Bảo hiểm Hồng Kông thất thu1 tỷ đô-la do biểu tình; Thị trường ILS toàn cầu đạt doanh thu kỷ lục; Allianz thay Tổng Giám đốc và nhân sự cấp cao

TIÊU ĐIỂM TUẦN 40:

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất, trả tiền bảo hiểm

PJICO bồi thường tai nạn giao thông tại Cần Thơ

(PJICO) – Đại diện Lãnh đạo PJICO Cần Thơ đã đến động viên, chia buồn và trao toàn bộ số tiền bồi thường bảo hiểm tai nạn học sinh theo mức trách nhiệm đã cam kết cho gia đình em Mai Thị Hà My vào sáng ngày 28/9/2014 tại nhà riêng.

Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng 6 giờ 20 sáng, ngày 27/09/2014, tại Quốc lộ 61 khu vực xã Tân Long A, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang giữa xe 95A-1618 của Công an Hậu Giang với xe đạp do em Mai Thị Hà My học sinh lớp 9A1 trường THCS Tân Bình điều khiển. Tai nạn khiến em My bị thương nặng và đã qua đời tại bệnh viện đa khoa Cần Thơ vào lúc 15 giờ cùng ngày.

Công ty Bảo hiểm PJICO Cần Thơ là đơn vị bảo hiểm tai nạn cho toàn bộ 100% học sinh, giáo viên của trường THCS Tân Bình, Phụng Hiệp, Hậu Giang với khoảng 1.000 học sinh và 60 cán bộ giáo viên. Em My là học sinh giỏi của nhà trường và đã từng nhận học bổng gia đình nghèo hiếu học. Việc giải quyết kịp thời của PJICO đã phần nào giúp đỡ được gia đình em My trong giai đoạn khó khăn này. 

2. Một vòng doanh nghiệp 

BIC khảo sát thị trường bảo hiểm Myanmar

(BIC) – Từ ngày 22-24/9/2014, đoàn công tác của Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) do Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Tùng dẫn đầu đã có chuyến thăm và khảo sát thị trường bảo hiểm Myanmar, xem xét cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư của BIC tại thị trường này.

Trong chuyến công tác, Đoàn đã có buổi làm việc với ông Maung Maung Thein -Thứ trưởng Bộ Tài chính Myanmar kiêm Chủ tịch Ủy ban Giám sát Kinh doanh Bảo hiểm Myanmar (IBSB). Trong buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Myanmar đã thông tin cho BIC nhiều nội dung quan trọng về thị trường bảo hiểm Myanmar và cơ hội đầu tư của các đối tác nước ngoài tại thị trường này.

Đoàn công tác cũng đã thăm quan Trụ sở chính và làm việc với Lãnh đạo Công ty Bảo hiểm Myanmar (MI). MI là công ty bảo hiểm lâu đời nhất và lớn nhất tại Myanmar, có 100% sở hữu nhà nước Myanmar và là doanh nghiệp duy nhất tại Myanmar được kinh doanh tất cả các loại hình nghiệp vụ bảo hiểm cũng như là đầu mối thực hiện nghiệp vụ tái bảo hiểm cho cả thị trường. Hai bên đã trao đổi cởi mở về thông tin thị trường hai nước, thảo luận về cơ hội hợp tác cung cấp các dịch vụ bảo hiểm cho các nhà đầu tư. Ông Aye Min Thein – Tổng Giám đốc điều hành của MI và đồng thời cũng là Tổng Thư ký của IBSB đã bày tỏ sự cảm kích về sự quan tâm của BIC đối với thị trường bảo hiểm Myanmar nói chung và MI nói riêng, đồng thời mong muốn được hợp tác với BIC trong việc cấp đơn bảo hiểm cho các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar.

Thị trường bảo hiểm Myanmar hiện có 13 công ty. Ngoài MI do Nhà nước Myanmar sở hữu 100% vốn, có 12 công ty bảo hiểm tư nhân, trong đó có 3 công ty kinh doanh cả 2 lĩnh vực phi nhân thọ và nhân thọ. Doanh thu của thị trường bảo hiểm phần lớn đến từ lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ do nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm nhân thọ còn rất thấp. 

Ngoài MI, BIC cũng đã gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu thị trường bảo hiểm Myanmar với các lãnh đạo cấp cao của các công ty bảo hiểm: Global World, IKBZ, Grand Guardian.

