Bảo hiểm nông nghiệp – chia sẻ rủi ro với nhà nông

Ảnh minh họa.(eFinance Online) – Tại tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm nông nghiệp – Chỗ dựa của nhà nông” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày hôm nay, ông  Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, bảo hiểm nông nghiệp đặt ra nhằm giảm rủi ro cho người sản xuất nông nghiệp nhưng không phải nước nào cũng làm, nhiều nước lân cận cũng chưa triển khai.Giảm thiểu rủi ro cho nông dân.Ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 tại 21 tỉnh, thành phố.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng, rủi ro của nông nghiệp nước ta lớn hơn nhiều so với các nước khác. Trước đây, chúng ta cũng đã thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, nhất là những năm 80 của thế kỷ trước. Hiện nay đã có nhưng không đáng kể. Một là do nền kinh tế còn khó khăn, hai là công tác bảo hiểm chưa phát triển như về chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển. Thêm vào đó, người dân Việt Nam chưa coi trọng đóng bảo hiểm, chưa đủ lực để tham gia bảo hiểm. Tất cả những điều này khiến bảo hiểm chưa phát triển, thậm chí nhiều người dân chưa hiểu thế nào là bảo hiểm, họ được hưởng lợi như thế nào từ bảo hiểm. Đây là một thách thức lớn đối với chúng ta.

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, bảo hiểm nông nghiệp là vấn đề mới, cho nên không chỉ với nông dân mà ngay cả cán bộ liên quan ở các cấp cũng chưa hiểu một cách thấu đáo. Do vậy, chúng ta phải thông tin một cách đầy đủ với nhiều hình thức. Trước hết, với các tỉnh được chỉ định thực hiện chính sách bảo hiểm này, phải thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác từ cấp tỉnh, huyện, xã và đội ngũ này phải được tập huấn kỹ để có thể tổ chức hướng dẫn lại cho người nông dân.

Đối với người dân, phải thông tin đầy đủ thế nào là bảo hiểm nông nghiệp, tại sao, nên tham gia, đối tượng nào được tham gia, công ty nào trực tiếp giúp thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, thủ tục ra sao, cơ quan nào tư vấn giúp đỡ, để được bảo hiểm bồi thường thì phải làm sao, khi sự cố xảy ra, nếu xảy ra tranh chấp, báo cho ai, ai thụ lý. Chỉ khi thành viên ban chỉ đạo, tổ công tác ở các cấp hiểu sâu thì mới hướng dẫn cho dân được và người dân hiểu sâu thì mới nắm rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình…

“Theo tôi, ngay cả cơ quan bảo hiểm cũng cần hiểu như vậy để tạo ra trách nhiệm và quyền lợi tương đồng, quan hệ giữa bảo hiểm và người dân mới bền chặt”, ông Lộc nói. “Trước hết, theo tôi, đối với các địa phương, phải tập huấn cho cán bộ, rồi mới hướng dẫn người dân tham gia. Trong Tổ công tác có thành viên khuyến nông của các địa phương, tài liệu trước hết sử dụng tại Quyết định 315, Thông tư hướng dẫn 47 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm các nội dung cơ bản như  xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi đưa vào bảo hiểm, quy mô, quy trình sản xuất, điều kiện thiên tai dịch bệnh nào đưa bảo hiểm… Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tới đây chúng tôi cũng sẽ biên soạn cẩm nang về vấn đề này một cách dễ hiểu nhất”, ông Lộc cho biết thêm.

