Bảo hiểm nhân thọ: Tiềm năng lớn, cạnh tranh khốc liệt

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam có nhiều tiềm năng do kinh tế đang trong giai đoạn phát triển nhanh, nhu cầu được bảo vệ về tài chính do đó cũng tăng theo. Với sự tham gia của nhiều tập đoàn tên tuổi trên thế giới, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt, đặc biệt ở thị phần doanh thu khai thác mới.

Để cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp chọn con đường nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhu cầu ngày càng tăng

Ông Phùng Đắc Lộc – Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 28.500 tỷ đồng, tăng trưởng 22% trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tổng hợp đồng bảo hiểm với sản phẩm được ký kết đạt trên 5,8 triệu trường hợp, tổng số hợp đồng bổ trợ cũng đạt mức tương đương. Tổng số đại lý của ngành bảo hiểm lên đến gần 300.000 người. Tổng số tiền đầu tư của bảo hiểm nhân thọ năm 2014 là 110.000 tỷ đồng, tương đương 5,5 tỷ USD, đây là nguồn vốn dài hạn để phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội. 

Đánh giá về nhu cầu bảo hiểm hiện nay, ông Phùng Đắc Lộc cho rằng: “Nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng, trong khi doanh nghiệp mới đáp ứng được một phần rất khiêm tốn. Thực tế cũng cho thấy, với truyền thống lo cho con em ăn học, lo cho sức khỏe của bản thân và gia đình của người dân, thì con đường khôn ngoan nhất là mua bảo hiểm”.

“Hiện nay, còn một số lượng lớn người lao động tự do mong muốn mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Trong cuộc đời của mỗi người, có rất nhiều việc không thể không làm trong tương lai, ví dụ, khi con cái học xong phổ thông thì phải trang bị cho con “cần câu cơm” bằng cách đào tạo nghề. Lo cho kế hoạch trong tương lai cũng cần tài chính để thực hiện, vì vậy cần dành dụm cho con ngay từ lúc còn trẻ. Phân tích như vậy để thấy, tiềm năng của thị trường còn rất lớn, nhất là khi kinh tế phát triển, nhiều người có thu nhập trên mức trung bình và có tiền để tiết kiệm”, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam nhận định.

Từ phía doanh nghiệp, ông Chuah Chin Seong – Giám đốc điều hành hệ thống đại lý vùng – Tập đoàn bảo hiểm Aviva cũng cho rằng: “Thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam rất tiềm năng, kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, thu nhập người dân cũng tăng theo. Trong khi đó, cá nhân người lao động cũng như gia đình họ rất cần sự bảo vệ về tài chính. Chính vì vậy, rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam”. 

Cạnh tranh không lành mạnh

Các chuyên gia cho rằng, cạnh tranh là tất yếu đối với các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, còn tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa một số công ty. Những chiêu thức lôi kéo khách hàng bằng cách hứa hẹn gia tăng quyền lợi khi hủy hợp đồng tại công ty bảo hiểm khác hay nói xấu đối thủ, câu kéo nhân sự… không phải là chuyện hiếm. 

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Chuah Chin Seong cho rằng: “Việc tham gia của các công ty mới sẽ tạo ra cạnh tranh. Mỗi đại lý khi gia nhập công ty và phát triển công việc của mình sẽ phụ thuộc nhiều vào hệ thống sản phẩm cũng như kỹ năng được huấn luyện, môi trường văn hóa của từng công ty. Do đó, tôi không lo lắng những đại lý chuyên nghiệp của chúng tôi bị công ty bạn lôi kéo”. 

“Trên thực tế, số đại lý làm toàn thời gian không nhiều mà chủ yếu làm bán thời gian. Do đó, kỹ năng của người làm đại lý chưa thực sự hoàn thiện. Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống dịch vụ để các đại lý phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, giúp nâng cao năng suất lao động cũng như thu nhập”, ông Chuah Chin Seong chia sẻ về cách giữ chân nhân sự của công ty.

Theo (Báo An ninh Thủ đô)

{fcomment}

Comments are closed.