lý chương trình trực tiếp quản lý.
* Mức độ bồi thường:
    – Rủi ro sẽ được bồi thường theo các mức 90%, 80% và 60% tương ứng cho các rủi ro thấp, trung bình và cao.
    – Việc đánh giá mức độ của rủi ro được dựa trên tính toán về độ lệch chuẩn của sản lượng căn cứ vào dãy số liệu thống kê trong 10 năm trước. Tuy nhiên, nông dân có thể lựa chọn mức độ bồi thường cao hơn với điều kiện phải đóng phí bổ sung.
* Tài trợ chi phí quản lý:
    Chi phí quản lý của chương trình được Chính phủ và chính quyền bang đồng tài trợ (tỷ lệ 50:50) theo phương thức giảm dần trong thời gian 5 năm: 100% ở năm thứ nhất, 80% ở năm thứ hai, 60% ở năm thứ ba, 40% ở năm thứ tư, 20% ở năm thứ năm. Các năm sau sẽ không còn tài trợ.
* Đơn vị quản lý chương trình:
    – Hiện tại, đơn vị quản lý chương trình là Tổng Công ty bảo hiểm mùa màng Ấn Độ, tuy nhiên trong thời gian tới, một tổ chức quản lý riêng sẽ được thành lập.
Vai trò của chính quyền bang đối với chương trình
    – Chính quyền bang có nhiệm vụ cung cấp số liệu thống kê về sản lượng tính trên đơn vị diện tích trong vòng 10 năm đối với tất cả các loại cây trồng được bảo hiểm trong chương trình.
    – Thông báo về tỷ lệ phí bảo hiểm trước mỗi vụ sản xuất (đối với các cây trồng chưa được ấn định phí bảo hiểm)
    – Thành lập Ủy ban giám sát cấp huyện do một quan chức thuộc chính quyền huyện đứng đầu. Ủy ban có nhiệm vụ giám sát hoạt động của Chương trình bằng cách gửi các báo cáo về mùa màng hai lần/tháng cũng như các báo cáo định kỳ về tình hình thời tiết, tình hình cho nông dân vay vốn, tình hình trồng trọt…
2.6. Tại Philippin   
    Philippin thực hiện chương trình bảo hiểm mùa màng toàn diện. Thời gian đầu, PCIC bảo hiểm cho người nông dân trồng lúa, sau đó là bảo hiểm các loại cây trồng, các ngành sản xuất trong nông nghiệp cũng như bảo hiểm các loại tài sản không thuộc ngành nông nghiệp như máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và cơ sở hạ tầng có liên quan.
    Phí bảo hiểm được chia sẻ giữa nông dân, Chính phủ và các tổ chức tín dụng (nếu nông dân vay vốn). Đối với những người vay vốn, ngân hàng, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trợ giúp phí bảo hiểm ở mức 2% đối với lúa và 3% đối với ngô. Phần phí còn lại được chia sẻ theo tỷ lệ 40/60: nông dân 40%, Chính phủ 60% (Bảng 2).
Bảng 2: Tỷ lệ phí bảo hiểm cây lúa và mức độ chia sẻ đối với bảo hiểm mọi rủi ro trong năm 2000

alt

(Còn nữa).

HHK

Gửi bình luận

Comments are closed.