Chuyến công tác đã cung cấp cho BIC nhiều thông tin quan trọng về thị trường bảo hiểm Myanmar. Đặc biệt, qua chuyến đi này, BIC đã thiết lập được quan hệ hợp tác với các công ty bảo hiểm nội địa, mở ra cơ hội phục vụ các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ đầu tư tại thị trường Myanmar bằng việc cấp đơn bảo hiểm thông qua Công ty Bảo hiểm Myanmar.

Generali Việt Nam ra mắt sản phẩm “Bảo an Thành đạt”

(ĐTCK) – Sáng ngày 5/10, tại Hà Nội, Công ty BHNT Generali Việt Nam đã khai trương sản phẩm “Bảo an Thành đạt”. Trước đó, ngày 4/10, Generali cũng đã tổ chức buổi lễ tại TP. HCM.

Sản phẩm này nhằm giúp chu toàn nguồn lực tài chính để chăm lo sức khoẻ của mẹ và bé trong suốt thai kỳ và đồng hành trên từng chặng đường phát triển của bé từ lúc trong bụng mẹ cho đến khi khôn lớn thành tài, lập nghiệp thông qua giải pháp tích lũy tài chính an toàn, đảm bảo và hiệu quả. 

Sản phẩm mới “Bảo an Thành đạt” của Generali Việt Nam có những đặc điểm nổi bật gồm:

– Tạo lập quỹ giáo dục cho con; 

– Quyền lợi miễn đóng phí và hỗ trợ tài chính khi không may rủi ro xảy đến với cha, mẹ;

– Bảo vệ sức khoẻ cho mẹ và con trong suốt thai kỳ;

– Quyền lợi hỗ trợ viện phí cho con;

– Vận chuyển cấp cứu trong thời gian con học tập tại nước ngoài.

Đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất trên thị trường bảo hiểm cho trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Hoạt động kinh doanh của Generali Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 đã có những bước chuyển biến rõ rệt với doanh thu phí bảo hiểm tăng gần 250% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chất lượng tư vấn sản phẩm bảo hiểm cũng được giữ vững với mức phí bình quân trên mỗi hợp đồng đạt 19 triệu đồng (mức bình quân trên thị trường là 7,17 triệu đồng/hợp đồng).

PVI thuộc Top 30 Doanh nghiệp minh bạch nhất HNX 2013 – 2014

(PVI) – Tại Hội nghị doanh nghiệp thường niên năm 2014 do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 03/10/2014, PVI được vinh danh là 1 trong 15 doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho thị trường chứng khoán tại HNX (2009 – 2014) và 1 trong 30 doanh nghiệp minh bạch nhất HNX 2013 – 2014.

Giấy khen của HNX dành cho 15 doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho thị trường chứng khoán tại HNX (2009 – 2014) nhằm ghi nhận sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp niêm yết đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán trong suốt thời gian qua.

“Top 30 doanh nghiệp minh bạch nhất HNX 2013 – 2014” là kết quả chương trình đánh giá công bố thông tin và minh bạch năm 2013 – 2014. Đây là chương trình tiếp nối thành công của kết quả đạt được năm 2012 – 2013 và nhằm thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết nâng cao ý thức và cải thiện tình hình quản trị công ty, trước hết thông qua việc công bố thông tin đầy đủ, kịp thời, tuân thủ các quy định về quản trị công ty. Chương trình đã thực hiện chấm điểm toàn bộ doanh nghiệp niêm yết dựa trên các tiêu chí trên 5 lĩnh vực: quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng với cổ đông, vai trò của các bên liên quan, minh bạch và công bố thông tin, trách nhiệm của HĐQT. 

Tính đến ngày 30/9/2014, tổng số doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên HNX đạt con số 521 doanh nghiệp. Tổng giá trị vốn hóa trên cả hai thị trường đạt hơn 183 nghìn tỷ đồng.

BSH “bắt tay” HASMEA mở rộng cơ hội kinh doanh

(DDDN) – Sáng 3/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội (HASMEA) và Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội (BSH).

Một nội dung quan trọng trong chương trình hợp tác giữa hai bên đó là hỗ trợ các doanh nghiệp là hội viên của HASMEA cũng như các khách hàng của BSH kết nối, chia sẻ dữ liệu và mở rộng cơ hội kinh doanh. Từ đó, sẽ tăng cường hợp tác giữa các bên, huy động rộng rãi các doanh nghiệp của HASMEA tham gia và trở thành khách hàng của BSH và ngược lại. 

