Bảo hiểm dè chừng những nghiệp vụ rủi ro cao

Ngoài việc từ chối nhận tái tục cấp đơn bảo hiểm mới cho các nhóm nghiệp vụ Cat 4, 5 – nghiệp vụ cháy nổ có tỷ lệ và tần suất tổn thất cao, một số công ty bảo hiểm còn đẩy mạnh việc rà soát và kiểm soát việc tái tục nhóm nghiệp vụ xe cá nhân và xe kinh doanh (taxi, container).

Bảo hiểm dè chừng nghiệp vụ rủi ro

Chủ trương thắt chặt tái tục với những nghiệp vụ có rủi ro và tần suất bồi thường cao khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mất đi một nguồn doanh thu đáng kể.

Cụ thể, năm 2018, theo báo cáo của Tổng công ty Bảo Minh, doanh thu bảo hiểm xe không tái tục và hạn chế trong khai thác mới giảm 156 tỷ đồng so với năm 2017. Trong khi đó, số phí từ chối tái tục và khai thác mới cho nhóm nghiệp vụ Cat 4, 5 cũng làm giảm doanh thu hoàn thành kế hoạch của Bảo Minh trên 18 tỷ đồng phát sinh đến năm 2018.

Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), năm 2018, cơ cấu doanh thu bảo hiểm gốc theo nhóm nghiệp vụ có sự thay đổi đáng kể. Tỷ trọng doanh thu nhóm nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, sức khỏe có chiều hướng gia tăng, tiệm cận mức 20%, còn bảo hiểm xe cơ giới giảm tỷ trọng xuống dưới 40%.

Trong khi đó, một số hãng bảo hiểm khác như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty (Việt Nam) đã siết chặt nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới từ năm 2017. Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới năm 2017 của PTI là 1.736 tỷ đồng, giảm giảm gần 100 tỷ đồng so với năm 2016. Tuy nhiên, năm 2018, hãng bảo hiểm này tập trung vào chính sách khách hàng, điều chỉnh lại việc bán bảo hiểm cho các dòng xe sàng lọc đối tượng khách hàng…, nên đà tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đã quay trở lại.

Thực tế, việc tập trung vào các dòng sản phẩm kinh doanh hiệu quả, sàng lọc các đối tượng bảo hiểm có tỷ lệ tổn thất cao, triển khai các chương trình thúc đẩy bán hàng đối với những nhóm nghiệp vụ có lợi nhuận tốt là chủ trương của đa số công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong thời gian qua.

Ðáng chú ý, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhận xét, rủi ro trục lợi vẫn cao trong tất cả các loại hình bảo hiểm.

Riêng bảo hiểm xe cơ giới, theo thống kê của một doanh nghiệp bảo hiểm, tiền trục lợi mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Bên cạnh các hình thức trục lợi thông thường như tăng phí để hưởng hoa hồng, hoặc tăng tổn thất để hưởng bồi thường, thì trên thị trường bảo hiểm cho doanh nghiệp có muôn hình vạn trạng các hình thức trục lợi khác.

Ví dụ, thay vì phải mua bảo hiểm cho cả năm ngay từ đầu năm thì doanh nghiệp A chờ đến gần hết năm, khi không phát sinh sự kiện bảo hiểm mới quyết định ký hợp đồng bảo hiểm, với thời hạn hiệu lực được ghi từ đầu năm. Ðổi lại, công ty bảo hiểm sẽ phải trả lại đa phần mức phí của thời gian không xảy ra tổn thất cho doanh nghiệp A.

Hình thức ký hợp đồng bảo hiểm lùi ngày hiệu lực cũng được một số công ty áp dụng để lách các quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm của pháp luật. Chẳng hạn, công trình thi công này bắt buộc phải mua bảo hiểm thì mới được nghiệm thu. Khi đó, chủ công trình sẽ nhờ các công ty bảo hiểm cấp đơn lùi thời gian hiệu lực, có khi đến cả năm, với mức phí chỉ bằng 1/3 – 1/4 mức phí thông thường. Chủ công trình có bảo hiểm theo quy định, còn công ty bảo hiểm có được một ít doanh thu mà chắc chắn không bị phát sinh bồi thường.

“Tất nhiên, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng đồng ý ký hợp đồng dạng này do họ phải xử lý nguồn chi phí lớn, tuy nhiên, một số công ty bảo hiểm cần doanh thu vẫn chấp nhận cấp đơn cho những trường hợp như vậy”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Trao đổi với báo giới về tỷ lệ trục lợi bảo hiểm trên thị trường, tại đại hội đồng cổ đông mới đây, tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm nói rằng, hành vi trục lợi bảo hiểm sẽ ngày càng tinh vi, thiên hình vạn trạng. Ðể “tự cứu lấy mình”, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ còn cách nâng cao hoạt động quản trị và nghiệp vụ đánh giá rủi ro.

Theo Gia Linh (ĐTCK)