Bảo hiểm nông nghiệp: Doanh nghiệp chưa mặn mà

Lực lượng thú y huyện Triệu Sơn tiêu hủy lợn bị tai xanh tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.Bộ Tài chính vừa chính thức công bố “Đề án phát triển ngành bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013”, theo đó để ngành bảo hiểm thực sự phát triển cần có sự liên kết ba nhà: Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và nông dân…

Hình thức mới này được hy vọng sẽ cải thiện tình hình DN không mặn mà với kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp, còn nông dân phải gánh chịu hậu quả khi dịch bệnh, mất mùa xảy ra…

DN thua lỗ

Khác với nhiều ngành, khi bắt đầu sản xuất đã có thể hạch toán được lỗ lãi và hiệu quả nhưng với đặc thù của ngành nông nghiệp do phụ thuộc rất nhiều vào dịch bệnh, thời tiết… nên người nông dân khi sản xuất không biết chắc được kết quả, có khi được mùa lại rớt giá, được giá thì mất mùa

. Vì thế nông dân đành phó mặc cho thiên nhiên và thị trường. Do vậy, hơn ai hết những người nông dân đang rất cần một hệ thống bảo hiểm vững chắc làm “điểm tựa” cho ổn định sản xuất.

Đầu những năm 1990, Tập đoàn Bảo Việt đã triển khai bảo hiểm cho 200.000 ha lúa tại 26 tỉnh, thành nhưng ngay sau đó gặp thất bại vì thu phí được 13 tỷ đồng mà phải bồi thường hơn 14 tỷ đồng. Từ năm 1992 đến 1995, tập đoàn này tại TP.Hồ Chí Minh lại thực hiện bảo hiểm trên con bò, tuy nhiên sau 3 năm thí điểm thì phải ngưng vì thua lỗ.
Tiếp nối Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Groupama của Pháp cũng đầu tư vào ngành bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam từ năm 2001 nhưng rồi cũng thất bại liên tiếp. Cụ thể từ năm 2003, công ty này triển khai được 5 sản phẩm bảo hiểm cho vật nuôi là bò (thịt, sữa), lợn, gà, tôm sú, tôm càng xanh.

Thời gian đầu, các hộ nông dân nuôi tôm sú ở Cần Giờ và các tỉnh Nam bộ hăng hái tham gia mua bảo hiểm với mức phí bảo hiểm từ 0,9 – 2 triệu đồng/ha. Sau đó, công ty phải trả giá ngay vì thu phí bảo hiểm cho con tôm nghịch vụ năm 2003 chỉ có 30 triệu đồng nhưng chi phí bồi thường cho 6 hộ nông dân đã lên đến 400 triệu đồng, do nuôi tôm nghịch vụ rủi ro cao.

Tiếp đến, công ty lại mở rộng bảo hiểm cho con bò sữa ở Củ Chi và một số nông sản khác. Nhưng từ năm 2006 đến nay, công ty này cũng lại im hơi lặng tiếng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) được coi là ngân hàng chủ chốt cho hàng triệu hộ nông dân vay. Nhưng thời gian qua Agribank thường phải khoanh nợ, xóa nợ nông dân

Trên thực tế, Agribank đã hoạt động như một nhà bảo hiểm nông nghiệp, nhưng chi phí chịu rủi ro lại lấy từ nguồn tiền của Chính phủ, thay vì do nông dân đóng.

Điều này đã không tạo ra động lực để các hộ dân chủ động đối phó với những rủi ro mà họ có thể gặp phải trong tương lai. Tuy nhiên, với việc chuyển dần sang mô hình hoạt động của ngân hàng thương mại thì Agribank đã cắt giảm những khoản vay và người nông dân gánh chịu những chi phí rủi ro nhiều hơn…

Bảo hiểm theo chỉ số

Nguyên tắc của bảo hiểm là số đông tham gia, bù cho số ít bị thiệt hại, lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao lại có ít người tham gia nên công ty bảo hiểm dễ bị thua lỗ là điều dễ hiểu. Vì vậy, để hạn chế thua lỗ, các công ty bảo hiểm phải tăng chi phí, khi đó người nông dân lại không mấy mặn mà.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam kết hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) triển khai dự án phát triển bảo hiểm nông nghiệp nhằm đưa ra phương pháp tiếp cận mới là bảo hiểm theo chỉ số. Đó là việc lấy chỉ số khách quan của từng đối tượng bảo hiểm (ví dụ đối với cây trồng chỉ số bảo hiểm là thời tiết) làm căn cứ xét bồi thường.

Có thể nói, bảo hiểm theo chỉ số khắc phục được các nhược điểm của bảo hiểm truyền thống, quy định mức bồi thường tương ứng với các chỉ số, mà không cần tiến hành giám định để xác định mức độ thiệt hại.

Mức độ bồi thường được tính trên cơ sở năng suất bình quân chung nhiều năm của cả vùng. Đồng thời, giảm chi phí quản lý, tránh được tình trạng trục lợi bảo hiểm. Nông dân cũng dễ dàng nhận bồi thường nếu rủi ro xảy ra…

Đồng Tháp là tỉnh áp dụng thí điểm đầu tiên. Chỉ số bảo hiểm ở đây dựa trên mực nước lũ sớm, chẳng hạn như nếu vượt quá 270 cm ở đập Tân Châu, bà con ở huyện Hồng Ngự và Tam Nông lúa bị ngập do không kịp thu hoạch thì đến công ty bảo hiểm đòi tiền.

Một chương trình tương tự cũng đã được triển khai ở Tây Nguyên, chỉ số thời tiết là độ khô hạn ảnh hưởng đến năng suất cà phê…

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Đắc Lộc – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: “Khảo sát tại khu vực ĐBSCL cho thấy, nhiều hộ nông dân cũng sẵn sàng mua bảo hiểm để đảm bảo sự an toàn cho sản xuất”.

Liên kết “ba nhà”

Theo ông Phùng Đắc Lộc, để tạo điều kiện cho DN bảo hiểm nông nghiệp phát triển, hỗ trợ được cho nông dân, cần có một chính sách của Nhà nước. Bộ Tài chính đã chính thức công bố dự thảo Đề án thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong giai đoạn 2011 – 2013.

Theo dự thảo, những hộ nghèo sản xuất nông nghiệp khi tham gia chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 90 – 100% phí bảo hiểm. Những hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo được hỗ trợ 60 – 70% phí bảo hiểm. Các tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 50% phí bảo hiểm.

Nguồn hỗ trợ gồm ngân sách Trung ương và địa phương. Theo đó, Đề án trên sẽ phối hợp với các DN kinh doanh bảo hiểm thực hiện thí điểm tại một số vùng chuyên canh ở các tỉnh, thành: Chuyên canh lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; chuyên nuôi trâu thịt, bò thịt, lợn thịt, gia cầm thịt tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương, Hà Nội; nuôi trồng thủy sản, cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau…

Hy vọng, khi đề án này được triển khai sẽ giúp nông dân hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và giúp DN mạnh dạn hơn khi tham gia đầu tư vào ngành bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam.

Hà Phương
Báo Tin tức-Thông tấn xã Việt Nam.

Comments are closed.