Bảo hiểm nhân thọ đăng ký hợp đồng theo mẫu: Liệu có chồng chéo?

Dự thảo Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg bổ sung bảo hiểm nhân thọ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của Bộ Công thương có thể gây chồng chéo chức năng quản lý nhà nước về cùng một nội dung.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) vừa có văn bản gửi Bộ Công thương về nội dung dự thảo Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, trong đó có bổ sung bảo hiểm nhân thọ vào danh mục phải đăng ký.

Dự thảo chưa lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động là DN bảo hiểm

AVI cho rằng, dự thảo Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi, tuy nhiên đối tượng chịu sự chi phối trực tiếp của dự thảo là các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ lại không nhận được bất cứ thông tin hay đề xuất tham gia ý kiến vào dự thảo.

AVI lý giải, “bảo hiểm nhân thọ không phải là một dịch vụ có nội dung thuộc bí mật nhà nước hay an ninh quốc gia, vì vậy việc dự thảo chưa lấy ý kiến DNBH là chưa thỏa mãn các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật số 17/2008/QH12) tại Điều 3, mục 3 “… đảm bảo tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản pháp quy…” và Điều 4, mục 2 “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo cần lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản”.

Bổ sung bảo hiểm nhân thọ vào dự thảo là không đúng với thực tiễn

Tại văn bản gửi Bộ Công thương, AVI cho rằng, dự thảo đề xuất bổ sung bảo hiểm nhân thọ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu là không mang tính thuyết phục và không đúng với quy định thực tiễn.

Bởi bảo hiểm nhân thọ không phải là dịch vụ thiết yếu của người dân, sử dụng thường xuyên và cũng không phải dịch vụ phổ biến (nếu căn cứ trên tỉ lệ dân số Việt Nam sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 6,3% tính đến cuối năm 2014). Đặc biệt, người dân chỉ mua bảo hiểm nhân thọ khi đã có đủ khả năng tài chính chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Đặc biệt, dự thảo có nêu, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều điều khoản quá phức tạp; hợp đồng sử dụng nhiều từ ngữ, thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu; nội dung quy định cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương ấn định các điều kiện, điều khoản của hợp đồng gây bất lợi cho người tiêu dùng,…

Về vấn đề này, AVI cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật 24/2000/QH10) có quy định: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”. Như vậy, nếu có tranh chấp xảy ra liên quan đến nội dung quy tắc điều khoản, điều kiện bảo hiểm không rõ ràng ghi trong hợp đồng bảo hiểm thì cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xử lý tranh chấp (tòa án, trọng tài) có quyền giải thích theo cách hiểu có lợi nhất cho bên mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, tại Nghị định 45/2007/NĐ-CP có ghi rõ “đối với một số sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ, DNBH nhân thọ phải tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn”. Đối với các quy tắc, điều khoản, biểu phí do DNBH xây dựng phải đảm bảo tuân thủ pháp luật, ngôn ngữ diễn đạt đơn giản, dễ hiểu. Đối với thuật ngữ chuyên môn thì phải định nghĩa rõ trong hợp đồng bảo hiểm…

“Như vậy, các định nghĩa, quy tắc hay cụm từ được dùng trong hợp đồng bảo hiểm đều đã được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về kinh doanh bảo hiểm xem xét trước khi cho phép DNBH nhân thọ được cung cấp ra thị trường và không ai được phép thay đổi bất cứ từ ngữ nào trong quy tắc, điều khoản trong quá trình giao dịch; và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm luôn được Nhà nước đảm bảo”, văn bản nêu rõ.

Liệu có chồng chéo?

Hiện nay, Bộ Tài chính là cơ quan cấp Bộ được giao quản lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính) là đơn vị quản lý chuyên ngành được giao quản lý, giám sát trực tiếp hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, xét về mặt quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nói chung và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói riêng đã hoàn chỉnh từ khâu phê chuẩn sản phẩm cho đến hoạt động phân phối sản phẩm, giải quyết quyền lợi của khách hàng, kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm…

“Nếu bổ sung thêm nhiệm vụ giám sát riêng nội dung đăng ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho Bộ Công thương có thể gây chồng chéo chức năng quản lý nhà nước về cùng một nội dung”, văn bản nêu rõ.

AVI cũng cho rằng, việc bảo hiểm nhân thọ phải đăng ký hợp đồng mẫu sẽ tạo ra cơ chế hai cửa (Bộ Tài chính – Bộ Công thương), làm tăng thêm thủ tục hành chính đối với các DNBH, gây khó khăn trong kinh doanh bảo hiểm… AVI kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc, thận trọng khi bổ sung bảo hiểm nhân thọ vào danh mục hàng hóa cần đăng ký hợp đồng./.

Theo (TBTCO)

{fcomment}

Comments are closed.