Bảo hiểm học sinh, đến mùa lại “nóng”

Mùa bảo hiểm học sinh đang đến, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ lại lao vào cuộc cạnh tranh quyết liệt giành thị phần. Hiện tượng can thiệp hành chính để cát cứ thị trường lại tái diễn.

alt

Hiện tượng can thiệp hành chính để cát cứ thị trường bảo hiểm học sinh lại tái diễn

Đầu tháng 6/2012, một công văn liên tịch giữa Sở Giáo dục & Đào tạo một tỉnh được mệnh danh là “vựa lúa” của Đồng bằng sông Hồng và một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu thị trường đã được gửi tới phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở. Công văn nêu rõ, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh  tiếp tục phối hợp với Công ty Bảo hiểm B thực hiện công tác bảo hiểm trong các trường học của tỉnh… Kèm theo công văn này là một công văn khác hướng dẫn thực hiện công tác bảo hiểm đối với cán bộ giáo viên, học sinh và sinh viên năm học 2012 – 2013.

Rút kinh nghiệm của một số công ty bảo hiểm khác khi can thiệp hành chính quá sâu và lộ liễu vào việc bán bảo hiểm tới các trường trong những năm trước (đã bị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các cơ quan chức năng nhắc nhở, cảnh báo), công văn này không có dòng nào nói về việc các trường trong tỉnh phải mua bảo hiểm của doanh nghiệp B. Nhưng thực tế, ai cũng biết, chỉ cần công văn được gửi đến là các trường thuộc tỉnh đủ hiểu sẽ phải làm gì. Nhân viên của các doanh nghiệp bảo hiểm khác tiếp cận các trường thuộc địa bàn tỉnh này đành ngậm ngùi rút lui khi công văn được chìa ra.

Bình luận về sự cạnh tranh gay gắt trong nghiệp vụ bảo hiểm học sinh, một chuyên gia trong ngành nói rằng, những chiêu cạnh tranh “bẩn” kiểu này thấy riết rồi chán. Dù báo chí nhiều lần phê phán, nhưng rồi sự việc vẫn cứ tái diễn.

Bảo hiểm học sinh – sinh viên luôn là phân khúc thị trường thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Đây là phân khúc thị trường nhiều tiềm năng, bởi  người dân ngày càng quan tâm đến việc chọn mua bảo hiểm cho con. Dù phí không cao nhưng nghiệp vụ này có tỷ lệ bồi thường khá thấp, luôn đảm bảo được nguyên lý số đông bù số ít. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc triển khai các nghiệp vụ mang lại doanh thu lớn không dễ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chuyển hướng quan tâm đến những sản phẩm bảo hiểm có doanh thu phí thấp, khiến bảo hiểm học sinh – sinh viên luôn “nóng” nay lại càng “nóng” hơn.

Theo các chuyên gia trong ngành, đối với hầu hết học sinh các cấp, việc tham gia bảo hiểm chỉ giới hạn ở bảo hiểm y tế theo sự bắt buộc của nhà trường. Riêng với bậc tiểu học và mẫu giáo thì công tác bảo hiểm hầu như chỉ được thực hiện một cách qua loa cho đúng thủ tục do ngành giáo dục đề ra. Hiện tại, tỷ lệ học sinh Việt Nam được tham gia bảo hiểm toàn diện khá thấp so với các nước phát triển trong khu vực. Tại Hội thảo “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân giai đoạn 2011-2015” do Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức tại TP. HCM vừa qua, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, đến cuối năm 2011, cả nước mới chỉ có 63,7% dân số (tương đương với 55,9 triệu người) tham gia BHYT. Vì vậy, đề án này đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt trên 90% dân số có BHYT.

Trở lại với câu chuyện cạnh tranh bằng mọi chiêu thức trong nghiệp vụ này, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm mất thị phần dù ấm ức cũng chẳng biết làm sao vì thực tế, các chiêu thức này họ đã từng dùng qua. “Hầu như các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đều không muốn ra mặt ‘tố’ những vụ cạnh tranh kiểu này. Và cạnh tranh không lành mạnh ở phân khúc bảo hiểm học sinh vẫn tiếp tục ca bài đến hẹn lại lên”, vị chuyên gia trên chua chát.    

(ĐTCK).

{flike}

Comments are closed.