Bảo hiểm nông nghiệp còn bị xem nhẹ

BHNN sẽ góp phần hạn chế những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh mang lại(ANTĐ) – Trong số 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chỉ có 2 công ty có dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Và cả 2 đều không mấy thành công, 1 công ty đã ngừng kinh doanh dịch vụ này, công ty còn lại có doanh thu thấp, tỉ lệ bồi thường cao.
Lá chắn trước thiên tai, dịch bệnh

Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), nguồn tài chính dành để khắc phục hậu quả thiên tai có hạn, nên chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu và thiệt hại thực tế; hoạt động cứu trợ chủ yếu là cứu trợ khẩn cấp, chưa chú trọng đến tính hiệu quả, tính bền vững; đồng thời chưa có cơ chế chính sách cần thiết, đủ mạnh để khai thác đa dạng các nguồn tài chính phục vụ cho mục đích phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả thiệt hại thiên tai. Vì vậy, việc đưa BHNN vào hoạt động sản xuất nông nghiệp là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay trong số 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chỉ có Công ty bảo hiểm Bảo Việt và Công ty TNHH bảo hiểm tổng hợp 100% vốn của Pháp Groupama có dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, Bảo Việt thực hiện bảo hiểm cây lúa, mùa màng tại một số địa phương, tuy nhiên tổng diện tích bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 1,16% diện tích gieo trồng toàn quốc năm 1995; 0,27% năm 1997 và đều bị lỗ nên đã dừng hoạt động này.

Groupama Việt Nam cũng tiến hành bảo hiểm cho các đối tượng như bò sữa, cây bạch đàn, tôm, gia cầm. Mặc dù đã có hơn 100 năm kinh nghiệm nhưng công ty này cũng không thành công, doanh thu thấp, tỉ lệ bồi thường cao lên đến 4,426% năm 2005. Như vậy, có thể thấy BHNN chưa đóng góp cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Tỷ trọng nông dân tham gia bảo hiểm còn thấp, hầu hết các loại cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản đều không được bảo hiểm…

Sở dĩ có tình trạng trên là do Nhà nước chưa có chính sách bảo hiểm nông nghiệp cụ thể và chưa hỗ trợ tài chính cho nông dân tham gia bảo hiểm; các quy định, điều khoản bảo hiểm nông nghiệp phức tạp; quy trình, thủ tục đánh giá tổn thất và thanh toán tiền bảo hiểm chưa hợp lý. Do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún nên người nông dân sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chưa có ý thức tham gia bảo hiểm. Lại thêm mức phí bảo hiểm cao, không hấp dẫn người dân; chi phí quản lý, bồi thường, giám định cao dẫn đến kinh doanh BHNN không có lãi nên các doanh nghiệp bảo hiểm không có động lực thực hiện…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhận định, thực tế cho thấy nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì BHNN không thể thành công được. Bộ thí điểm triển khai trên một số mặt hàng chủ yếu, tập trung vào một số vùng chuyên canh tại một số địa phương trong cả nước.

Tiếp thêm động lực

Được mùa rớt giá, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, thiên tai khắc nghiệt đã và đang lấy đi của nông dân hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trước những tổn thất này, mới đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2010-2012. Nếu được áp dụng, đây sẽ là liều thuốc giúp nông dân hạn chế phần nào căn bệnh được mùa, rớt giá cũng như những thiệt hại do thiên tai đem lại.

Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, ngay trong đề án thí điểm năm 2010, hộ nông dân nghèo sản xuất nông nghiệp khi tham gia thí điểm BHNN có thể được hỗ trợ mức phí đóng bảo hiểm lên tới  80-90%. Riêng những hộ không thuộc diện nghèo vẫn được hỗ trợ 60% khi tham gia BHNN. Và mức hỗ trợ 50% được áp dụng cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đối với những trường hợp thiệt hại về thiên tai, dịch bệnh lớn, trên diện rộng mang tính thảm hoạ vượt quá khả năng chi trả, Chính phủ sẽ có hướng dẫn chi tiết về đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm.

Đề án mới cũng bổ sung nhiều điểm mới nhằm khắc phục những nhược điểm của đề án BHNN trước đây như việc người nông dân rất sợ đánh giá thiệt hại không khách quan, hỗ trợ không kịp thời khiến nhiều doanh nghiệp tham gia vào loại hình này đều thất bại. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên bổ sung thêm nhiều nội dung như cách thức xây dựng mô hình, loại nông sản. Từ đó nên chọn những hợp tác xã đang ăn nên làm ra để thử nghiệm, rút kinh nghiệm, sau đó mới nhân rộng.

Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ được thực hiện thí điểm tại một số địa phương giai đoạn 2010-2012, sau đó sẽ được tổng kết, rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng. Hy vọng đề án của Bộ Tài chính sẽ là lời giải cho bài toán khó về BHNN tại Việt Nam.

Hùng Anh
Báo An ninh Thủ đô

Comments are closed.