Với nguồn khách hàng tiềm năng là 1.209 doanh nghiệp, thuộc nhiều lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chế biến, thương mại, dịch vụ, tài chính, bất động sản… BSH sẽ có rất nhiều cơ hội mở rộng hợp tác vì thực tế HASMEA hiện nay chưa có hội viên nào thuộc lĩnh vực bảo hiểm.  

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của HASMEA cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị và lên rất nhiều kế hoạch xúc tiến thương mại hai chiều giữa các hội viên Hiệp hội và BSH. Thậm chí, từ trước khi hai bên ký kết thoả thuận, chúng tôi đã giới thiệu để BSH và Công ty CP Nhựa Opec ký kết hợp tác. Trong thời gian tới, sẽ còn rất nhiều các chương trình hoạt động khác nữa”.

Trước đó, Hiệp hội đã hỗ trợ BSH thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại Hà Nam, Vũng Tàu, hay với các đơn vị hội viên: Tập đoàn Quang Minh, Công ty CP Vinacommodities, Công ty CP Misa… Dự kiến, ngay sau khi ký kết thoả thuận hợp tác, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại trong nước, quốc tế.

Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Đỗ Văn Hải – Phó Tổng giám đốc phụ trách BSH cho biết: “Hợp tác với HASMEA cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi được tiếp cận nhiều hơn với các doanh nghiệp Thủ đô, tham gia một cách mạnh mẽ, sâu sắc hơn vào các hoạt động của Hiệp hội, từ đó sẽ mở ra rất nhiều các cơ hội cho cả hai bên”.

Theo nhận định của các nhà quan sát, việc BSH và HASMEA trở thành đối tác cũng phản ánh rất rõ hướng đi mới mà các doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng, đó là tăng cường hợp tác với các hiệp hội ngành nghề, xúc tiến thương mại nội khối để giúp nhau cùng phát triển. 

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

Kiến nghị để doanh nghiệp bảo hiểm được cấp thẻ đại lý

(TBTCO) – Dự thảo mới nhất Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 124 về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 45/2007/NĐ-CP ngày 27/03/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật KDBH, và Nghị định 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH vừa được cơ quan chức năng gửi đến HHBH Việt Nam và các DN bảo hiểm thành viên góp ý để hoàn thiện.

Điều 49 quy định: Tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm thực hiện đào tạo đại lý theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Nghị định 45/2007/NĐ-CP; Bộ Tài chính ra đề thi, tổ chức thi và phê duyệt kết quả thi đại lý bảo hiểm.Ngoài ra, tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức thi, thực hiện cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm và cấp thẻ đại lý bảo hiểm căn cứ kết quả thi đã được Bộ Tài chính phê duyệt…

Đại diện các DN BHNT cho rằng, nên để cho DN bảo hiểm được cấp thẻ đại lý vì liên quan đến sử dụng đại lý, không liên quan đến đào tạo, như vậy sẽ giúp DN bảo hiểm thuận tiện trong việc quản lý đại lý bảo hiểm khi bán bảo hiểm. Theo đó, khách hàng, DN bảo hiểm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát. Dự thảo cũng cần quy định cụ thể, bên cạnh việc cấp thẻ đại lý phải có quy định về thu hồi thẻ, trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm quy định về hoạt động đại lý.

Các DN cũng kiến nghị, nếu không khống chế thời lượng đào tạo, nội dung chương trình đào tạo thì cần ghi rõ trong dự thảo: DN bảo hiểm và tổ chức đào tạo được chủ động về thời lượng và nội dung chương trình đào tạo, để phù hợp với quy trình đào tạo và mục tiêu phát triển của DN.

Điều 37, dự thảo quy định: Nhân viên của DN kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải được đào tạo về các nghiệp vụ bảo hiểm trực tiếp giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Về vấn đề này, đại diện các DN BHNT cho rằng BHNT chỉ có đại lý bán sản phẩm là chính, tuy nhiên, các nhân viên kinh doanh, nhân viên quản lý đại lý, nhân viên đào tạo đại lý cũng cần được đào tạo về các nghiệp vụ bảo hiểm. Vì vậy cần sửa đổi là: các nhân viên kinh doanh, nhân viên quản lý hoặc đào tạo đại lý BHNT phải được đào tạo các nghiệp vụ bảo hiểm về nội dung giới thiệu, chào bán bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm, như vậy sẽ nâng cao chuyên môn, hỗ trợ tốt cho quy trình bán hàng.

