Bảo hiểm hàng hóa trong nước, khó cải thiện sớm

altTrao đổi với phóng viên ĐTCK bên lề Hội thảo “Giải pháp quản lý rủi ro bằng bảo hiểm cho DN Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) phối hợp với Công ty Bảo hiểm Chartis tổ chức hôm 25/5, nhiều quan điểm cho rằng, đa số DN xuất nhập khẩu vẫn chưa mặn mà với việc mua bảo hiểm trong nước. Vậy nguyên nhân đến từ phía nào?

    Thờ ơ vì tập quán xuất nhập khẩu

    Những tháng đầu năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa dần hồi phục, thể hiện ở doanh thu phí bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong quý I tăng 17,88% so với cùng kỳ, đạt 454 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó vẫn là con số khiêm tốn khi so sánh với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I khoảng 49,39 tỷ USD. Điều này thể hiện sự thiếu mặn mà của các DN xuất nhập khẩu Việt Nam đối với việc mua bảo hiểm trong nước.

    Các DN bảo hiểm có doanh thu cao từ mảng này vẫn là những cái tên quen thuộc, hưởng lợi từ công ty mẹ hay bán bảo hiểm nội bộ như Samsung Vina (phí đạt 105 tỷ đồng), Bảo Việt (83 tỷ đồng), PJICO (56 tỷ đồng), PVI (40 tỷ đồng).

    Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu mặn mà của DN, theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI, chủ yếu do nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa trong nước vẫn chưa được đối tượng liên quan chú trọng, kèm theo đó là thói quen xuất nhập khẩu của các DN Việt.

    “DN Việt Nam thường nhập hàng CIF (nhận hàng ở Việt Nam, đã bao gồm phí vận chuyển và phí bảo hiểm) và bán hàng FOB (bán ngay tại cảng). Vì vậy, việc mua bảo hiểm thường thuộc trách nhiệm của bên bán (nếu phía Việt Nam nhập) và bên mua (nếu DN Việt Nam xuất), nên không có cửa cho DN bảo hiểm chào mua bảo hiểm tại Việt Nam”, ông Lộc nói.

    Hơn thế, hợp đồng bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu thường là mối quan hệ lâu dài (hợp đồng bao cho cả năm), nên chỉ khi nào khách hàng không kham nổi mức tăng phí từ DN bảo hiểm cũ, thì mới tìm đến DN bảo hiểm khác có phí thấp hơn. Ngoài ra, chỉ những hàng hóa có độ rủi ro cao như phân bón, thuốc trừ sâu… và bị DN bảo hiểm nước ngoài từ chối bán bảo hiểm, thì DN Việt mới lựa chọn mua bảo hiểm trong nước.

    Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Duy Luyến, Phó giám đốc Ban hàng hải, Tổng CTCP Bảo hiểm Xuân Thành bổ sung, DN Việt Nam lựa chọn phương thức bán/mua hàng kể trên một phần do những hạn chế về năng lực. Bởi lẽ, để có thể bán hàng CIF, DN Việt cần có nhiều kiến thức liên quan đến luật pháp quốc tế. Chưa kể, năng lực hoạt động của nhiều DN bảo hiểm trong nước cũng còn hạn chế, kiến thức chuyên môn về bảo hiểm hàng hóa, thương phẩm, ngoại thương của cán bộ trong DN bảo hiểm đôi khi chưa đủ sức thuyết phục DN để họ mua bảo hiểm hàng hóa tại Việt Nam.

    Trong khi đó, theo bà Vũ Hồng Vân, Giám đốc Ban bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, Công ty Bảo hiểm Chartis, xu hướng chuyển hợp đồng mua bán từ điều kiện FOB sang CIF đang hình thành ngày càng rõ nét tại các nước Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

    “Mặc dù luật pháp nước Mỹ không yêu cầu bắt buộc đối với bảo hiểm hàng hóa, nhưng người mua hàng vẫn thường yêu cầu người bán phải mua bảo hiểm cho sản phẩm”, bà Vân nói và cho biết thêm, đó là một chuẩn mực thương mại đối với các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ. Chính vì vậy, để gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, các DN Việt Nam nên chuyển sang bán hàng CIF và mua bảo hiểm từ trong nước.

    Mua bảo hiểm hàng hóa trong nước, tại sao không?

    Trao đổi với ĐTCK, ông Lộc cho rằng, chất lượng bồi thường trong mảng nghiệp vụ này hiện khá tốt, vì chủ yếu là tái bảo hiểm ra nước ngoài (quý I/2012, mảng nghiệp vụ này tái bảo hiểm ra nước ngoài là 113 tỷ đồng, tái bảo hiểm trong nước 79 tỷ đồng). Do đó,  trách nhiệm bồi thường thường gắn với nghĩa vụ của các nhà tái bảo hiểm, những chậm trễ trong bồi thường nếu có chủ yếu do thủ tục giải quyết ở nước ngoài.

    Theo thống kê của AVI, quý I/2012, tỷ lệ bồi thường trong nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa chiếm 56% doanh thu phí, tương đương 112 tỷ đồng. Các DN có tỷ lệ bồi thường cao gồm BIC 202%, ABIC 141%, Chartis 58%, Toàn Cầu 50%, Bảo Việt 34%, còn lại dưới 30%.

    Theo một số DN xuất nhập khẩu, không nên chỉ dừng ở việc giới thiệu đơn thuần sản phẩm, các DN bảo hiểm cần phân tích/trả lời được các câu hỏi như: “Tại sao DN nên chọn xuất hàng CIF, chứ không phải xuất hàng FOB như hiện nay? Nếu chọn xuất hàng FOB thì có thể gặp những rủi ro gì? Thuận lợi khi mua bảo hiểm trong nước là gì? DN bảo hiểm tại Việt Nam sẽ hỗ trợ khách hàng để họ có thể xuất hàng CIF ra sao?”…

    Đặc biệt, theo ông Lộc, DN xuất nhập khẩu cần đặt vấn đề: mua bảo hiểm ở nước ngoài, kể cả có đầy đủ hồ sơ, chứng từ cũng sẽ gặp nhiều bất tiện trong công tác bồi thường, rất khó khăn nếu vướng vào kiện tụng (nếu DN bảo hiểm từ chối bồi thường). Trong khi đó, nếu mua ở trong nước, dù đó là DN bảo hiểm nước ngoài, liên doanh hay trong nước, thì đều chịu sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam, nên các vấn đề phát sinh sẽ dễ xử lý hơn.   

(ĐTCK).

Comments are closed.