Bảo hiểm du lịch: Tiền nào, của nấy!

Mới đây, một Việt kiều gặp tai nạn đã được một công ty bảo hiểm của Canada điều chuyên cơ sang Việt Nam đón về nước điều trị. Sự kiện này làm dấy lên sự so sánh giữa dịch vụ bảo hiểm trong nước và nước ngoài. Vậy dịch vụ bảo hiểm nội địa có thực sự không tốt?

Bảo hiểm du lịch tiền nào của nấy

Trả lời câu hỏi trên, chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Đức Thắng cho biết, tại Việt Nam cũng có dịch vụ vận chuyển bằng chuyên cơ, bằng chứng là Bảo hiểm Bảo Việt từng đưa máy bay đón nạn nhân là người Việt Nam trong vụ đánh bom ở Ai Cập cách đây không lâu là một ví dụ.

Cũng theo ông Thắng, trước đó, khá nhiều trường hợp giải quyết bồi thường cho khách hàng đi du lịch/công tác nước ngoài theo quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm du lịch quốc tế được các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước thực hiện.

Xem thêm:bảo hiểm sức khỏeBảo hiểm thai sảnbảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, sản phẩm bảo hiểm du lịch khá đa dạng, với nhiều quyền lợi để khách hàng lựa chọn. Song, điều quan trọng là khách hàng cần phải nắm rõ sản phẩm mà mình định mua để có thể chủ động đưa ra đề nghị bồi thường khi không may gặp trục trặc, bởi chất lượng dịch vụ bảo hiểm hay nói cách khác là quyền lợi bảo hiểm được hưởng tùy thuộc vào mức phí đóng của khách hàng.

Chia sẻ với phóng viên, một tư vấn viên bảo hiểm kỳ cựu cho hay, không ít tư vấn viên khi giao dịch với khách hàng chỉ tập trung nói về doanh nghiệp, mà lơ là khâu tư vấn sản phẩm.

“Không nhiều khách hàng có hiểu biết về bảo hiểm, nên tâm lý thường chỉ muốn mua gói bảo hiểm có mức phí thấp nhất, trong khi mức phí thấp thì quyền lợi cũng sẽ không cao. Bởi vậy, tư vấn viên cần tư vấn cho khách hàng nắm được các sản phẩm có đầy đủ quyền lợi và tất nhiên, để được bồi thường ở mức cao nhất, khách hàng phải bỏ ra một số tiền tương xứng. Điều này vừa khiến công ty tăng được doanh thu, vừa giúp khách hàng có thể được hưởng mọi quyền lợi bảo hiểm nếu rủi ro không may xảy ra”, tư vấn viên này nói.

Nêu dẫn chứng, vị tư vấn viên trên thông tin, tại Bảo hiểm Bảo Việt, với khoảng thời gian ở nước ngoài từ 7-10 ngày, nếu khách hàng tham gia chương trình bảo hiểm Bạc (với mức phí đóng bảo hiểm 240.000 đồng/người) thì quyền lợi khá hạn chế, chẳng hạn không được hưởng các quyền lợi về trợ cấp nằm viện, hành lý tư trang (đồ vật/hành lý bị mất), chuyến đi bị trì hoãn, rút ngắn chuyến đi…

Còn nếu tham gia chương trình bảo hiểm Vàng (mức phí đóng bảo hiểm 300.000 đồng/người) hoặc Kim Cương (mức phí bảo hiểm 530.000 đồng/người) thì được hưởng đầy đủ các quyền lợi, với các mức được chi trả khác nhau tùy chương trình.

“Khi mua bảo hiểm du lịch quốc tế, khách hàng cần lưu ý thêm rằng, không phải đối tượng khách hàng nào cũng được chi trả toàn bộ. Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều giới hạn độ tuổi, chẳng hạn đối với trẻ em (dưới 17 tuổi), các quyền lợi được giới hạn ở mức 20% số tiền bảo hiểm, với người từ 76 tuổi trở lên, các quyền lợi được giới hạn ở mức 30% số tiền bảo hiểm…”, tư vấn viên này chia sẻ thêm.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều công ty bán bảo hiểm du lịch quốc tế như Bảo Việt, PVI, PTI, Bảo Minh, AIG, Liberty, Chubb, BIC… và mỗi hãng lại có các gói bảo hiểm khác nhau.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, có nhà bảo hiểm áp dụng quyền lợi hồi hương thi hài (trường hợp người được bảo hiểm tử vong và công ty bảo hiểm sẽ thanh toán các chi phí cho việc chôn cất, hoặc hỏa táng thi hài người được bảo hiểm tại quốc gia mà người được bảo hiểm tử vong, hoặc chi phí vận chuyển thi hài/tro cốt của người được bảo hiểm về Việt Nam hoặc nước nguyên xứ), có hãng thì áp dụng quyền lợi bảo hiểm khủng bố…

Giới chuyên gia khuyến cáo, để hưởng tối đa các quyền lợi khi mua bảo hiểm du lịch nói chung và bảo hiểm du lịch quốc tế nói riêng, khách hàng cần mua đúng, mua đủ, đồng thời nghiên cứu kỹ các điều khoản loại trừ để trong trường hợp không may gặp rủi ro có thể chủ động đưa ra đề nghị bồi thường.

Theo Kim Lan (ĐTCK)