Doanh nghiệp nói gì về bảo hiểm nông nghiệp

Ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết: Bảo Việt gắn bó với bảo hiểm nông nghiệp đã trên dưới 20 năm. Trong quá trình triển khai, chúng ta thấy rủi ro rất lớn vì thiên tai thường xuyên xảy ra, người nông dân do điều kiện kinh tế và đặc thù canh tác nên quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, dẫn đến hiệu quả bảo hiểm không cao. Đó là những lý do chính khiến bảo hiểm nông nghiệp dần thu hẹp và chỉ cầm chừng ở một số công ty bảo hiểm lớn. Nhưng theo Quyết định 315 của Thủ tướng thì chúng tôi thấy có một số thuận lợi từ cơ chế, chính sách cũng như cách tiếp cận. Từ đó, bảo hiểm nông nghiệp có hướng mở mới, tạo công cụ cho người nông dân quản lý rủi ro và tìm kiếm nguồn tài chính bù đắp.

“Tôi xin nói thêm về chính sách. Quyết định 315 hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo, hỗ trợ 80% cho nông dân cận nghèo và hỗ trợ 60% cho nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp . Tức là tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp đều được hỗ trợ. Đây là cơ hội và điều kiện tiên quyết để triển khai thành công bảo hiểm nông nghiệp”, ông Phi chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính cũng rất chủ động tham giá quá trình này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư hướng dẫn quy trình, quy phạm, tạo sân chơi cho người nông dân cũng như các công ty bảo hiểm có thể phối hợp giải quyết các sự cố sau này.

Theo ông Phi, cho đến thời điểm này, sự chủ động tham gia của các cấp chính quyền là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chương trình thí điểm. Về sản phẩm bảo hiểm, trước kia chúng ta có cách tiếp cận truyền thống, bảo hiểm với mọi rủi ro ngẫu nhiên và không lường trước được. Nhưng lần này, qua quá trình nghiên cứu và rút kinh nghiệm Việt Nam cũng như quốc tế, chúng ta có cách tiếp cận khả thi hơn, đảm bảo bảo hiểm cho những rủi ro mang tính thảm họa và mang tính chất hỗ trợ.

Ví dụ, trước kia, với cây lúa, chúng ta bảo hiểm mọi thảm họa và đến tất cả mọi hộ nông dân. Tuy nhiên, lần này, chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp cận theo hướng bảo hiểm theo chỉ số, tức là theo chỉ số thời tiết hoặc chỉ số sản lượng. Điều này sẽ ưu tiên bồi thường cho những tổn thất mang tính thảm họa, ảnh hưởng trên diện rộng.

Còn với thủy sản, chúng ta sẽ triển khai theo đơn vị rủi ro cơ sở là cấp xã. Việc này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính ủng hộ và chúng tôi hy vọng sẽ góp phần tạo điều kiện cho chúng tôi có một sản phẩm bảo hiểm gần người dân và khả thi hơn.

Bảo Việt sẵn sàng tham gia chương trình này và quan điểm là không vì lợi nhuận. Mặc dù là một doanh nghiệp, song chúng tôi cũng xác định đây là một nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp, thực hiện theo tinh thần doanh nhân với nông dân và tinh thần doanh nghiệp nhà nước với chủ trương của Chính phủ.

Bảo hiểm là hợp đồng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia. Các quy tắc này được doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và thiết kế cho người dân, được Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua, do vậy quyền lợi và nghĩa vụ của người dân được thể hiện rất rõ trong các quy tắc bảo hiểm.

Nếu như vật nuôi tham gia bảo hiểm mà xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm như thiên tai, dịch bệnh sẽ được bồi thường với mức được quy định rõ trong quy tắc bảo hiểm. Do vậy, việc bồi thường 5 hay 9 triệu đồng cũng đã được quy định trong quy tắc và việc xác định giá trị vật nuôi khi tham gia bảo hiểm cũng được quy định theo giá thị trường.

Có thể nói rằng, quy tắc bảo hiểm bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa 3 nhà (nhà nước, người dân và doanh nghiệp bảo hiểm). Nhà nước hỗ trợ phí cho người dân tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận và người dân cũng tham gia đóng phí một phần. Do vậy, có thể nói, đây là chính sách phục vụ chương trình tam nông.

Khánh Huyền
www.taichinhdientu.vn

Comments are closed.