Khoản 3 Điều 29 quy định các chức danh quản trị, điều hành, quản lý của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức danh quản trị, điều hành, quản lý khác tại DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài – điều này không phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Các DN kiến nghị, nên cho phép Chủ tịch HĐQT, HĐTV được kiêm nhiệm Tổng giám đốc để phù hợp với Luật Doanh nghiệp; thời gian kiêm nhiệm tối đa là 2-3 năm.

4. Nhịp đập thị trường

Bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng hai con số

(ĐTCK) – Báo cáo nhanh của các DN bảo hiểm phi nhân thọ gửi Cục QL&GSBH cho thấy, 8 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của khối đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu khá tích cực sau một năm 2013 “thất bát” với mức tăng trưởng 7%.

Dẫn đầu về doanh thu trong khối vẫn là những cái tên quen thuộc: Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và PTI, tuy rằng có sự bứt phá hoặc phong độ không ổn định của một số doanh nghiệp. Bảo Minh gây bất ngờ khi tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc 16,85%, ước đạt 1.720 tỷ đồng. Đây cũng là DN có mức tăng trưởng cao nhất trong Top 5 DN dẫn đầu thị trường. 

Xét về thị phần, Bảo hiểm PVI vẫn giữ vị trí số 1 sau 8 tháng khi nắm 23,97% (với doanh thu ước đạt 4.234 tỷ đồng). Bảo hiểm Bảo Việt đứng thứ hai, với 19,45% thị phần (với doanh thu ước đạt 3.435 tỷ đồng), Bảo Minh xếp thứ ba (ước đạt 1.720 tỷ đồng), đứng thứ tư là PJICO (với 1.305 tỷ đồng) và PTI đứng thứ năm với 973 tỷ đồng. Tiếp đến là Samsung Vina, BIC và MIC.

Đáng chú ý, tổng giá trị bồi thường toàn khối trong 8 tháng ước đạt hơn 6.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,8%, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái là 42,4%.

Hầu hết các DN trong Top 5 có tỷ lệ bồi thường dưới 37%, ngoại trừ Bảo hiểm Bảo Việt (48%). Tuy nhiên, việc kiểm soát tỷ lệ bồi thường của Bảo hiểm Bảo Việt đã có bước tiến đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (56,28%).

Trao đổi với ĐTCK, các DN cho biết, tới thời điểm này, các thủ tục giải quyết bồi thường cho khách hàng tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh trong sự cố xảy ra hồi tháng 5/2014 đang được giải quyết theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính. Do quy mô lớn, dự kiến tổng thiệt hại lên tới 2.500 tỷ đồng, cần phải thận trọng trong từng khâu, nên công tác giải quyết bồi thường, theo các DN, có thể sẽ kéo dài đến năm 2015. Tuy nhiên, tính đến ngày 1/8/2014, theo Cục QL&GSBH, các DN bảo hiểm đã bồi thường và tạm ứng bồi thường cho khách hàng 188 tỷ đồng.  

Bên cạnh chạy nước rút về đích doanh thu năm, việc kiểm soát chi phí và rà soát công nợ cũng đang được các DN bảo hiểm tập trung thực hiện. 

Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp bảo hiểm, phòng chống trục lợi bảo hiểm cũng được các DN trong khối đẩy mạnh.Sau một thời gian tái cấu trúc toàn diện, PJICO, Bảo hiểm Hàng không, AAA, Viễn Đông, BSH đang dần ổn định trên nhiều mặt.Mới đây, Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) đã chuyển đổi mô hình từ công ty lên thành Tổng công ty.

5. Bảo hiểm với cộng đồng

Hội thảo “Cùng nhau làm nhẹ gánh nặng ung thư”

(Manulife) – Những năm gần đây, ung thư trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình khi tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng. Năm 2012 ước tính có thêm khoảng 125.000 người mắc bệnh ung thư và 94.700 người chết vì ung thư ở nước ta (theo số liệu của IARC – Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư). 

