Bảo hiểm – nghĩa vụ và quyền lợi

Hình minh hoạ, nguồn InternetKTĐT – Ở các nước tiên tiến, bảo hiểm đã trở thành luật. Thế cho nên, đã là công dân, mọi người đều phải chấp hành việc mua bảo hiểm. Bảo hiểm có nhiều loại hình, có bảo hiểm con người, bảo hiểm y tế, bảo hiểm các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy… Có lẽ vì đã là luật nên việc mua bảo hiểm cũng như thanh toán bảo hiểm khi có sự cố đối với người dân đều rất đơn giản, dễ dàng. Chỉ có điều, mỗi người lựa chọn cho mình một hãng bảo hiểm mà mình cho là phù hợp nhất để ký hợp đồng. Và khi đã hoàn tất hợp đồng bảo hiểm (nói cách khác là có thẻ bảo hiểm) thì dù ở bất cứ đâu trên lãnh thổ quốc gia, khi có chuyện chỉ cần xuất trình thẻ bảo hiểm là có quyền được sử dụng dịch vụ này, chứ không cần phải đi đúng tuyến, sai tuyến gì đó như ở ta hiện nay…

Xin được kể về chuyện mua bảo hiểm xe ô tô ở Cộng hoà Liên bang Đức. Cũng như ở Việt Nam, một chiếc ô tô khi muốn lăn bánh, nhất thiết phải được cơ quan đăng kiểm thẩm định và dán tem lưu hành. Nhưng hơi khác một chút là ngoài tem dán thể hiện thời gian xe được phép lưu hành, thì tại biển số xe còn có một con tem nữa đảm bảo về vệ sinh môi trường. Con tem này cho biết các thông số khí thải khi xe hoạt động không làm ô nhiễm môi trường theo qui định. Có vẻ như con tem này mới chính là điều để công an và các lực lượng kiểm tra chú ý đến một chiếc xe đang lưu hành trên đường. Cùng với việc kiểm định thì một điều bắt buộc khác để xe được lăn bánh, đó là mua bảo hiểm. Đây là loại hình bảo hiểm phổ thông, xe nào cũng phải mua. Ngoài ra còn nhiều hình thức bảo hiểm có giá trị lớn, cũng như mua bảo hiểm từng bộ phận của xe, tuỳ theo khả năng kinh tế mà mỗi người có sự lựa chọn cho riêngmình. Có cả loại hình bảo hiểm hai chiều, tức là gây tai nạn hoặc bị gây tai nạn đều được bảo hiểm bồi thường thiệt hại… có điều loại bảo hiểm này mức đóng rất cao, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để tham gia. Đối với người lần đầu tiên đăng ký xe sẽ phải mua mức bảo hiểm được qui định là 100%.(Cách đây mười năm, một người Việt Nam tại Đức mua bảo hiểm theo mức 100% vào khoảng 190 DM/tháng). Trong quá trình sử dụng xe, mức đóng bảo hiểm này sẽ được thay đổi tăng lên hoặc giảm đi tuỳ theo chủ phương tiện có lái xe an toàn hay không. Chẳng hạn sau một năm mà chủ xe lái xe an toàn không xảy ra va chạm thì phí bảo hiểm sẽ được giảm đi 15%, năm sau chỉ phải đóng 85%/tháng. Tiếp tục năm sau nữa vẫn an toàn sẽ được giảm thêm 25% chỉ còn đóng 60%/tháng. Cứ như vậy, nếu luôn luôn giữ được an toàn thì mức phí bảo hiểm giảm xuống rất thấp, có người chỉ còn phải đóng từ 10% đến 15%/tháng. Điều này lý giải tại sao nhiều gia đình mỗi người có tới hai xe, một cho công việc hằng ngày và một chỉ để đi du lịch… Cũng tương tự như vậy, nếu lái xe không an toàn, hay xảy ra tại nạn, mức phí bảo hiểm cũng sẽ bị tăng lên. Có người phải đóng mức phí tới200%/tháng do gây nhiều lỗi khi tham gia giao thông. Việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm này là một cách để khuyến khích người dân ý thức hơn khi lái xe trên đường.

Còn nếu trên đường chẳng may có xảy ra va chạm thì việc giải quyết cũng rất đơn giản. Không hề có việc to tiếng chửi bới, cãi cọ đánh đấm nhau như ở ta mà việc đầu tiên là hai bên cùng xác định ai trái, ai phải. Sau đó cả hai cùng thoả thuận hoặc tự trao nhau số thẻ dịch vụ bảo hiểm của hai bên, hoặc gọi bảo hiểm đến trực tiếp đánh giá về thiệt hại để đền bù. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được lỗi thuộc bên nào thì sẽ gọi cảnh sát đến phân giải. Sau đó theo kết luận của cảnh sát, ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại. Việc đền bù này hoàn toàn do hãng bảo hiểm của bên sai chịu trách nhiệm. Còn bên được đền bù chỉ việc đưa xe vào hãng, mọi chi tiết hỏng hóc đều được thay thế bằng phụ tùng mới của chính hãng. Tất cả các bước này được làm rất nhanh gọn, dễ dàng. Cho nên việc người dân tự giác tham gia các dịch vụ bảo hiểm cũng là điều dễ hiểu.

Lại nói ở ta hiện nay cũng có rất nhiều loại hình và dịch vụ bảo hiểm, từ bảo hiểm con người đến các loại phương tiện. Nhưng xem ra các hãng này mới chỉ quan tâm đến doanh số bán ra để thu về lợi nhuận, còn việc chăm sóc khách hàng sau sử dụng dịch vụ còn nhiều điều để bàn. Chẳng hạn nhiều vụ kiện thời gian qua về việc các hãngxe không nhận trách nhiệm khi xảy ra sự cô, mặc dù các chủ phương tiện đều đã có bảo hiểm! Hoặc việc nhiều thủ tục rườm rà trong đền bù bảo hiểm, đến mức người dân ngại không dám sử dụng dịch vụ này! Còn một loại hình bảo hiểm nữa báo chí cũng đã lên tiếng nhiều nhưng xem ra chưa có nhiều thay đổi. Ấy là bảo hiểm y tế. Có thể nói một câu là thủ tục rất phức tạp, đến mức nhiều người dù có bảo hiểm hẳn hoi vẫn sợ không dám dùng mà phải chấp nhận thăm khám dịch vụ. Số lượng người trong dạng này không hề nhỏ. Bảo hiểm ở ta, nghĩa vụ và quyền lợi, còn rất nhiều điều cần bàn!

 

Đàm Quân

Nguồn Kinh tế đô thị

Comments are closed.