Bảo hiểm nông nghiệp còn bỏ ngỏ…

Nông dân còn khá xa lạ với bảo hiểm nông nghiệp. Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi heo tại TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚYHằng năm, thiên tai và dịch bệnh gây thiệt hại về nông nghiệp cướp đi của VN 1,5% GDP nhưng bảo hiểm cho nông nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức

Thiệt hại do thiên tai như bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại… hầu như năm nào cũng có. Nông dân còn phải gánh chịu nhiều rủi ro từ đủ loại dịch bệnh. Cứ mỗi lần bão lũ, dịch bệnh đi qua, nhiều nông dân lại trắng tay…. Bên cạnh đó, rủi ro về thị trường do biến động giá cả và tỉ giá cũng ảnh hưởng nhiều tới nông dân.
Nông dân xa lạ với bảo hiểm nông nghiệp
 
Một chuyên gia cho hay loại hình bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ra đời là nỗi mừng cho nông dân. Nhưng đến thời điểm này, BHNN ở VN vẫn hầu như là con số không. Phần lớn nông dân vẫn còn khá xa lạ với loại hình bảo hiểm này.
 
 Khi được hỏi về BHNN, anh Nguyễn Văn Hoàng (Quảng Bình), người vừa mất hơn 500 triệu đồng  tiền đầu tư nuôi tôm do ảnh hưởng của đợt lũ lụt vừa qua, tiếc nuối nói: “Tôi chưa hề biết có BHNN. Chỉ biết là bây giờ không biết làm gì để có tiền trả nợ. Nếu thực có BHNN chắc đã không đến nỗi… điêu đứng thế này”.
 
BHNN cho nông dân ra đời từ những năm đầu thập niên 80 khi Tập đoàn Bảo Việt thí điểm bảo hiểm trên cây lúa tại tỉnh Nam Định. Năm 1998, mở rộng ra 26 tỉnh, thành khác. Song đến năm 1999, Bảo Việt buộc phải bỏ cuộc vì thu phí chỉ được 13 tỉ đồng còn bồi thường lên tới 14,4 tỉ đồng. Công ty Bảo Minh cũng đã từng đưa ra loại hình sản phẩm BHNN nhắm vào thị trường cây cao su, cá ba sa, bò sữa và con tôm cho nông dân các tỉnh miền Tây. Cùng vào cuộc còn có một công ty bảo hiểm của Pháp. Song đến nay, chỉ mỗi công ty của Pháp là còn duy trì hoạt động một cách khiêm tốn.
 
 Sự vào cuộc từ hai phía
 
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN, cho biết các công ty bảo hiểm “sợ” BHNN vì nó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên như khí hậu, đất đai; phí bảo hiểm cao do tính rủi ro nhiều; chi phí quản lý của doanh nghiệp cũng rất cao do phải có một quy trình quản lý cụ thể. Bên cạnh đó, tính vụ lợi từ phía nhà nông khiến nhiều công ty bảo hiểm e ngại.
 
Theo các chuyên gia, thị trường BHNN VN đầy tiềm năng vì nông dân chiếm đến 70% dân số. Nhưng trước hết, cần để nông dân thấy được quyền lợi khi tham gia bảo hiểm. Mặt khác, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm như hỗ trợ phí đóng hay giúp vốn… TS Trần Du Lịch, ủy viên kinh tế Quốc hội, cho rằng để đưa được dịch vụ BHNN đi vào cuộc sống cần phải tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường và điều kiện hội nhập quốc tế. Phát triển các hình thức nông trang, nông trại có quy mô phù hợp và phát triển các hình thức HTX để liên kết kinh tế nông hộ. Tình trạng sản xuất manh mún là một trong những trở ngại chính để đưa dịch vụ bảo hiểm vào nông nghiệp.

Khó tìm công ty tái bảo hiểm

 
Theo Hiệp hội Bảo hiểm VN, một đề án về BHNN đã được Bộ Tài chính trình và đang chờ Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, Nhà nước sẽ hỗ trợ 80%-90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân và cá nhân nghèo; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân và cá nhân không thuộc diện nghèo; hỗ trợ 50% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp như doanh nghiệp và HTX. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay là khó tìm được công ty tái bảo hiểm quốc tế chấp nhận phương án và mức phí như trong đề án. Nếu chỉ công ty trong nước làm thì không thể đền nổi khi lũ lụt chỉ tàn phá ngành nông nghiệp của một huyện. Vì vậy phải tái bảo hiểm ra thị trường quốc tế.

Khánh Mai
Báo Người Lao Động Điện tử – Tiếng nói của Liên đoàn Lao động TPHCM

Comments are closed.