“Ung thư biết sớm trị lành/ Nếu mà để trễ dễ thành nan y”, ngôn ngữ bình dị, cách chia sẻ gần gũi, thân tình của Giáo sư – Bác sĩ (GS-BS) Nguyễn Chấn Hùng trong bài trình bày kiến thức về bệnh ung thư đã thu hút sự lắng nghe của đông đảo chị em hội viên Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tại Hội trường Thành Ủy TP. Nha Trang. 

Bằng những hình ảnh sinh động, ví dụ minh họa dí dỏm, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng đã truyền tải cụ thể về xuất phát, diễn tiến của các loại ung thư phổ biến nhất hiện nay ở cả phụ nữ và nam giới: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung… Từ đó, bài chia sẻ giúp người tham dự hiểu rõ hơn về nguyên nhân của bệnh ung thư, rà tìm khi chưa thấy triệu chứng để phát hiện sớm, đồng thời có biện pháp phòng ngừa bệnh thích hợp. 

Hiệp hội Quốc tế Phòng chống Ung thư (UICC) gửi thông điệp:“Chúng ta có thể ngừa được 40% các loại ung thư”. “Không phải thuốc bổ dưỡng, đắt tiền mới phòng trị ung thư mà cần “ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui” – những “thuốc quý trời cho” làm tốt sức khỏe và có thể phòng ngừa luôn căn bệnh hiểm ác”, GS-BS dặn dò. Tránh xa thuốc lá, hạn chế bia rượu, ăn nhiều rau củ, trái cây tươi, vận động thể dục đều đặn hàng ngày, phòng tránh bệnh nhiễm, ngủ đủ giấc, tinh thần vui tươi… là những cách thức thật hay bảo vệ sức khỏe của mình tránh nguy cơ ung thư.

Trong việc điều trị căn bệnh ung thư, y học ngày càng phát triển và có nhiều tiến bộ trong phương pháp điều trị như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích… 

Tại hội thảo, người đến tham dự còn được Công ty Manulife trao tặng món quà ý nghĩa là cuốn sách “Cẩm nang phòng trị ung thư” do tác giả Nguyễn Chấn Hùng biên soạn.

Bà Bùi Thị Kim Quy – Giám đốc phụ trách khối Marketing Công ty Manulife Việt Nam cho biết: “Bệnh ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Là một công ty bảo hiểm nhân thọ, Manulife rất quan tâm đến sức khỏe cộng đồng. Thông qua chuỗi hội thảo, chúng tôi mong muốn phổ biến kiến thức và cách phòng ngừa để người dân an tâm, có lối sống lành mạnh, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng”. 

Các chương trình tiếp theo sẽ được tổ chức tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.

II. Tin quốc tế

Thị trường ILS toàn cầu đạt doanh thu kỷ lục

(Insurancenews) – Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Tiền tệ Bermuda, trong quý II vừa qua, thị trường chứng khoán liên kết bảo hiểm (ILS) toàn cầu đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của hoạt động phát hành mới với mức tăng 38%, đạt doanh thu kỷ lục 4,6 tỷ USD.

Trong số đó, riêng thị trường Bermuda đã chiếm tới 4,2 tỷ USD, tương ứng với 14 trên tổng số 17 trái phiếu phát hành mới trong quý.

Lô phát hành có giá trị lớn nhất (1,5 tỷ USD) thuộc về nhà bảo hiểm chuyên biệt Everglades Re tại Bermuda, thay mặt cho công ty bảo hiểm Citizens Property Insurance, nhằm bảo vệ cho rủi ro bão nhiệt đới tại Florida.

Quy mô trung bình của trái phiếu phát hành trong quý II/2014 là 273 triệu USD, cao thứ hai so với các quý từ trước tới nay, đồng thời tăng đáng kể so với mức 223 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Tổng giá trị chứng khoán liên kết bảo hiểm trên thị trường toàn cầu hiện đang đứng ở mức kỷ lục 23,2 tỷ USD, trong đó 8 trái phiếu có tổng mệnh giá 1,5 tỷ USD sẽ đáo hạn trong quý này.

Cũng trong quý II vừa qua, Cơ quan Tiền tệ Bermuda đã cấp phép kinh doanh cho 12 nhà bảo hiểm chuyên biệt.

