Bảo hiểm nông nghiệp – Dân cần, doanh nghiệp đủng đỉnh

Bò sữa ở Mộc Châu (Sơn La) được bảo hiểm nông nghiệp từ 7 năm nay nên nông dân yên tâm chăn nuôi, sản xuất sữa.Quyết định 315 của Chính phủ về thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đã có hiệu lực từ 1-7, nhằm chia sẻ rủi ro trong trồng trọt và chăn nuôi cho người nông dân, nhưng hiện nay các địa phương vẫn đang lúng túng, bà con nông dân cũng chưa biết tới khi nào mới được bảo hiểm.Doanh nghiệp còn do dự.Theo quyết định, chính sách bảo hiểm nông nghiệp được triển khai tại 21 địa phương.

Áp dụng cho 3 nhóm sản phẩm nông nghiệp gồm: cây lúa; trâu bò, heo, gia cầm; tôm sú, cá tra. Thời gian bắt đầu từ ngày 1-7-2011 tới năm 2013. Thế nhưng hiện tại, mọi việc vẫn đang án binh bất động. Khảo sát tại Nam Định và Thái Bình, nơi được chọn để bảo hiểm cây lúa, bà con nông dân cho biết mới chỉ nghe về chính sách, còn bảo hiểm như thế nào, mức phí đóng góp ra sao vẫn chưa ai đề cập.

Tại Hà Nội, những người chăn nuôi bò sữa ở làng Phù Đổng (Gia Lâm), Ba Vì… cũng băn khoăn không biết tới bao giờ bò của họ mới được bảo hiểm, trong khi thiên tai, dịch bệnh, rủi ro vẫn đang từng ngày rình rập. Theo các địa phương, nguyên nhân chậm triển khai, do chưa nhận được hướng dẫn về cách triển khai, đặc biệt về mức phí bảo hiểm cho nông dân và doanh nghiệp áp dụng.

Về vấn đề này, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, cho biết việc ban hành thông tư hướng dẫn là trách nhiệm Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính. Hiện nay, thông tư đang gấp rút ban hành để doanh nghiệp và các địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, bảo hiểm nông nghiệp đang gặp một khó khăn khác từ phía các doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, 3 doanh nghiệp đã được chỉ định thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân là Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt), Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh và Tổng Công ty Tái Bảo hiểm quốc gia Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp cho biết, mọi công việc vẫn đang… chuẩn bị.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo Việt nói rằng, Bảo Việt là doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm nông nghiệp từ lâu, song để thực hiện trên diện rộng tại 21 tỉnh và thành phố cần có thời gian chuẩn bị về bộ máy và nhân lực. “Bản thân chi nhánh của Bảo Việt tại các địa phương chỉ có vài chục người nhưng đang làm rất nhiều nghiệp vụ” – ông Thủy nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lý nghiệp vụ bảo hiểm (Bảo Minh) mặc dù bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà. Bởi vì khó khăn lớn mà các doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp gặp phải là mâu thuẫn giữa mức thu phí bảo hiểm đưa ra và khả năng cân đối lãi. “Nếu phí bảo hiểm quá cao, nông dân không đủ sức đóng góp, nếu phí quá thấp thì doanh nghiệp bị thua lỗ” – ông Minh nói.

    Một mô hình cần nhân rộng

Trong khi chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên phạm vi rộng còn đang loay hoay, khó khăn, thậm chí nhiều dự án bảo hiểm bò sữa, cây trồng trước đây triển khai đã bị thất bại hoàn toàn thì ở Nông trường bò sữa Mộc Châu (Sơn La), từ nhiều năm nay lại đi đầu về mô hình tự tổ chức bảo hiểm nông nghiệp và trở thành một điển hình thành công. Ở đây, mỗi gia đình sở hữu 7 – 35 con bò sữa.

Ông Hoàng Minh Đức, ở tiểu khu 77, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết nuôi bò sữa không tránh khỏi các rủi ro như bò bị dịch, giá sữa thất thường. Do đó, nông trường đã sáng tạo ra mô hình bảo hiểm cho bò sữa.

Theo đó, mỗi năm các gia đình trong nông trường đóng 250.000 đồng/con bò sữa, khi bò chết, sẽ được hỗ trợ gấp 10 lần. Từ năm 2010, các hộ dân đã đề nghị nâng mức phí lên 500.000 – 600.000 đồng. Khi bò bị chết, được hỗ trợ tới 15 lần, tức khoảng 7,5 – 9 triệu đồng/con bò sữa, cộng với sản phẩm tận thu, chỉ cần bù thêm 1 – 2 triệu đồng nữa bà con đủ tiền mua một con bò mới khoảng 15 triệu đồng.

“Ban đầu phải đóng góp tiền ai cũng băn khoăn, nhưng khi bò chẳng may bị dịch chết, được nhận tiền bảo hiểm để tái đàn ngay, ai cũng hiểu rằng nếu không tham gia bảo hiểm, khi bò chết là mất trắng. Còn khi tham gia bảo hiểm, rủi ro giảm đi đáng kể” – chị Nguyễn Thị Hoa, một chủ trại nói.

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa bò Mộc Châu, cho biết hiện nay tất cả các hộ dân của nông trường đều tham gia bảo hiểm cho 7.000 con bò sữa. Tổng phí bảo hiểm thu được đã lên tới 20 tỷ đồng. Thậm chí, hiện nay nông trường còn mở rộng sang hình thức bảo hiểm giá sữa, bằng cách mỗi hộ đóng 50 đồng/kg sữa tươi, khi giá sữa giảm 25% – 30% thì bảo hiểm sẽ chi trả bằng 60% giá chênh lệch. Do vậy, người dân yên tâm, không có ai bị rủi ro.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng, cần nhân rộng mô hình ở Nông trường Mộc Châu. Mô hình triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở 21 tỉnh và thành phố phải thực hiện thành công, áp dụng cho nhiều sản phẩm nông nghiệp. Thông tư của Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính sẽ quy định rất kỹ, các doanh nghiệp và địa phương cần căn cứ vào thông tư để sớm triển khai, nhằm chia sẻ rủi ro, khó khăn với người nông dân.

Phúc Hậu
Bản quyền Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG.

Comments are closed.