Bảo hiểm nông nghiệp: Chậm liệu có chắc?

KTNT – Theo Quyết định 315/QĐ-TTg ban hành ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) chính thức được triển khai thí điểm tại 21 tỉnh, thành phố từ ngày 1/7/2011 nhằm hỗ trợ nông dân chủ động khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Quyết định đã có hiệu lực hơn 1 tháng nhưng cho đến nay, vẫn chưa có thông tin nào về việc triển khai BHNN ở 21 tỉnh, thành phố.Không phải đến bây giờ người ta mới nói đến những bất cập trong Đề án thực hiện thí điểm BHNN mà ngay khi còn dự thảo, đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về quy trình triển khai, định mức bồi thường, các đối tượng được bảo hiểm…

Việc triển khai BHNN chậm, trước tiên là do việc ban hành các chính sách, thông tư hướng dẫn chậm. Mãi đến ngày 29/6/2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT mới ra Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT về việc Hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản. Thậm chí, đến nay vẫn chưa có thông tư của Bộ Tài chính, trong khi mọi việc cần làm đều đang phải trông chờ vào thông tư hướng dẫn của Bộ này, từ quy trình triển khai đến mức hỗ trợ bảo hiểm. Và từ khi các chính sách đầy đủ cho đến lúc nông dân có thể ký hợp đồng với DN còn phải mất một thời gian dài nữa.

Theo Thông tư 47, chỉ có 2 tình huống được bảo hiểm là: Các loại thiên tai (bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần) và một số loại dịch bệnh. Về dịch bệnh chỉ có những bệnh sau: Đối với cây lúa là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen; dịch rầy nâu. Đối với trâu, bò là bệnh lở mồm long móng. Đối với lợn là dịch tai xanh, lở mồm long móng. Đối với gà, vịt là dịch cúm gia cầm. Cá tra là bệnh gan thận mủ. Tôm sú là bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh teo và hoại tử gan tụy. Tôm thẻ chân trắng gồm có bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, hội chứng Taura, bệnh teo và hoại tử gan tụy. Như vậy, phạm vi và đối tượng bảo hiểm đã bị giới hạn rất nhiều.

Không những thế, Thông tư 47 còn có thêm quy định là mỗi tỉnh chỉ được bảo hiểm một số đối tượng vật nuôi. Ví dụ, TP.Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai chỉ bảo hiểm lợn (thịt, nái, đực giống); gà (thịt, đẻ) tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đồng Nai; vịt (thịt, đẻ) tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai; bò (thịt, cày kéo, sinh sản) tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai; bò sữa tại Hà Nội, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai… Như vậy, đối tượng bảo hiểm lại bị thu hẹp một lần nữa.

Về người tham gia bảo hiểm, theo Khoản 2, Điều 2, mục b quy định: “Đối tượng tham gia bảo hiểm có đơn tự nguyện, cam kết tham gia thí điểm bảo hiểm; thực hiện quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, phòng dịch theo quy định tại Thông tư này hoặc quy trình của Sở Nông nghiệp và PTNT được UBND cấp tỉnh phê duyệt”.

Vấn đề ở đây chính là việc “thực hiện quy trình” của Bộ, của Sở được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Không biết rồi đây các Sở Nông nghiệp và PTNT có sử dụng các quy trình của Bộ không, nếu không thì bà con sẽ phải chờ bao lâu nữa mới có quy trình của Sở được UBND tỉnh ban hành.

Bên cạnh đó, các DN bảo hiểm sẽ ứng xử thế nào với các quy trình này? Liệu họ có công nhận, sửa đổi hay thêm nhiều quy định khác nữa? Những vấn đề này chỉ thực sự rõ ràng khi DN đưa “quy trình sản xuất” nào vào trong hợp đồng để ký với nông dân.

ThS. Đỗ Đức Khôi
Báo điện tử Kinh tế nông thôn

Comments are closed.