Allianz thay Tổng Giám đốc và nhân sự cấp cao

(Insurancenews) – Ông Oliver Bate, Ủy viên HĐQT và là thành viên Ban Giám đốc của Allianz, sẽ tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn từ ông Michael Diekmann tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông vào tháng 5/2015 sắp tới. Theo hợp đồng, ông Bate sẽ đảm nhận vị trí này cho tới ngày 30/9/2019.

Hiện tại, ông Bate sẽ tiếp tục điều hành Khối bảo hiểm tài sản và trách nhiệm toàn cầu, còn ông Diekmann cũng sẽ vẫn tại vị cho tới kỳ họp đại hội đồng cổ đông năm sau.

Hai thành viên HĐQT khác là Gary Bhojwani và Clem Booth cũng sẽ rời Allianz vào cuối năm nay.Tiếp quản hai vị trí này từ 1/1/2015 là các ông Sergio Balbinot và Axel Theis.Bên cạnh đó, ông Manuel Bauer, thành viên HĐQT, sẽ phụ trách thị trường Australia thay cho ông Booth.

Về phần mình, ông Theis – hiện đang là Tổng Giám đốc Bảo hiểm doanh nghiệp và bảo hiểm chuyên biệt của Allianz (AGCS) – sẽ phụ trách Khối bảo hiểm công nghiệp, bảo hiểm tín dụng và bảo hiểm doanh nghiệp toàn cầu tại Anh và Ailen.

Tại AGCS, ông Chris Hirs, Giám đốc Tài chính sẽ được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc. Trong khi đó, ông Nina Klingspor, Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc Allianz sẽ tiếp quản vị trí Giám đốc Tài chính AGCS.

Munich Re thành lập Trung tâm thẩm định tái bảo hiểm tại Hồng Kông 

(Insurancenews) – Munich Re sẽ thành lập trung tâm thẩm định tái bảo hiểm hàng hải Châu Á-Thái Bình Dương tại Hồng Kông vào năm tới. Theo ông John Wilkinson, Tổng Giám đốc Bảo hiểm hàng hải toàn cầu, trung tâm này sẽ hợp nhất các hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm của hãng trong khu vực.

“Với vị trí địa lý gần với các thị trường bảo hiểm lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng tôi cho rằng Hồng Kông sẽ là sự lựa chọn phù hợp nhất”, ông nói.

“Chúng tôi tin rằng sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực bảo hiểm hàng hải ở khu vực Đông Á cũng như môi trường kinh doanh tại Hồng Kông là các nhân tố có tác động tích cực tới việc thành lập và vận hành trung tâm thẩm định tái bảo hiểm tại đây”.

Ngoài ra, các trung tâm thẩm định tái bảo hiểm khác cũng sẽ được Munich Re thành lập tại Singapore, Seoul (Hàn Quốc) và Auckland (New Zealand) nhằm đảm bảo việc tiếp cận với khách hàng thuận lợi nhất.

“Việc chúng tôi đặt trung tâm thẩm định tái bảo hiểm tại Singapore nhằm củng cố vị trí của mình tại Đông Nam Á và đẩy mạnh sự phát triển nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải”.

Bảo hiểm hàng hải vốn là thế mạnh của châu Á, nơi đứng chân của 9 trên 10 cảng container lớn nhất thế giới. Khu vực này chiếm tới 32% phí bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường biển và 90% các hoạt động đóng tàu trên toàn cầu.

“Dẫu vậy song vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai”, ông Wilkinson nói.“Trung Quốc sẽ tiếp tục là quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu quan trọng, đồng thời vận chuyển nội địa đang trên đà phát triển”.

“Sự phát triển của các nền kinh tế Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ là tiền đề cho các hoạt động logistic phát triển, và đây là điều kiện hết sức có lợi cho ngành bảo hiểm hàng hải”.

“Hàn Quốc và Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp đóng tàu và lĩnh vực xây dựng các công trình năng lượng ngoài khơi”.

Tổng doanh thu phí tái bảo hiểm của Munich Re năm 2013 đạt 17 tỷ Euro, trong đó xấp xỉ 10% (1,6 tỷ Euro) đến từ các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải, hàng không và vũ trụ.

ACE Life bổ nhiệm Giám đốc Tài chính 

(Insurance-business-review) – ACE Life, công ty BHNT thành viên của Tập đoàn ACE, vừa bổ nhiệm ông Haik de Jong giữ chức Giám đốc Tài chính. 

Ông Haik de Jong sẽ làm việc tại New York và báo cáo lên ông Russell Bundschuh, Tổng Giám đốc ACE Life, và ông Phil Bancroft, Giám đốc Tài chính Tập đoàn ACE.

Ông Mr. Bundschuh nói “Tôi rất vui mừng được chào đón ông Haik tới ACE Life. Nền tảng học thuật và kinh nghiệm lâu năm của ông Haik trong các lĩnh vực tài chính, định phí và phát triển sản phẩm trên thị trường quốc tế sẽ đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng, lợi nhuận và thành công của công ty chúng tôi”.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Haik de Jong đã có nhiều thành tích trong lãnh đạo hoạt động kinh doanh, xây dựng năng lực của tổ chức và dẫn dắt tổ chức vượt qua biến động và chuyển đổi.

Trước khi gia nhập ACE, ông Haik là Giám đốc Tài chính khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ING. Trước đó, ông đảm nhận vị trí quản lý cấp cao của ING tại châu Âu, châu Mỹ La tinh và châu Á.

Ông Haik de Jong có bằng Thạc sỹ Toán tại Đại học Leiden (Anh), Kinh tế lượng và Khoa học Kinh tế tại Đại học VU (Hà Lan), và Khoa học Actury tại Đại học Hà Lan. 

Hồng Kông: biểu tình khiến ngành bảo hiểm thất thu 129 triệu USD 

(Asiainsurancereview) – Theo ước tính của Hội chuyên gia hành nghề bảo hiểm phi nhân thọ Hồng Kông, ngành bảo hiểm đặc khu này đã thất thu ít nhất 1 tỷ đô-la Hồng Kông (129 triệu USD) doanh thu do cuộc biểu tình được mệnh danh “cuộc Cách mạng ô dù” bắt đầu từ ngày 26/9 của người dân tại đây.

Theo ông Roy Cheung Wai-leung, Chủ tịch Hội chuyên gia hành nghề bảo hiểm phi nhân thọ Hồng Kông, đỉnh cao doanh thu bảo hiểm thường rơi vào quý cuối cùng trong năm. Doanh thu phí trung bình mỗi tháng trong quý này thường cao gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần doanh thu trung bình cả năm. 

Ông Roy cũng bày tỏ lo ngại nếu cuộc biểu tình tiếp diễn sẽ ảnh hưởng tới công việc của hơn 80.000 người đang làm trong lĩnh vực bảo hiểm.Thu nhập của đại lý bảo hiểm hiện đã giảm 20%.

Theo ông Roy, các cuộc biểu tình trên đường phố đã ảnh hưởng tới giao thông tại đây, khiến cho khách hàng khó có thể gặp các đại lý bảo hiểm hoặc đi kiểm tra sức khỏe.Đặc biệt là tại các khu vực Vịnh Causeway và Mongkok – nơi tọa lạc của hai trung tâm khám sức khỏe lớn.

Ông Roy cũng cho biết cuộc Cách mạng ô dù đã khiến hàng loạt du khách từ đại lục phải hủy chuyến du lịch tới Hồng Kông nhân dịp quốc khánh nước này và từ đó ảnh hưởng tới doanh thu bảo hiểm.

Giao thương về du lịch với Trung Hoa đại lục chiếm tới 18-20% phí bảo hiểm du lịch tại Hồng Kông, và con số này đang không ngừng tăng lên qua các năm.Thậm chí nhiều du khách nhân kỳ nghỉ tại Hồng Kông đã mua bảo hiểm du lịch tại đây.

Các đại lý du lịch tại Hồng Kông cho biết số lượng tour đến Hồng Kông từ đại lục đã giảm tới 30% chỉ trong mấy ngày biểu tình đầu tiên.Sau đó, các đại lý du lịch tại đại lục ra thông báo ngày 1/10 rằng visa nhóm cho du khách từ Trung Quốc tới Hồng Kông đã bị đình lại.

Trong năm 2013, đã có 40,7 triệu du khách từ Trung Quốc tới Hồng Kông, chiếm 75% tổng số lượt khách tới du lịch đặc khu này. Hồi tháng 2, cơ quan quản lý du lịch Hồng Kông cho biết họ kỳ vọng trong năm nay sẽ đạt con số 45 triệu du khách đến từ đại lục.

BTV (tổng hợp).

{fcomment}

Comments are closed.